Khi đến với 'thành phố' này, du khách sẽ được trải qua cảm giác chui qua cửa hầm và đi trong con đường dưới lòng đất rất nhỏ và hẹp, tạo cảm giác như đang sống trong điều kiện khó khăn và nguy hiểm của thời chiến.
|
Trên đất nước Việt Nam có rất nhiều danh thắng, địa danh lịch sử ghi dấu một thời hào hùng của dân tộc. Một trong số đó phải kể đến là địa đạo Củ Chi.
Nằm cách trung tâm TP. HCM chỉ 2 giờ di chuyển bằng ô tô, địa đạo Củ Chi là điểm đến không thể bỏ qua cho những ai yêu thích lịch sử và khám phá. Nơi đây nổi tiếng với hệ thống đường hầm kiên cố, dài hơn 200km, được ví như "thành phố dưới lòng đất" duy nhất tại Việt Nam.
Đặc biệt hơn nữa khi mới đây, địa đạo này đã bứt phá trở thành “ngôi sao” mới ngành du lịch khi vừa lọt top điểm đến hàng đầu châu Á.
Địa đạo Củ Chi lọt top điểm đến hàng đầu châu Á.
Theo đó, TripAdvisor vừa công bố danh sách 25 điểm du lịch được yêu thích nhất châu Á dựa trên bình chọn của du khách từ khắp nơi trên thế giới. Điều đáng tự hào là địa đạo Củ Chi của Việt Nam vinh dự góp mặt trong danh sách danh giá này. Được biết, danh hiệu Best of the Best của Travellers' Choice Awards do Tripadvisor trao tặng là sự tôn vinh cao quý nhất dành cho các điểm đến xuất sắc trong lĩnh vực du lịch. Giải thưởng này được trao cho những điểm đến nhận được số lượng lớn các đánh giá và ý kiến vượt trội từ cộng đồng người đọc Tripadvisor trong suốt khoảng thời gian 12 tháng.
Địa đạo Củ Chi hình thành trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (khoảng năm 1948). Hệ thống địa đạo được xây dựng sớm nhất tại hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An, tên gọi Địa đạo Củ Chi cũng xuất hiện từ đó. Lúc đầu, địa đạo chỉ có những đoạn ngắn, cấu trúc đơn giản, dùng để giấu tài liệu, trú ém cán bộ trong vùng địch hậu. Sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, địa đạo được gia cố và mở rộng.
Từ năm 1961, khi Khu ủy, Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định chọn Củ Chi làm địa bàn hoạt động, thì hệ thống địa đạo ở đây phát huy tối đa tác dụng, đặc biệt từ năm 1966, trước những hành động của quân xâm lược Mỹ sau khi vào miền Nam tham chiến. Với sức mạnh và ý chí quật cường, quân và dân Củ Chi đã kiến tạo được một hệ thống đường hầm dọc ngang, nhiều tầng, dài hơn 200km xuyên trong lòng đất, kết hợp với khoảng 500km chiến hào, công sự trên mặt đất, tựa như “thiên la địa võng”, khiến kẻ thù phải khiếp sợ…
Suốt một thời gian dài, địch liên tục tấn công đánh phá vùng căn cứ và hệ thống địa đạo hết sức khốc liệt, bằng những thủ đoạn như: Bơm nước vào lòng địa đạo, dùng đội quân “chuột cống” đánh phá, dùng chó bẹc-giê săn lùng phát hiện địa đạo để phá, dùng xe cơ giới ủi phá… Mỹ - Nguỵ đã thực hiện 5.000 cuộc hành quân càn quét vào vùng căn cứ cách mạng Củ Chi. Trung bình, mỗi năm có khoảng 330 trận càn, với đủ sắc lính, các cấp hành quân, loại hình chiến thuật. Tính từ 1954 - 1975, số lượng bom đạn Mỹ trút xuống Củ Chi khoảng 500.000 tấn (trung bình mỗi người dân ở đây phải hứng chịu khoảng 1,5 tấn bom). Ngoài ra, có khoảng 480 tấn chất độc hóa học các loại đã được quân địch rải xuống vùng đất này. Dựa vào hệ thống địa đạo, quân và dân Củ Chi kiên cường bám trụ, đánh địch bằng cả 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận) với phương châm “nắm thắt lưng địch mà đánh”, thực hiện lối đánh áp sát với những chiến thuật bắn tỉa, phục kích, tập kích, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, vô hiệu hóa được nhiều loại vũ khí hiện đại nhất và làm thất bại âm mưu của địch.
Đến với địa đạo Củ Chi, du khách sẽ có cơ hội tham quan và chiêm ngưỡng các hiện vật lịch sử, đồng thời tìm hiểu thêm về những câu chuyện gắn liền với khu di tích từ những ngày đầu hình thành. Đây là một hành trình khám phá đầy hấp dẫn, đưa du khách trở về quá khứ và cảm nhận sâu sắc về cuộc sống và chiến đấu của quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến.
Một trong những trải nghiệm đặc biệt nhất khi đến địa đạo Củ Chi là cơ hội sống như một người dân, một người lính thời chiến thực sự trong "thành phố dưới lòng đất". Trong hệ thống địa đạo dài 250km, du khách sẽ được trải nghiệm chui xuống và di chuyển trong một đoạn ngắn. Những người đã từng tham gia trải nghiệm này kể lại rằng, cửa hầm và toàn bộ con đường dưới lòng đất rất nhỏ và hẹp, khiến họ phải cúi người hoặc bò để di chuyển, tạo cảm giác như đang sống trong điều kiện khó khăn và nguy hiểm của thời chiến.
Không chỉ du khách Việt Nam mà cả những du khách nước ngoài cũng vô cùng thích thú trước trải nghiệm sống dưới lòng đất tại địa đạo Củ Chi. Họ không chỉ được thấy mà còn cảm nhận thực tế về sự kiên cường và khéo léo của người Việt Nam trong cuộc chiến giành độc lập. Nhiều khách du lịch nước ngoài nhận xét rằng, đây không chỉ là một chuyến tham quan mà còn là một hành trình học hỏi và trân trọng những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Được biết, công trình địa đạo Củ Chi đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt vào tháng 12 năm 2015. Đến năm 2020, UBND TP. HCM đã giao Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các cơ quan liên quan để chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO nhằm công nhận địa đạo Củ Chi là Di sản thế giới.
Theo kế hoạch, đến năm 2027, TP. HCM dự kiến sẽ hoàn thiện hồ sơ và phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đề nghị UNESCO xem xét đưa địa đạo Củ Chi vào danh mục Di sản thế giới.
Hiện nay, du khách có thể khám phá địa đạo Củ Chi thông qua hai hình thức, mua vé tự túc hoặc tham gia các tour có sẵn với hướng dẫn viên đi kèm. Địa điểm này mở cửa từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều tất cả các ngày trong tuần. Vé vào cửa cho khách lẻ là 35.000 đồng đối với du khách Việt Nam và 70.000 đồng đối với du khách nước ngoài.
Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu
- Từ 01/11/2024, Hà Nội chính thức tăng giá vé xe buýt
- Mênh mông biển nước ở vùng ‘rốn lũ’ Quảng Bình
- Cuộc sống ở ngôi làng lạnh nhất thế giới, nhiệt độ xuống tới âm 71 độ C
- Dự báo giá vàng cuối năm 2024 và 5 năm tới
- Không còn xếp loại học lực giỏi, trung bình, yếu, kém từ năm học 2024-2025: Cách xếp loại nào sẽ thay thế?
- Những thành phố đáng sống tốp đầu Việt Nam
- Tết Âm lịch 2025 là ngày mấy dương lịch? Còn mấy ngày nữa đến Tết Âm lịch 2025?
- Dự báo mùa đông năm nay có lạnh không?