Phong tục truyền thống ngày Tết - kỳ 1: Gói bánh Chưng
Thứ hai, 27/01/2014 14:00

Trong xã hội hiện đại ngày nay, đã có nhiều truyền thống bị mai một, nhưng có một giá trị truyền thống vẫn tồn tại với thời gian, đó là đồng bánh Chưng ngày Tết.

Gói bánh Chưng ngày Tết

Gói bánh Chưng ngày Tết

Tục gói bánh Chưng đã tồn tại ở nước ta từ thời đại Vua Hùng, và là một trong những giá trị truyền thống trường tồn với thời gian, vượt qua những biến động lịch sử. Trải qua hơn 1000 năm Bắc thuộc và gần 100 năm dưới ách đô hộ của thực dân phương Tây, phong tục gói bánh Chưng dâng lên tổ tiên vẫn không hề mai một.

Theo truyền thuyết "Bánh chưng, bánh dầy", Vào đời Hùng Vương thứ 6, nhân dịp giỗ tổ vua Hùng đã triệu tập các quan Lang (các con của nhà vua) đến và truyền rằng: vị quan Lang nào tìm được món lễ vật dâng lên tổ tiên hợp ý với nhà vua sẽ được nhà vua nhường ngôi. Các vị quan Lang lên rừng, xuống biển tìm châu ngọc và các sản vật quý để làm lễ vật dâng lên nhà vua. Lang Liêu (có thuyết gọi là Lang Lèo) là người nghèo khó nhất trong số các vị quan Lang, chàng không thể tìm những sản vật quý hiếm về dâng vua cha, chàng đã dùng những nông sản thường ngày gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong để tạo ra hai loại bánh Chưng và bánh dầy tượng trưng cho trời và đất làm lễ vật dâng vua. Lễ vật của Lang Liêu rất hợp ý vua Hùng, và vua đã truyền ngôi cho Lang Liêu. Từ đó bánh Chưng, bánh dầy đã trở thành lễ vật không thể thiếu trong các nghi thức thờ cúng tổ tiên, để thể hiện thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn.

Bánh chưng tượng trưng cho đất với màu xanh đại diện cho cây cỏ, có đỗ xanh đại diện cho hoa quả, có thịt lợn đại diện cho muông thú, và gạo nếp để là sản vật đại diện cho con người.

Lá dong được dùng để gói bánh Chưng tạo cho bánh có màu xanh mướt. Chính màu xanh tự nhiên của lá gói khiến cho banh chưng trở nên đặc biệt và bắt mắt. Ở một số vùng người ta thay lá dong bằng lá chuối, lá chít, thậm chí cả lá bàng.

Một điều cũng hết sức độc đáo của bánh chưng đó là thời gian luộc bánh lên tới 10 tiếng. Bao thế hệ người Việt sẽ không thể quên kỉ niệm những đêm giáp Tết lạnh căm căm được thức trắng đêm ngồi trông nồi bánh bên bếp lửa hồng, với những củ khoai được vùi trong bếp.

Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong mọi mâm cơm ngày Tết. Những mâm cơm cúng dâng lên tổ tiên vào 3 ngày Tết không thể thiếu đồng bánh Chưng. Mọi mâm cơm mang ra mời khách đều có sắc màu xanh mướt của bánh Chưng, mỗi gia chủ đều muốn mời khách thủ một xóc bánh Chưng nhà mình, đó được coi như một điều may mắn với gia chủ như một lời chúc “ăn nên làm ra”.

Vào những ngày sau Tết, món bánh Chưng rán trở thành món ăn ưa thích của nhiều người, đặc biệt là những em nhỏ. Cảm giác “trong dai, ngoài giòn” của bánh Chưng rán là một cảm giác rất dễ “gây nghiện” với nhiều người. Và họ tìm đến bánh Chưng rán vào mỗi buổi sáng như một món ăn quen thuộc chứ không riêng gì dịp Tết. Giờ đây, bạn không khó để tìm thấy một quán bán bánh Chưng rán vào mỗi buổi sáng ở những con phố ở Hà Nội.

Bánh chưng là món bánh Tết đặc chưng của các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Tại các tỉnh miền Nam, món bánh phổ biến trong những ngày Tết là bánh Tét, một loại bánh hình trụ tròn, được gói bằng lá chuối, với nguyên liệu là gạo nếp, thịt lợn và nhân bánh làm từ đỗ xanh, đỗ đen hay chuối. Hương vị của bánh Tét cũng không khác nhiều so với bánh Chưng. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng do sự đối đầu giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn vào cuối thời nhà Lê, nên các chúa Nguyễn đã cho nhân dân “đàng Trong” làm bánh Tét để tạo ra sự khác biệt với bánh Chưng của “đàng Ngoài”.

Hòa cùng sự phát triển của xã hội hiện đại, bánh Chưng cũng ngày càng trở nên phong phú về kích cỡ và hương vị. Tại những sạp bánh ở khắp các khu chợ, từ nông thôn tới thành thị, bạn có thể lựa chọn cho mình các loại bánh Chưng từ loại to đến loại nhỏ, với vị mặn hay ngọt tùy khẩu vị của từng người.

Đức Thọ (CL)

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: Bánh Chưng Tết , Gói bánh Chưng , Bánh Tét , Tết Nguyên Đán