Phong tục truyền thống ngày Tết - Kỳ 2: Mâm cơm cúng
Thứ năm, 30/01/2014 14:00

Dịp Tết là dịp gia đình đoàn viên, anh em xum họp, cũng là dịp để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên. Trong những ngày Tết, mâm cơm cúng dâng lên tổ tiên là điều không thể thiếu.

Mâm cơm ngày Tết

Mâm cơm ngày Tết

Đón ông bà về ăn Tết

Nghi thức mở đầu cho những ngày Tết là đón ông bà tổ tiên về nhà ăn Tết. Theo truyền thống, bắt đầu từ trưa ngày 30 tháng Chạp, các gia đình bắt đầu mời ông bà tổ tiên về nhà ăn Tết cùng con cháu.

Chiều ngày 30 Tết, gia đình lên mộ thắp hương cho tổ tiên xem xét mộ phần, nhổ bỏ cây dại, và mời ông bà về nhà ăn Tết cùng con cháu. Ở nhà gia chủ làm mâm cơm cúng để rước ông bà tổ tiên về nhà. Từ khi mời ông bà về nhà ăn Tết cùng con cháu đến lễ tiễn ông bà (lẽ hóa vàng), gia chủ mỗi ngày dâng 2 mâm cơm để cúng ông bà tổ tiên.

Mâm cơm cúng ông bà phải làm cùng mâm cơm cúng ông Công. Trong lễ đón ông bà về nhà ăn Tết, gia chủ phải khấn ông Công để thông báo và xin phép Thổ Công cho tổ tiên nhập gia đón Tết. Trong những ngày Tết cho đến ngày tiễn tổ tiên (lễ hóa vàng) khi thắp hương gia chủ đều phải khấn ông Công trước.

Mâm cơm cúng dâng lên ông bà ngày Tết thường có con gà, đĩa xôi, canh khổ qua, canh măng, 3 chén nước, 1 bình hoa lớn (có thể là hoa cúc, hoa huệ,...) một bình rượu ngon. Trong những ngày Tết, tùy theo phong tục từng miền còn có thêm bánh Tét, bánh chưng, mứt, mâm ngũ quả.

Ngoài ra, trong những ngày Tết (từ sau lễ đón ông bà đến lễ hóa vàng) nhanh trên ban thờ cũng phải luôn cháy. Vì vậy người ta thường chọn các loại hương vòng để thắp trong dịp Tết.

Lễ Trừ Tịch đêm giao thừa

Trong những giờ phút truyển giao giữa năm cũ và năm mới, theo truyền thống của người Việt Nam, các gia đình sẽ làm lễ “trừ tịch” với ý nghĩa bỏ đi hết những điềm xấu, dở của năm cũ để đón những điều may mắn, tốt đẹp của năm mới. Lễ trừ tịch mang ý nghĩa “tống cựu, nghinh tân” nên được cử hành trang trọng tại tư gia cũng như đình chùa.

Trong “Việt Nam phong tục”, cụ Phan Kế Bính có viết: “Tục ta tin rằng mỗi năm có một ông hành khiển coi việc nhân gian , hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia , cho nên cúng tế để tiễn ông cũ và đón ông mới”.

Để làm lễ trừ tịch, các gia đình chuẩn bị hai mâm cơm cúng, một mâm trong nhà dâng lên ông bà tổ tiên, một mâm để ngoài sân để cúng trời đất. Việc cúng lễ cốt ở thành tâm, nên mâm cơm cúng đêm giao thừa của nhiều gia đình chỉ làm đơn giản với đĩa trái cây, chén chè, đĩa xôi và 3 nén nhang, mâm lễ vật được đặt trên ghế đẩu, nhang được căm vào khe của nải chuối.

Tại nhiều vùng quê vẫn còn lưu giữ được lễ cũng giao thừa ở Đình làng. Tại đây, ngoài lễ cúng trời đất, các cụ cao niên còn làm lễ cúng Thành Hoàng làng hoặc các vị phúc thần tại vị. Các cụ đọc văn khấn trời đất, Thành Hoàng cùng với tiếng trống trang nghiêm vang động trong đêm.

Lễ tiễn ông bà

Sau những ngày Tết, các gia đình sẽ làm lễ tiễn ông bà hay lễ “hóa vàng”, để ông bà về “nhà” ở địa phủ. Lễ hóa vàng thường diến ra vào ngày 5, 7 hoặc ngày 10 âm lịch. Tuy nhiên, ngày nay thời gian ăn Tết thường ngắn hơn nên các gia đình thường làm lễ hóa vàng sớm hơn để con cháu quay lại với công việc.

Lễ hóa vàng cũng đánh dấu kết thúc ngày Tết tại các gia đình. Có nhiều gia đình làm lễ hóa vàng từ ngày mồng 2 âm lịch. Những gia đình đông anh em thường chia ra mỗi người làm lễ hóa vàng trong 1 buổi, để tạo cơ hội cho mọi người đến chơi nhà nhau, anh em quây quần.

Trong mâm cơm hóa vàng, con gà cúng phải to, tròn, chắc nịch, có đôi chân đẹp và được bày biện cẩn thận. Mâm cơm cúng cũng phải đủ món luộc, xào, canh, miến, cùng với bình rượu, li nước, lọ hoa và mâm ngũ quả để tiễn chân ông bà. Ngoài ra tiền âm, vàng mã cũng phải được chuẩn bị chu đáo để ông bà có hành trang, lộ phí để lên đường.

Mâm cỗ cúng 3 miền

Mỗi vùng, mỗi miền đều có cách chuẩn bị mâm cỗ cúng ngày Tết khác nhau.

Ở miền Bắc thì tính theo số bát, số đĩa: mâm cỗ nhỏ thì 4 bát, 4 đĩa, mâm vừa thì 6 bát 6 đĩa, mâm lớn thì 8 bát, 8 đĩa. Bát gồm canh măng, bát miến, bát mọc, hay bát nấu thập cẩm. Đĩa gồm bánh chưng, xôi gấc, giò lụa, giò xào, thịt đông, dưa hành.

Ở miền Nam cỗ thường có nhiều đồ nguội do thời tiết nắng nóng. Mâm cỗ Tết của người miền Nam có bánh Tét kèm với đĩa củ cải ngâm nước mắm, có bát canh măng, canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho tàu, thịt heo luộc, đĩa nem, đĩa chả giò, dưa giá, củ kiệu.

Mâm cơm cũng ngày Tết của mỗi vùng, mỗi miền đều mang những hương vị đặc trưng với những món ăn tiêu biểu cho đời sống của nhân dân những vùng đó, nhưng tất cả đều là những món ăn ngon nhất, đậm đà bản sắc nhất để dâng lên tổ tiên.

Đức Thọ (CL)

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: Mâm cơm cúng , Thờ cúng tổ tiên , Mâm cỗ dâng tổ tiên , Tết Nguyên Đán