Mới đây, 240 điện thoại iPhone 6 không khai báo hải quan và được cất trong hành lý của hai công dân mang quốc tịch Mỹ đã bị lực lượng chức năng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện thu giữ khi làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam. Hành vi nhập lậu iPhone có thể sẽ phải đối mặt với án tù chung thân, theo Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh (Trung tâm Truyền thông Pháp luật Việt Nam).
- Thưa ông, khi nào bị coi là hàng hoá nhập lậu?
- Khoản 7 Điều 3 Nghị định 185/2013/ NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã giải thích: “Hàng hóa nhập lậu gồm:
a) Hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật;
b) Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định kèm theo hàng hóa khi lưu thông trên thị trường;
c) Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;
d) Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;
đ) Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng”.
- Người có hành vi nhập lậu iPhone có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh nào?
- Tuỳ theo cấu thành hành vi phạm tội cụ thể, người có hành vi nhập lậu iPhone có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội buôn lậu” hoặc “tội vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới” theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS).
- Khi nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu?
- Buôn lậu là buôn bán hàng hoá qua biên giới một cách trái phép. Sẽ bị buộc tội buôn lậu khi có các dấu hiệu cấu thành như sau: 1. Mua để bán lại kiếm lời; 2. Giá trị hàng phạm pháp phải có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, nếu dưới mức đó, thì phải đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Tội buôn lậu, hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới; sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm; sản xuất, buôn bán hàng giả; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi; kinh doanh trái phép; đầu cơ; trốn thuế; hoặc đã bị kết án về một trong các hành vi này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. 3. Phải là hành vi buôn bán trái phép qua biên giới.
- Nếu buôn bán trái phép hàng hoá không qua biên giới thì phạm tội gì?
- Hành vi buôn bán trái phép hàng hoá không qua biên giới thì không cấu thành tội buôn lậu mà tuỳ trường hợp hành vi sẽ cấu thành tội buôn bán hàng cấm, kinh doanh trái phép.
- Khi nào người nhập lậu iPhone bị buộc tội vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới?
- Dấu hiệu đặc trưng để phân biệt với hành vi buôn lậu là người phạm tội không phải là chủ hàng, họ chỉ là người vận chuyển cho chủ hàng, có lấy tiền công hoặc không lấy tiền công (thông thường là vận chuyển thuê). Nếu người vận chuyển trái phép là người đồng phạm trong vụ án buôn lậu thì hành vi vận chuyển trái phép sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 153 về tội buôn lậu.
- Trường hợp biết rõ hàng hóa mình vận chuyển là hàng do người khác buôn lậu, nhưng vẫn vận chuyển thuê hoặc vận chuyển hộ, thì hành vi này phạm tội gì?
- Sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu với vai trò đồng phạm.
- Trong vụ nhập lậu 240 iPhone 6, hai người bị bắt mang quốc tịch Mỹ. Xử lý ra sao?
- Nếu hai công dân mang quốc tịch Mỹ không thuộc trường hợp được giải quyết bằng đường ngoại giao thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu hoặc tội vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới khi xác định rõ dấu hiệu phạm tội cụ thể.
- Hình phạt cao nhất dành cho những người này?
- Nếu buôn lậu có giá trị từ một tỷ đồng trở lên, người phạm tội sẽ bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Nếu vận chuyển trái phép hàng qua biên giới có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên, người phạm tội sẽ bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!