Phiên tòa xử Luyện và bí ẩn trang giấy của ông nội cháu Bích

Suốt phiên tòa xét xử Lê Văn Luyện, ông Trịnh Văn Tín lặng lẽ ngồi, cặm cụi ghi chép, lâu lâu lại gạt nước mắt. PV đã "rọi" ống kính vào bản ghi chép đó.

Là bố đẻ của anh Ngọc – nạn nhân trong vụ thảm sát cướp vàng ngày 24/8 vừa qua, ông Trịnh Văn Tín (SN 1933) cũng như bao người khác trong gia đình đã rất đau khổ và căm giận Lê Văn Luyện.

Trái với thái độ xúc động quá mạnh mẽ của các con và các cháu, ông Trịnh Văn Tín lại có cách bộc lộ cảm xúc rất nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần quyết liệt. 

Khi người thân của mình đang nhao nhao phản ứng thì ông Tín lặng lẽ ngồi ghi chép một cách cẩn thận

 Khi nghe Luyện khai trước phiên tòa, thân nhân của bị hại đều phản ứng dữ dội và đòi giết Luyện. Nhưng ông Tín thì lại khác. Ông ngồi im lặng nghe và thỉnh thoảng lại run run đưa bàn tay đã nhăn nheo lên gạt nước mắt.

Cho đến trước thời điểm phát biểu trong phần tranh luận vào lúc 12h35 ngày 11/1, mọi người tham dự phiên tòa đều chỉ biết đến ông Tín qua những lời phát biểu trước phiên xét xử và hình ảnh một ông lão râu đã bạc ngồi vừa chú ý nghe tòa vừa ghi chép vào những tờ giấy A4 thỉnh thoảng lại chau mày.
 
Đó thực sự là điều đặc biệt và bí ẩn của một thân nhân của gia đình có tới 4 bị hại đối với những người tham dự phiên tòa.
 
Tuy ít nói hơn nhưng những lập luận mà ông đưa ra đã khiến nhiều người tham dự phiên tòa không khỏi ngạc nhiên. Ngạc nhiên bởi sự nghiên cứu kỹ càng hồ sơ vụ án và hẳn ông đã phải nén chặt lòng mình, đọc kỹ từng trang cáo trạng tìm ra những dấu hiệu qua các vết thương mà theo ông đó là bất thường.

Cũng có lẽ vì vậy mà qua lời khai của các bị cáo cùng hồ sơ vụ án, ông đã chỉ ra được những điểm mà ông cho là còn chưa rõ trong vụ án kinh hoàng này.

Quả thực, qua những dòng chữ nguệch ngoạc và cái hình “móng ngựa” chúng tôi mới có thể hiểu những trang giấy mà ông vẫn cặm cụi viết trong 2 ngày qua hoặc có thể là trước đó nhiều ngày chính là những ý mà ông chuẩn bị để nói trong phần tranh luận khi ông được mời nói.

Những ý chính mà ông Tín đã dày công chuẩn bị cho phần tranh luận trước tòa của mình

Ông đã lặng lẽ nghe để thấy cách tòa xét xử và ông cho rằng cơ quan chức năng đã “không bình đẳng pháp lý tuổi dưới 18 khi lời Luyện nói thì C.A và VKS tin còn cháu Bích nói nhìn thấy 2 thanh niên còn trẻ thì không tin”. 
 
Ông cũng chỉ ra rằng tình tiết “mất một cái túi có chứa đến… 3 tỷ” mà lại không có tiền trong đó là vô lý. Ngoài ra, điểm làm ông đau đớn nhất chính là vết đâm chết người con dâu ông: “vết hình móng ngựa”. 
 
Theo ông, vết đâm do con dao nhíp đã thì đã thấy, vết đâm do dao phớ cũng đã thấy. Vậy thì vết thương “hình móng ngựa” là do hung khí gì gây ra? Đó là đục mộng của người thợ mộc hay là do móng tay Luyện. ông lập luận rằng, vết thương đó có kích thước 1,5 cm x 4 cm là khá rộng và không thể là do móng tay gây ra. 

Và những điều này đã được chứng minh khi tại phần tranh luận, ông Tín nói: "Luyện không thể 3 đầu 6 tay để một mình gây án, giết từng đó người. Tôi cho rằng cơ quan điều tra còn để lọt tội phạm. Cơ quan điều tra không công bằng khi chỉ tin lời Luyện". 

Những điều ông Tín nói đã khiến nhiều người dự tòa thực sự kinh ngạc

Với những lập luận này và trước thái độ của Lê Văn Luyện trước tòa, ông Tín yêu cầu tòa xử đúng người, đúng tội. Do có thể thiếu sót tội phạm nên ông yêu cầu điều tra lại vụ án này.
 
Tuy sau đó, vị đại diện Viện KSND tỉnh Bắc Giang giữ quyền công tố trong phiên tòa vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố và hình phạt đối với các bị cáo và ý kiến của ông Tín không được chấp nhận. 

Nhưng những phát biểu của ông đã thực sự khiến người tham dự phiên tòa không khỏi cảm phục tấm lòng của một người cha, người ông.

Cuối phiên tòa, sau phần tuyên án, ông Tín cho biết đại diện gia đình ông sẽ kháng cáo bản án này.