Phật hiện trên cây gây xôn xao ở Vĩnh Long
Thứ tư, 25/12/2013 19:21

Ban đầu chỉ có người dân địa phương hiếu kỳ đến xem, sau đó tin đồn nhảm lan nhanh ra các huyện, rồi sang tỉnh khác, thậm chí đến cả Sài Gòn.

Đốm trắng được cho là

Đốm trắng được cho là "Phật giáng thế" trên ngọn cây sao vào ban đêm, nhìn từ ngoài đường vào vườn cây bên cạnh chùa Phước Sơn.

Đổ xô đi xem "Phật giáng thế"

Gần 1 tuần nay, tin đồn "Phật giáng thế" mỗi đêm ngự trên ngọn cây sao cạnh bên chùa Phước Sơn (xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) làm xôn xao vùng quê hẻo lánh. Ban đầu chỉ có người dân địa phương hiếu kỳ đến xem, sau đó tin đồn lan nhanh ra các huyện, rồi sang tỉnh khác, thậm chí đến cả Sài Gòn.

Tối 23/12, chúng tôi có mặt tại chùa Phước Sơn để mục sở thị hiện tượng lạ. Con đường quê vốn hẻo lánh nay bỗng nhộn nhịp. Xe ô tô khách loại lớn 30 - 50 chỗ ngồi mang biển số TP.HCM, Tiền Giang và xe máy tấp nập đổ về. 

Hai bên đường người đi bộ chật cứng, xe máy bấm còi inh ỏi vì kẹt xe, ùn tắc giao thông. Một công an viên xã Tường Lộc cho biết có đêm lượng người đổ dồn về lên đến 4.000. Ngày đầu tiên chỉ vài trăm người, ngày kế tiếp tăng lên hơn 1.000. Mỗi ngày lượng người hiếu kỳ đến xem tăng lên chóng mặt. Hàng trăm cảnh sát giao thông, công an xã, dân phòng phải túc trực để đảm bảo an ninh trật tự.

Trên bầu trời, ngay trên ngọn cây xuất hiện một khối màu trắng nhìn từ xa giống như mây tụ lại có hình dạng dị thường. Nhiều người quả quyết cái khối khổng lồ màu trắng chính là Phật Di Lặc. 

“Giống hệt tượng phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm (tỉnh An Giang). Ngài về “ngự” trên ngọn cây sao để cho chúng sinh giác ngộ mà tu hiền dưỡng tánh”, bà Ba Đông, một người tỏ ra am tường câu chuyện quả quyết.

Chỉ tại… ánh đèn

Trên con đường từ cổng vào sân chùa Phước Sơn, chúng tôi được mời tham gia vào một đám đông bên vườn cây để nghe bà Ba Đông kể chuyện “Phật giáng thế”. Như thể là “người trong cuộc”, bà Đông khẳng định, “Phật” mới “ngự” trên ngọn cây sao này từ ngày rằm tới nay (15/11 âm lịch, tức ngày 17/12/2013), do vài đứa trẻ trong xóm phát hiện. 

Theo tìm hiểu, bà Ba Đông nhà ở ấp Ba Phó, xã Bình Ninh, huyện Tam Bình, cách khu vực “Phật giáng thế” cả chục cây số. Thế nhưng, nhiều ngày qua, bà Đông là phần tử nhiệt tình nhất và sẵn sàng đứng giữa đám đông kể nhiều câu chuyện ly kỳ liên quan đến vụ “Phật giáng thế” trên ngọn cây sao.  Có người tỏ ra không tin đó là “Phật giáng thế” hay không đồng thuận thì lập tức bị… chửi. 

phat-hien251

Mỗi đêm chùa thắp hơn 200 lồng đèn và gần chục bóng đèn cao áp. Đây là một trong những nguyên nhân tạo ra hình ảnh dị kỳ trên ngọn cây sao.

Lúc đầu bà Đông thể hiện mình là người tu hành với lời nói ôn tồn. Nhưng khi chúng tôi cho rằng nếu không có ánh sáng thì không có hiện tượng tạo ra hình ảnh giống tượng trên ngọn cây sao, bà Đông liền tỏ ra khó chịu: “Đêm nào tôi cũng ở đây canh tới hơn 12h khuya mới về. Ai nói là tới 12h khuya không thấy ông Phật dám cá với tôi không? Nếu qua giờ đó mà còn nhìn thấy “ông Phật” trên ngọn cây sao thì tôi lạy bao nhiêu, người đó phải lạy theo tôi bấy nhiêu. Còn nếu không là tôi đánh”. 

Tuy nhiên, nhiều người sống bên cạnh chùa Phước Sơn lại tỏ ra cảnh giác. Chị Thủy, nhà ngay cổng chùa Phước Sơn, chỉ cho chúng tôi 2 ngọn cây sao được nhiều người cố tình “thần thánh hoá” mỗi đêm. 

“Chỉ là cây bình thường thôi chứ có “Phật” nào giáng thế đâu. Người đồn thiệt là nhảm nhí. Chỉ tại nhiều người thích tưởng tượng, mỗi người một kiểu rồi tung tin đồn thất thiệt. Mấy ngày nay tôi không ăn ngủ gì được, vì người ở khắp nơi kéo tới như trẩy hội, gây ồn ào, ô nhiễm”, chị Thuỷ nói. 

Theo chị Thủy, vào buổi tối cả chòm 3 cây sao này lại bị ánh đèn cao áp của chùa Phước Sơn “quét” lên một màu trắng toát, không còn màu xanh của lá cây nữa. 

phat-hien252

Cây sao nơi "Phật giáng thế" vào ban ngày.

Ông Nguyễn Tấn Tiến, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tam Bình, cho biết qua nghiên cứu thì hình ảnh bị cho là “Phật giáng thế” là do ánh đèn từ phía chùa Phước Sơn phát ra, phản chiếu vào ngọn cây sao. Trước đó, chùa có xin phép tổ chức lễ Khánh Đản trong 2 ngày 17 và 18/11 âm lịch. Nhà chùa đã chuẩn bị sân khấu, dàn đèn lồng hoa đăng với hơn 220 bóng. Cả khuôn viên sân rộng lớn căng đầy đèn lồng. 

Tại sân chùa có đến 100 đèn lồng màu đỏ, 50 đèn lồng vàng, 48 đèn đỏ - vàng, 10 bóng đèn cao áp... Trong khi đó, cạnh bức tường rào bên cây sao có đến 10 dây đèn màu trắng - đỏ - vàng với khoảng 70 chiếc. Phía trước cổng chùa được thiết kế 2 bóng đèn cao áp, chiếu sáng vào chòm cây.

"Chính ánh sáng của hệ thống đèn này và đèn cao áp chiếu rọi vào cây sao đã tạo nên hình ảnh khiến nhiều người tưởng tượng là “Phật giáng thế”. Khi lực lượng chức năng yêu cầu nhà chùa tắt đèn cao áp và tắt bớt các dây đèn lồng trong sân thì “ông Phật” biến mất. Chúng tôi đã đến vận động nhà chùa, qua lễ rồi không thắp đèn nữa, gây phiền nhiễu không tốt, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương. Nhưng nhà chùa chỉ đồng ý tắt 6/10 dây đèn gần cây sao. Chúng tôi khẳng định đây chỉ là tin đồn nhảm, không có chuyện gì huyền bí hay thần "Phật giáng thế" gì cả", ông Tiến nói.

Zing.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: Vĩnh Long , Phật hiện , Tin đồn , Phật giáo , Mê tín , Tín ngưỡng , Lời đồn