Nghĩ đến cảnh phải nằm một chỗ, phải có người phục vụ, cha mẹ bị cáo và bản thân Tý hãi hùng khi nghĩ đến cảnh phải vào trại giam.
Tai nạn kinh hoàng xe máy 'đấu đầu' xe hơi (Ảnh minh họa) |
Có lẽ vì con gái chết oan ở cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời, lưu luyến với người thân, cha mẹ Phạm Thị Phê (18 tuổi, ngụ xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) một năm rưỡi qua vẫn lẩn khuất những giấc mơ con “báo mộng”. Phạm Tý, thanh niên gây tai nạn cũng thành phế nhân, nằm một chỗ với cái chân bị gãy nát, mổ đi mổ lại hơn 10 lần, gia đình phải treo biển bán nhà. Số tiền bồi thường để mai táng là 30 triệu, gia đình bị cáo chỉ mới đưa được 2 triệu, còn lại khất nợ người đã khuất.
Tý còn phải ra trước vành móng ngựa. TAND huyện Phú Lộc phạt Tý 3 năm tù cho hưởng án treo về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Bản án bị kháng nghị yêu cầu chuyển sang tù giam, một ngày cuối tháng 8/2014, cha mẹ lại phải vất vả thuê xe đưa đứa con trai nằm trên cáng đến phòng xét xử TAND tỉnh Thừa Thiên Huế “nín thở” chờ phán quyết của tòa phúc thẩm.
Tai nạn kinh hoàng xe máy “đấu đầu” xe hơi
Chắc sẽ phải còn rất lâu, người dân thôn Trung Chánh mới quên được vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra đêm 17 tháng Giêng năm 2013. Lúc đó gần 10h khuya, tiếng va chạm khô khốc giữa chiếc xe máy chở ba người và ô tô chạy ngược chiều khiến người đi đường hốt hoảng. Những thân người bất động trong vũng máu, tiếng la hét khiến dân trong thôn đổ xô ra hiện trường trên đường quốc lộ. Cha chị Phê chới với khi thấy con gái nằm bất động. Bên cạnh đó, cha mẹ của Tý, người cầm lái chiếc xe gây tai nạn cũng mất hồn khi hai đứa con trai, đứa thì im lìm trên mặt đường, đứa kia máu me đầm đìa kêu “cứu con với”.
Số là đêm đó, Tý và anh ruột là Phạm Ngọc Sơn rủ Phê là bạn cùng xóm đi hát karaoke. Chưa hát được bao lâu, một nhóm thanh niên khác quậy phá gây gổ tại quán. Sợ tai bay vạ gió, cả ba về nhà. Mặc dù không có giấy phép lái xe, nhưng Tý vẫn cầm lái chở anh trai và Phê phía sau. Trong lúc vượt một chiếc ô tô chạy cùng chiều, Tý đã lấn sang phần đường xenngược chiều, tông vào bên trái đầu xe ôtô chạy hướng ngược lại. Thiếu nữ chết ngay lập tức, Sơn bất động, Tý kêu la đau đớn.
Mười tám tháng trôi qua kể từ ngày con thiệt mạng, cha mẹ Phê vẫn còn nguyên nỗi đau đớn bàng hoàng. Người mẹ bỏ công việc làm thuê tại Đà Nẵng, ở nhà lo hương khói để vong hồn con phần nào được an ủi, đỡ phần quạnh hiu. Người mẹ ngậm ngùi kể, Phê là con gái út trong gia đình, cũng là đứa xinh xắn nhất. Thời gian trước đó, Phê cùng một số bạn bè vào Nam làm công nhân may, mỗi năm đến dịp Tết Nguyên Đán về thăm nhà. Lần đó, sau khi ăn tết cùng gia đình, Phê xin phép cha mẹ ngày 16/1 âm lịch (tức 16 tết) trở lại với công việc ở Sài Gòn. Thương con xa nhà cả năm, cha mẹ cố nằn nì con ở lại thêm một ngày nữa, định ngày 18/1 âm lịch sẽ khởi hành. Không ngờ, khuya 17/1, tai nạn xảy ra và cuộc đời cô gái trẻ trung với bao dự định ước mơ tươi đẹp, vĩnh viễn ngừng lại. “Lúc đó, tui đang ở Đà Nẵng, nghe con trai gọi điện thoại báo tin dữ, tui ngất xỉu luôn. Người ta phải đưa tui từ Đà Nẵng về. Đến nhà, thấy con nằm trên giường, nhưng là cái xác bất động không hồn, tui lại ngất đi”, người mẹ sụt sùi.
Trong câu chuyện, nhiều lần người mẹ nhắc đến việc con gái “về”. “Nó linh thiêng lắm. Về suốt”. Người mẹ nhớ như in lần đó, sau đám tang không bao lâu, đứa con gái (tức chị gái Phê) đang làm việc tại Đà Nẵng gọi điện thoại cho mẹ kể chuyện nằm mộng: ““Em nói mấy hôm nay mạ đi mô đóng cửa suốt em không vào nhà được. Em nhờ mạ mua cho chai dầu để xức, từ bữa bị tai nạn đến giờ em còn đau lắm”. Tui liền chạy đi mua chai dầu xanh, đưa ra mộ thắp hương “gửi” cho con”. Lần khác, buổi trưa người mẹ đang nằm trên giường, mắt nhắm nhưng không tài nào dỗ được giấc ngủ. Bỗng nhiên bà thấy rõ ràng Phê đến ngồi cạnh mình, khẽ khàng gọi “mạ”.
Bà mở choàng mắt, không thấy bóng dáng con gái đâu cả, nhưng “hơi hướm” của đứa con thương yêu đã mất như đang lẩn khuất đâu đó bên mình. Anh trai Phê có lần cũng thấy em “về”: “Nó nói, anh ơi, em chưa chết mô, em còn sống”. Có người cho rằng, có lẽ chết oan ở cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời, lưu luyến với người thân nên hồn vía của cô gái trẻ vẫn vảng vất đâu đó. Nhưng cũng có người lại bảo, cha mẹ người thân thương nhớ con em của mình quá nên mới “hoa mắt”.
Khi nghe tòa tuyên bị cáo được hưởng án treo, Tý và cha mẹ mừng đến phát khóc. (Ảnh minh họa)
Khất nợ người đã khuất
Trở lại gia đình bị cáo, trước khi Tý gây tai nạn khiến cô bạn thiệt mạng, anh trai bất tỉnh (may mắn không để lại thương tích nặng) và bản thân mình gãy nát hai chân, cha mẹ Tý đang xây nhà dở dang. Suốt bốn tháng liền, cha mẹ Tý, phải bỏ nghề ngư dân “trực” tại bệnh viện. Mười một lần phẫu thuật và thời gian dài nằm viện, điều trị tốn mất 260 triệu đồng. Cha mẹ phải đề bảng bán nhà mong lấy tiền lo tiếp cho con, dù ngày mai cả nhà chưa biết ở đâu. Tuy nhiên, bất cứ ai tới mua nhà, biết chuyện Tý gây tai nạn giao thông, đang trong tình cảnh như vậy, đều “thối lui”. Cha mẹ Tý lý giải, người ta không nỡ mua nhà trong lúc chủ nhân gặp hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, người mua sợ xui xẻo, sợ điềm không lành, nên bỏ ngang giữa chừng.
Sau bốn tháng nằm viện, Tý trở về nhà trong tình trạng không đi lại được phải nằm một chỗ. Việc điều trị còn phải kéo dài chưa biết đến bao giờ. Do đó đúng một năm sau kể từ ngày gây tai nạn hậu quả nghiêm trọng, Tý mới ra trước vành móng ngựa. Cha mẹ Phê đau xót vì con thiệt mạng oan ức, nhưng nghĩ tội nghiệp cho bị cáo cũng đang chịu nỗi đau đớn nên cũng đề nghị tòa giảm nhẹ mức hình phạt.
Cùng với những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có lẽ việc bị cáo nằm đau đớn trên chiếc cáng (khi nào trả lời thẩm vấn của tòa, Tý được cha mẹ đỡ ngồi dậy chừng vài phút, lại phải nằm xuống) là một tình tiết giảm nhẹ khiến hội đồng xét xử sơ thẩm TAND huyện Phú Lộc quyết định phạt Tý 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Nghĩ đến cảnh phải nằm một chỗ, phải có người phục vụ, cha mẹ bị cáo và bản thân Tý hãi hùng khi nghĩ đến cảnh phải vào trại giam. Do đó khi nghe tòa tuyên bị cáo được hưởng án treo, Tý và cha mẹ mừng đến phát khóc. Tuy nhiên, họ lại một phen “khiếp vía” khi Viện trưởng VKSND huyện Phú Lộc kháng nghị bản án sơ thẩm, đề nghị xử Tý 3 năm tù giam. Gia đình bị cáo thuê xe lặn lội gần 40 km, đưa Tý nằm trên cáng đến phòng xét xử TAND tỉnh Thừa Thiên Huế. Một lần nữa, sự nhân ái đã mỉm cười với bị cáo. Tòa phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Rao bán nhà mãi không được, tấm biển đã được gỡ xuống. Cha mẹ Tý lại chiều chiều đi đánh bắt hải sản đến nửa đêm mới về. Họ cũng thật thà kể, trong số tiền 30 triệu đồng phải bồi thường để gia đình Phê lo mai táng... cha mẹ Tý mới đưa được 2 triệu đồng. Số tiền còn lại họ vẫn còn khất lần.
Sau phiên tòa phúc thẩm, giữa trưa đứng bóng, mẹ thiếu nữ thiệt mạng lầm lũi băng qua những con đường cát ngoằn ngoèo chật hẹp trong nghĩa địa, đến ngôi mộ mới xây, thắp hương cho con gái. Bà vuốt vuốt ngôi mộ, thấm nước mắt đau xót: “Lẽ ra chừ con đang ở Sài Gòn, đang làm việc, cười nói, nay lại nằm dưới mộ nắng nóng thế này. Mà người ta còn khất con cả tiền chôn cất...”
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%