Quanh năm lênh đênh giữa biển khơi, đối mặt với bão tố, cướp biển, đời người thủy thủ tàu viễn dương không như là mơ cuộc sống đầy vất vả và một thời vang bóng.
Ông Sơn xem lại những bức ảnh kỷ niệm khi còn làm thủy thủ viễn dương |
Kỳ 1: Kiếm 'vàng ròng' từ... rác
Thủy thủ tàu viễn dương từng là “biểu tượng” của sự giàu có suốt một thời bao cấp thiếu thốn. Thế nhưng, có được sự “hơn người” ấy là nhờ những chuyến buôn lậu... rác thải từ nước ngoài.
Xây nhà lầu, sắm hàng hiệu nhờ... rác
Từ lâu, nhiều người dân TP.Hải Phòng truyền miệng câu nói: “Đẹp giai đi bộ không bằng anh rỗ (mặt bị rỗ - PV) đi “doa” (xe đạp Peugeot). Anh rỗ đi “doa” không bằng anh già đi Cup. Anh già đi Cup không bằng anh cụt Vosco”. Công ty Vận tải biển Việt Nam (Vosco) là doanh nghiệp đình đám trong lĩnh vực hàng hải ở nước ta thời kỳ bao cấp nên thương hiệu này để chỉ thủy thủ tàu viễn dương.
Sở dĩ, nghề này được người dân ngưỡng mộ như vậy là do được đi khắp năm châu bốn biển với mức lương “khủng” so với các công việc khác lúc bấy giờ. Không chỉ có vậy, họ còn có nghề tay trái là buôn bán hàng thải loại từ nước ngoài về mang lại siêu lợi nhuận.
Ông Nguyễn Văn C. (67 tuổi, đang sống ở quận Lê Chân, TP.Hải Phòng) từng có 20 năm kinh nghiệm làm thuyền trưởng cho nhiều hãng vận tải biển, trong đó có hãng tàu Vosco vào những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Ông cho biết, thủy thủ tàu viễn dương buôn đủ loại đồ, từ ti vi đen trắng, đàn organ tới tủ lạnh, xe Cup, máy khâu, quạt điện... Tất cả đều là hàng cũ thải loại ở các bãi rác ở Nhật Bản, Hồng Kông hay Singapore.
“Ngày đó, ở ta đang là thời bao cấp nên hàng hóa khan hiếm lắm. Trong khi nước ngoài thải ra đầy bãi rác nên mình lấy về bán kiếm lời. Người ta thấy mình nhặt như thế còn khuyến khích vì đỡ phải dọn rác. Thậm chí có người ra nhặt hộ, rồi cho xe chở miễn phí ra tới cầu cảng cho mình đưa lên tàu”, ông C. nhớ lại.
Thời kinh tế bao cấp, những người đi tàu chở hàng quốc tế được phép mang hàng từ nước ngoài về nhưng phải trong giới hạn cho phép và phải khai báo để đóng thuế. Như ông C. được phép mua ba xe máy, hai đàn organ, bốn xe đạp. Ông cho biết: “Mỗi chiếc xe Cup đem về tôi bán với giá khoảng 30 - 40 USD. Nếu mỗi chuyến trót lọt thì có thể thu về bạc triệu, một năm thì số tiền lên tới cả tỉ đồng”.
Thời bao cấp, ai tay đeo đồng hồ Seiko, mặc quần bò, phì phèo điếu thuốc lá ba số là thủy thủ viễn dương chính hiệu - Ảnh: Ông Lê Thanh Sơn cung cấp
Ông Lê Thanh Sơn (nhà ở phố Tô Hiệu, quận Lê Chân, TP.Hải Phòng) cũng khẳng định thủy thủ viễn dương buôn hàng “một vốn trăm lời chứ không phải bốn lời”. Không chỉ buôn hàng cũ từ nước ngoài về, một số thủy thủ có “chức sắc” còn kiếm bộn tiền từ việc bán dầu “thừa” từ chênh lệch định mức.
Ông Sơn nguyên là giảng viên của Trường đại học Hàng hải Việt Nam, có 25 năm làm thuyền trưởng cho nhiều hãng tàu trong và ngoài nước. Ông Sơn cho biết có nhiều cám dỗ trong nghề nhưng buộc phải “giữ mình” vì vừa giảng dạy vừa đi tàu để lấy kinh nghiệm thực tế, hướng dẫn sinh viên thực tập và giữ hình ảnh cho nhà trường.
Ông Sơn hiểu hơn ai hết sức mạnh của “biểu tượng” thủy thủ tàu viễn dương ngày ấy. Đi trên đường mà thấy anh nào tay đeo đồng hồ Seiko, chân đi giày Adidas, mặc quần bò, phì phèo điếu thuốc lá ba số là dân thủy thủ chính hiệu. Ai cũng phải trầm trồ nể phục. Đó là tiêu chuẩn kén chồng của các cô gái xinh đẹp. Ông Sơn cho biết có anh thủy thủ từng tán gái bằng... mì chính, xà phòng Camay. “Tôi còn nhớ chuyện một anh thủy thủ xây căn nhà ba tầng gần cầu Rào mà ầm ĩ khắp Hải Phòng. Ai cũng bàn ra tán vào về độ giàu có của người này, thậm chí một lãnh đạo thành phố còn tổ chức đoàn đến tham quan”, ông Sơn nói.
Dễ kiếm tiền, dễ vào tù
Ông C. cho rằng việc buôn hàng cũ từ nước ngoài về là chuyện dễ hiểu trong thời kỳ khó khăn như vậy. Hàng thải loại ấy được coi là “vàng ròng” nên nhiều thủy thủ lấy nhiều hàng về bán để kiếm tiền “cục” mà không khai báo, có người còn đóng vào cả container rồi đưa ra cầu cảng, dỡ ra giấu khắp nơi trên tàu. “Dân thủy thủ có nhiều thủ thuật giấu hàng trên tàu để qua mặt hải quan. Nhiều đồ cồng kềnh như xe máy là phải tháo rời cả phụ tùng, vứt bỏ những thứ không cần thiết. Nhưng hải quan cũng rất tinh vi, đòi xem bản vẽ con tàu nên có giấu ở ngóc ngách nào thì cũng bị phát hiện”, ông C. nói.
Theo ông C., nếu thủy thủ buôn quá giới hạn hoặc không khai báo sẽ bị truy tố tội buôn lậu và thuyền trưởng bị liên đới. Là một thuyền trưởng, ông C. “siết” thực trạng này nhưng thừa nhận đã từng năm lần phải ném bớt đồ xuống biển để khỏi vi phạm khi tàu cập cảng Đà Nẵng, Quảng Bình, Quy Nhơn...
“Khi có “động” là anh em vứt bớt đồ xuống biển, như hàng ti vi thì phải đập vỡ màn hình để không bị nổi. Một số người tiếc của, tìm cách “đi đêm” với hải quan nhưng không được nên bị truy tố. Nhiều người bạn tôi là thuyền trưởng cũng bị liên đới trách nhiệm nên phải đi tù”, ông C. chia sẻ.
Còn ông Lê Thanh Sơn cho biết, vào khoảng năm 1984, một số người bạn của ông là thuyền viên trên tàu New Pi... đã phải đi tù mấy năm vì mang quá nhiều ti vi, tủ lạnh, âm li về mà không có chứng từ khai báo hải quan. “Tàu này đi từ Nhật Bản về tỉnh Thái Bình. Khi người dân rồng rắn chuyển hàng vào đất liền thì cơ quan chức năng phát hiện ra và truy tố tất cả thủy thủ”, ông Sơn nói.
Cũng giống như ông C., ông Sơn cho rằng nghề thủy thủ viễn dương chỉ “hot” từ sau 1975 cho tới những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Nay, ánh hào quang của nghề viễn dương đã lùi lại phía sau, chỉ còn là hoài niệm về một thời dĩ vãng. Cơ chế thị trường với sự cạnh tranh khốc liệt của các hãng vận tải biển tư nhân đã “bóc” lớp vỏ của nghề thủy thủ viễn dương... (còn nữa)
Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%