Ông tây dạy bà con làm du lịch
Thứ hai, 30/07/2012 22:17

Ngòi Tu là một bản văn hóa thuộc địa phận xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Nơi đây vẫn còn nguyên vẹn nếp sinh hoạt nhà sàn, khói bếp sớm mai...

Frédéric Tiberghien Frédo

Frédéric Tiberghien Frédo

1. Chỉ tay vào những ngôi nhà sàn, một người bạn của chúng tôi là họa sỹ Trần Đỗ Nghĩa ra câu đố: “Đố mọi người điểm khác biệt nổi bật nhất của bản Ngòi Tu với các bản khác của Yên Bái khi Frédo Bình đặt chân đến đây là gì?” - Tất cả còn đang suy nghĩ câu trả lời thì anh cười vang rồi bật mí - “Đó chính là những chiếc toa-lét tự hoại, chúng có mặt ở bản làng này được hơn 4 năm rồi đấy!”. Kể cũng lạ, thời điểm này nhiều vùng miền dưới xuôi bà con còn lạ lẫm với những chiếc toa-lét tự hoại được cho là hiện đại, có chút xa xỉ thế mà ở một bản hẻo lánh, vùng sâu vùng xa người dân tộc Dao quần trắng sinh sống đã có và tự hào vì sự văn minh của mình. Men theo cung đường, càng vào sâu trong bản càng khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ khi tận mắt chứng kiến cuộc sống, sinh hoạt thường nhật của người Dao quần trắng và đặc biệt chiêm ngưỡng không gian kiến trúc đan xen giữa nhà sàn và toa-lét tự hoại. Lý giải cho sự ngạc nhiên này, họa sỹ Trần Đỗ Nghĩa giải thích, chẳng phải ngẫu nhiên mà người dân tộc Dao quần trắng ở bản Ngòi Tu lại sinh hoạt sạch sẽ đến thế, sự văn minh của họ nhằm mục đích đón khách du lịch đấy (?!).  

Hàng ngày, trên những con đường đất quanh co dẫn lối vào các bản, ai cũng thấy rõ hình ảnh một vị khách “đặc biệt” đến từ một quốc gia khác trên thế giới đang hòa vào nhịp sống bình lặng của bản người dân tộc. Tuy khác nhau về màu da, ngôn ngữ, văn hóa lẫn phong tục tập quán nhưng con người và mảnh đất hiền hòa này đã níu chân vị khách ấy theo một cách rất riêng, gần gũi và thân thiết…

2. Vị khách “đặc biệt” ấy là Frédéric Tiberghien Frédo. Tuy sinh ra và trưởng thành tại Paris, mang một cái tên thuần Pháp nhưng điều thú vị là Frédéric Tiberghien Frédo mang trong mình hai dòng máu Việt - Pháp và có một cái tên Việt Nam là Frédo Bình. Ông bảo, ông thích cái tên Bình, nó có nghĩa là hòa bình, tượng trưng cho sự bình an và yêu chuộng hòa bình của người Việt Nam.

…18 năm trước, Frédo Bình trở về Việt Nam. Sự trở về của ông mang theo tình yêu với nơi người mẹ yêu thương của ông đã sinh ra. Hai tiếng quê mẹ khiến người đàn ông này muốn làm được nhiều việc có ý nghĩa giúp đỡ những người dân tộc. Cuộc hành trình đeo đuổi trên chiếc xe máy đưa Frédo Bình đi khắp mọi miền đất nước, khám phá từng miền đất, con người đến phong tục tập quán của mỗi vùng miền. Đúng 2 năm sau ngày trở về, số phận đã đưa ông tới Vũ Linh, một xã nghèo của huyện Yên Bình. Một điểm dừng chân cho chuỗi ngày đi và tìm, và như câu nói được xếp vào hàng kinh điển - “không có gì trên đời này mà không có một khoảnh khắc quyết định” -  khoảnh khắc đó như định mệnh được sắp đặt trước, chuyến đi đó trở nên dài hơn so với dự tính.

Ông chia sẻ: “Với tôi, Hà Nội không quá hiện đại, xa hoa nhưng luôn mới mẻ và hấp dẫn với những mảnh ghép tinh tế, thú vị của cuộc sống nơi đây. Từ con đường, góc phố, con người, văn hóa, cách ứng xử… - tất cả đều mang một hương vị hoài cổ đan xen với hơi thở của hiện đại, đầy ắp sức sống, sự chuyển động. Nhưng ở một đất nước thanh bình như Việt Nam có rất nhiều nơi lắng đọng những tinh hoa văn hóa, có nơi hiển hiện có nơi ẩn sâu trong những bản làng xa vắng, Ngòi Tu là vậy, một điểm dừng chân lý tưởng sau một thời gian dài có mặt ở Việt Nam”. Khi đến với Ngòi Tu, Frédo đã đặt ra những câu hỏi: “Tại sao mảnh đất đẹp như tranh vẽ này lại cứ chìm sâu trong bình lặng? Tại sao tinh hoa văn hóa vùng miền lại bị bó hẹp trong một cộng đồng nhỏ? Và tại sao con người sống giữa chốn thiên nhiên ban tặng đẹp như tiên cảnh này vẫn khó nhọc, lam lũ?”. Nhưng chính Frédo Bình cũng không thể trả lời ngay được, buộc ông phải đi tìm lời giải đáp bằng hành động. 

Nhà sàn của bản làng Yên Bái - (Ảnh: traitimyenbai.net)

3. “Phát triển du lịch xanh và bền vững” là phương châm hành động của Frédo Bình. Một mình một “ngựa sắt Minsk”, ông rong ruổi khắp mọi nơi, ông kể lại rằng nơi đâu cũng thấy đẹp và tiềm ẩn những giá trị chưa được khai thác, nếu biết làm du lịch xanh và bền vững thì một mặt sẽ phát triển được du lịch vùng miền Việt Nam, mặt khác sẽ trực tiếp làm thay đổi cuộc sống của chính những người dân đang sống ở nơi đó.

Ngoài ra ở những vùng cao của miền Bắc Việt Nam, mối quan hệ ấm áp giữa những người từ các nhóm dân tộc khác nhau thật bền chặt, họ sẵn sàng sẻ chia những giá trị truyền thống một cách thân thiện và hiếu khách.

Và còn gì tốt hơn bằng việc dựa vào chính tiềm năng văn hóa-thiên nhiên-con người của từng vùng đất, từng cánh rừng hoang sơ, từng đồi cọ mọc tự nhiên thẳng tắp, từng đồi chè xanh ngút ngàn đến những tuyệt tác đẹp lung linh như những chiếc thang trời - ruộng bậc thang - do chính bàn tay con người tạo nên đến loại hình kiến trúc sống mãi với thời gian là những ngôi nhà sàn bình dị, mộc mạc gắn kết với thiên nhiên, chở che cho con người và mang đến vẻ đẹp của sự bình yên giữa thiên nhiên hùng vĩ đều có thể là “chất liệu” để phát triển du lịch xanh và bền vững. Ông không làm một mình mà hòa nhập vào cuộc sống dân bản, cùng với họ tận dụng tất cả những gì thiên nhiên ban tặng để tạo dựng cuộc sống bền vững như làm ruộng, chăn nuôi gia súc, trồng cây và giúp họ gìn giữ những “đặc sản” truyền thống của bản làng… - đó là bước đầu hình thành nên cách làm du lịch xanh. Frédo Bình đã giúp dân bản cách làm du lịch bằng việc gìn giữ và biến tất cả những gì đặc biệt xung quanh cuộc sống của họ thành lợi thế để phát triển; chưa hết, nhờ những mối quan hệ với người nước ngoài, ông giới thiệu bạn bè đến những nơi ông đã đặt chân để họ khám phá, thế là dân bản đã có thể tạo ra thu nhập từ việc làm này...

Mười mấy năm trôi qua, cứ miệt mài không biết mệt mỏi, mỗi chuyến đi giúp ông hiểu hơn về các khó khăn và nhu cầu phải đối mặt của các dân tộc trên khắp vùng núi phía Bắc cũng như ý thức hơn về việc phát triển du lịch là hữu ích với người dân, cộng thêm được sự đồng tình của chính quyền địa phương mỗi nơi ông đến, Frédo Bình đã tạo ra một bảo tàng nhỏ với văn hóa địa phương tại tỉnh Cao Bằng; xây dựng một cây cầu liên kết một ngôi làng cho học sinh đến trường tại tỉnh Lào Cai; thiết lập một trang trại cá nhỏ ở Bắc Kạn; thành lập một trường mẫu giáo và nhà văn hóa cộng đồng tại tỉnh Yên Bái; giúp cải thiện trang thiết bị vệ sinh cho người dân bằng toa-lét tự hoại tại nhiều địa điểm khác nhau… Bằng cách này hay cách khác, mỗi mảnh đất đặt chân đến, Frédo Bình luôn hướng dẫn người dân cách làm du lịch, để khi ông rời đi họ có thể tự phát triển. Nhưng có lẽ với “ông Tây” này thì nơi nặng tình nhất, chốn níu chân ông đến ngày hôm nay vẫn là bản Ngòi Tu - mảnh đất hoang sơ bên lòng hồ Thác Bà.

4. Đến nay, Fredo Bình đã trở thành một thành viên thân thuộc với người dân xã Vũ Linh. Và những điều họ kể, nhắc đến ông là bao điều tốt đẹp... Chủ căn nhà sàn với khu “resort” dân dã vui vẻ cho biết: “Đến nơi đây du khách trong và ngoài nước sẽ có một kỳ nghỉ lý tưởng bởi họ được khám phá vẻ đẹp của vùng núi đồi Vũ Linh thấm đẫm chất văn hóa truyền thống của người Dao quần trắng; được khám phá vùng lòng hồ Thác Bà dài tới 82km đầy thơ mộng và huyền bí hay thưởng thức các món ăn của người dân tộc do chính người dân tự làm du lịch”. Kể chuyện ra thì nhiều người buồn cười bởi “ông Tây” thì học tiếng Dao, tiếng Tày, còn người dân thì được ông và bạn bè của mình dạy tiếng Anh, tiếng Pháp. Ông bảo không gì tốt hơn là quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua du lịch văn hóa cộng đồng. Nền văn hóa Đông-Tây cứ thế quện hòa với nhau, mỗi người dân sẽ là một hướng dẫn viên du lịch, còn du khách thì thông qua người dân để tìm hiểu văn hóa bản địa. “Dự án của ông Fredo Bình đã phát triển được du lịch nông thôn, thân thiện với môi trường, làm kinh tế cho người dân tộc.  Trước đây bà con Dao quần trắng chưa có mô hình làm kinh tế, dự án này đã giúp đời sống nhân dân nơi đây tăng cao. Ngoài ra, ông Fredo Bình đã cùng bạn bè mình mở lớp dạy nghề, dạy ngoại ngữ cho con trẻ, hướng dẫn chúng vừa học, vừa làm cùng nhau phát triển du lịch bền vững, phát triển kinh tế lâu dài. Quan trọng hơn là giúp đồng bào dân tộc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường”, ông Nguyễn Hữu Thắng, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Yên Bái khẳng định.

… Tôi hỏi Fredo Bình đã khi nào trong ông có suy nghĩ trở về Paris chưa thì được ông đáp, cứ một lý do tôi muốn trở về Pháp thì lại có hai lý do tôi muốn ở lại nơi đây. Vậy đó, đã có rất nhiều những con người như thế từ những đất nước khác nhau đến dải đất hình chữ S với thế Rồng bay bằng cả một tấm chân tình, rồi ở lại những vùng miền trên đất nước này bằng thứ tình yêu lạ kỳ mà chẳng thể lý giải. Chỉ biết rằng, ngày nối ngày, tại những bản làng bình yên, hiền hòa, những con người dân tộc nhỏ bé, hồn hậu đã trở thành một phần cuộc sống của họ. Có người chọn mảnh đất này thành quê hương thứ hai của mình bởi một lẽ đơn giản rằng họ yêu con người bằng một tình yêu thật đặc biệt và lớn dần cùng năm tháng.

ANTĐ
Tag: Yên Bái , Du lịch , Người nước ngoài , Frédéric Tiberghien Frédo , Phóng sự , Tin tức xã hội