Rảnh rỗi như người “kẻ biển”

Người "kẻ biển" mỗi năm chỉ lao động cật lực khoảng bốn đến năm tháng mùa hè, thời gian còn lại khi vào mùa mưa bão, biển động thì họ chỉ biết ngồi nhà ăn và ngủ...

“Chú coi, người "kẻ biển" chúng tôi mỗi năm có khoảng 8 tháng ngồi nhìn ra, biết mần chi được khi đứng giữa những đồi cát mênh mông này. Vô công rồi nghề vào lúc biển động ai khỏe thì di cư vô Nam kiếm việc làm tạm vài tháng, còn yếu, già cả thì ở nhà thi thoảng đội sóng ra biển kiếm vài cân cá về nhậu lai rai cho qua ngày chứ biết làm gì nữa đây!?”.

Đó là tâm sự của người "kẻ biển" (tiếng địa phương chỉ những người sống ở vùng biển bãi ngang - PV) ở vùng đất nghèo thuộc xã Ngư Thủy Trung, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Người "kẻ biển" mỗi năm chỉ lao động cật lực khoảng bốn đến năm tháng mùa hè, thời gian còn lại khi vào mùa mưa bão, biển động thì họ chỉ biết ngồi nhà ăn và ngủ... bởi nơi đây đất cát khô cằn và họ cũng chẳng có ngành nghề truyền thống nào để lao động tăng gia sản xuất.

Mùa biển động, người "kẻ biển" đan lưới phục vụ mùa đánh bắt mới. Ảnh: V.Q

Công sức bèo bọt

Hộ gia đình được coi là khá giả ở vùng "kẻ biển" này là gia đình bà Hoàng Thị Minh Tiếu (SN 1952) ở thôn Thượng Bắc với thu nhập từ 50- 70 triệu đồng/ năm nhờ công việc nuôi heo nái. Trại chăn nuôi heo của bà Tiếu cũng trở thành nơi cung cấp nguồn giống cho nhiều hộ gia đình trong làng. Họ được bà Tiếu cho mua chịu heo con về nuôi và khi bán thịt thì trả còn rủi ro heo ốm, chết thì chờ đến mùa biển sẽ trả bằng... cá. Ngoài bà Tiếu, hộ gia đình ông Ngô Minh Khích (SN 1959) ở thôn Thượng Bắc có đầm nuôi tôm không chỉ làm giàu cho gia đình còn giúp khoảng từ 40-50 lao động tại địa phương có việc làm. Tuy nhiên, con số này quá nhỏ so với số lao động dôi dư ở địa phương.

Chúng tôi có dịp về xã Ngư Thủy Trung vào một ngày trời đông lạnh giá, dọc con đường đất đỏ những căn nhà loang lổ bởi kiểu xây chắp vá hay một số căn nhà lụp xụp của một số hộ gia đình đang gặp khó khăn chưa thể hoàn thiện để ở. Đi dọc đường chúng tôi bắt gặp một số người ngồi tựa cửa nhìn ra với vẻ mặt buồn rầu đến không tưởng. Thi thoảng đâu đó tiếng hò hét của những đứa trẻ ăn mặc phong phanh giữa cái giá lạnh mùa đông hay một vài thanh niên tụm lại cùng nhau "chén chú chén anh" vì ...chẳng có việc gì làm.

Đất của người dân "kẻ biển" không đủ màu mỡ để sản xuất lương thực, người không đủ sức thì không thể làm nổi lấy miếng cơm mà ăn, bởi dân "kẻ biển" sống phụ thuộc vào thời tiết và thiên nhiên. No ấm của mỗi gia đình đều phụ thuộc vào ánh bình minh. Cả xã bãi ngang này đâu phải nhà nào cũng có thuyền, bơ nan? Dăm ba nhà chung lại một cái và cắt cử người thay phiên nhau đi biển. Với công cụ bơ nan chèo tạm ấy dẫu có muốn cũng chẳng thể nào vươn ra xa biển khơi để kiếm tìm nguồn sống.

Một người đi, cả chục con người sống thấp thỏm lo âu bởi họ thừa biết rằng "bơ nan chèo tạm" đó khó có thể chống chọi với sóng dữ và bão giông. Không chỉ vậy, ngư cụ của họ có thể bị cắt, trộm và bị người khác kéo nhầm lúc nào không hay do đó sự rủi ro là rất lớn. Đặc biệt, vào những mùa biển động, nhiều người làm liều đi biển để kiếm thêm vài ba con cá làm thức ăn cho bữa cơm của mình. Tuy nhiên, thành quả từ sức lao động của ngư dân ở đây rẻ như bèo. Chẳng hạn như vụ trước, ngư dân ở đây bị thương lái ép giá nên có lúc mỗi kg cá chỉ có được khoảng từ 2.000 đến 2.500 đồng. Có nhiều người vợ bán sạch mẻ cá, cầm nắm tiền lẻ trong tay mà rơi nước mắt vì công sức của hai vợ chồng cả đêm bèo bọt quá.

Cái khó, cái nhọc của vùng quê này đã đẩy lực lượng thanh niên là lao động chính trong gia đình tìm kế sinh nhai ở những vùng đất mới xa xôi. Nhiều thanh niên vào Nam đi bạn cùng các tàu cá, còn thanh nữ vào xin việc ở các khu công nghiệp làm giày da xuất khẩu hay đi may... Một số người "kẻ biển" chừng 40 - 55 tuổi cũng phải tha phương để vào làm những công việc có tính thời vụ như đi hái cà phê, trông con, đi làm giúp việc...

Mô hình kinh tế tại chỗ của người dân ở vùng bãi ngang làm ăn có hiệu quả.

Khát vọng... hết nghèo

Có thể nói, bao đời nay người "kẻ biển" gồng mình với những con sóng bạc đầu bằng "bơ nan chèo tạm" ở vùng bãi ngang này để sống và tồn tại. Họ vẫn khát vọng được làm giàu trên cát trắng nhưng với hai bàn tay trắng nên đành bất lực. "Hơn 250 lao động chủ lực với đầy đủ sức trẻ, sức khỏe và sự nhiệt huyết của các hộ gia đình trong toàn xã phải "di cư" đi làm ăn tứ phương. Nguồn lợi thủy sản có, đất cát dẫu khô cằn nhưng vẫn có thể sinh lợi nhưng nguồn vốn và những yếu tố khách quan khác đã không tạo được chốn lập thân cho các lao động kể trên để họ lập nghiệp trên mảnh đất của mình", ông Ngô Gia Ngãi - Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Trung tâm sự.

Mong muốn được bám biển, bám làng để sinh tồn và làm giàu trên đất cát của chính những người dân vùng bãi ngang Ngư Thủy Trung âu là khát vọng từ muôn đời nay. Được Đảng và nhà nước quan tâm, trong mấy năm qua nhiều chương trình, dự án đã về với bà con vùng bãi ngang này nhưng phần đa nguồn vốn được tập trung vào đầu tư xây dựng điện, đường, trường, trạm, chưa thể hỗ trợ được nhiều cho bà con phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế biển...

Tết vừa qua, bộ mặt của người dân vùng bãi ngang Ngư Thủy Trung hớn hở hẳn lên bởi con, bởi cháu quy tụ đông đủ. Bên chén rượu cuối năm họ cùng nhau hàn huyên tâm sự về những nỗi vất vả trong những ngày phiêu bạt làm ăn đó đây. Đâu đó vẫn có tiếng thở dài thườn thượt bởi chưa kịp thỏa nổi "nhớ nhà" lại khăn gói lên đường "tha phương cầu thực"... Hết Tết, hàng ngàn người đứng chật kín hai bên QL1A đoạn qua huyện Lệ Thủy để tiễn đưa con cháu họ lên xe bắt đầu hành trình mới đi tìm nguồn sống ở phương trời xa xôi.