Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, PetroVietnam không làm thất thoát tài sản, song mắc lỗi trong việc sử dụng tiền lãi nước chủ nhà sai quy định, ứng vốn khi chưa có quyết định của Thủ tướng, đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả... Số tiền phải xử lý lên tới trên 18.000 tỷ đồng.
Trước hàng loạt sai phạm, Tập đoàn Dầu khí đã có văn bản báo cáo khắc phục. Giải trình việc dùng trên 15.600 tỷ đồng tiền lãi nước chủ nhà để đầu tư cho 3 đơn vị không thuộc dự án trọng điểm dầu khí (Liên doanh Rusvietpetro; Liên doanh Rusvietpetro và PVEP), PetroVietnam cho biết đã báo cáo Thủ tướng về việc này. Theo đó, PVN kiến nghị Thủ tướng chấp thuận dùng lãi dầu khí cho góp vốn điều lệ, cấp vốn cho Rusvietpetro, PVEP để triển khai các dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí.
“Đến nay PVN vẫn chưa nhận được ý kiến chấp thuận của Thủ tướng. Tập đoàn đang làm việc với Văn phòng Chính phủ tiếp tục dự thảo văn bản trình Thủ tướng”, nguồn tin từ PetroVietnam cho biết.
PVN không làm thất thoát tài sản nhưng có nhiều sai phạm về sử dụng vốn. (Ảnh: PVN)
Ngoài ra, PVN còn bị kết luận đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả với một loạt lĩnh vực không có lãi hoặc lãi ít. Tính tới tháng 12/2010, tổng giá trị các khoản đầu tư tài chính ra ngoài công ty mẹ là hơn 114.000 tỷ đồng. Việc đầu tư ngoài ngành chưa hiệu quả khi các lĩnh vực phụ trợ, tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản chỉ đạt tỷ suất lợi nhuận 2,82% trên vốn đầu tư. Trong giai đoạn 2008-2010, tập đoàn đã đầu tư vào 805 công ty cấp 3 và có 130 công ty (với số vốn 4.740 tỷ đồng) không có lãi. Trước kết luận này của thanh tra, PVN khẳng định đang tích cực triển khai việc tái cấu trúc theo chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Công Thương.
Trong quản lý đầu tư xây dựng, PVN đã chỉ định thầu sai quy định 2 gói thầu trị giá 32,67 tỷ đồng. Các công ty thành viên cũng chỉ định 4 gói thầu sai với 743 tỷ đồng, 110 triệu USD và 600.000 euro. PVN giải thích, các gói thầu chỉ định đòi hỏi chuyên môn sâu, trong khi thời điểm đó, đơn vị thành viên PVN chưa thể thực hiện được. Thủ tướng trước đó cũng có công văn đồng ý để Hội đồng quản trị Tập đoàn chủ động xem xét, quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu và không bắt buộc phải giao cho các đơn vị thành viên thuộc PVN.
PetroVietnam khẳng định, việc chỉ định thầu đều do yêu cầu cấp bách về tiến độ dự án và các nhà thầu đều có năng lực, kinh nghiệm. Các gói thầu này đến nay đã hoàn thành và đều tiết giảm được chi phí so với dự toán được phê duyệt hàng triệu USD. Tuy nhiên, PVN đã có chỉ thị yêu cầu các đơn vị thành viên chấm dứt việc chỉ định thầu không thuộc đối tượng được phép theo quy định, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu thầu.
Thanh tra kết luận, PVN đã tự ứng vốn cho các tỉnh Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hậu Giang trên 622 tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng khi không có chỉ đạo của Thủ tướng là sai quy định. Tập đoàn Dầu khí giải thích, dự kiến ký biên bản thỏa thuận với UBND tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình về việc hoàn trả tạm ứng trong quý I/2012. Số tiền PVN ứng trước cho tỉnh Sóc Trăng sẽ được khấu trừ vào tiền thuê đất của dự án Long Phú. PVN đang làm việc với tỉnh Hậu Giang để hoàn tất công tác đền bù giải phóng mặt bằng và quyết toán cho dự án sông Hậu 1.
Hết năm 2010, PVN đã cổ phần hóa được 17 công ty, tổng số tiền thu được trên 23.800 tỷ đồng nhưng vẫn còn nhiều đơn vị chưa nộp tiền về tập đoàn. PVN cho biết, tính đến cuối 2011, Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas) đã hoàn thành việc nộp số tiền 1.903 tỷ đồng (chưa tính lãi phạt nộp chậm) về tập đoàn. Tổng công ty cổ phần Máy và Phụ tùng, Công ty Hóa dầu Dầu khí cũng đã nộp lần lượt 83,7 tỷ đồng và 5 tỷ đồng.
Trao đổi với PV, nguồn tin từ Tập đoàn Dầu khí cho hay sẽ tổ chức họp báo vào sáng 9/4, để trả lời các câu hỏi liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Trước yêu kiểm điểm các trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ, PetroVietnam khẳng định, Ban thanh tra tập đoàn đang nghiên cứu các nội dung tồn tại nhằm xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân vi phạm để kiểm điểm xử lý.