Có hàng nghìn chất được sử dụng trong sản xuất nước hoa, và nhiều chất trong đó gây hại đến thần kinh, sức khỏe, các chuyên gia cho biết.
Nếu yêu thích nước hoa, bạn hãy chọn những loại có uy tín để giảm nguy cơ bị dị ứng hay nhiễm độc tố. |
Với chị Ngân (quận Đống Đa, Hà Nội), lọ nước hoa là vật bất ly thân. “Nước hoa giúp tôi tự tin hơn trong công việc cũng như cuộc sống”, chị khẳng định. Để đảm bảo cho hương thơm mình chọn, chị chưa bao giờ dùng nước hoa bán ngoài chợ, mà luôn nhờ người bà con bên Pháp mua giúp.
Gần đây, chị quyết định thay đổi hương nước hoa quen thuộc sang một loại mới. Vẫn là hàng xách tay được đặt mua cẩn thận từ Pháp nhưng chỉ dùng nó vài giờ, da chị bắt đầu mẩn đỏ, ngứa ngáy. Đi khám, bác sĩ da liễu cho biết chị bị dị ứng. Sau loại trừ các nguyên nhân khác, chị mập mờ nhận ra thủ phạm chính là thứ nước hoa mới được sử dụng lần đầu kia.
Giống chị Ngân, Ngọc (nhân viên văn phòng ở quận Hà Đông, Hà Nội) cũng say mê nước hoa. Ngoài việc xịt trực tiếp lên da tay, cổ, gáy, tai, Ngọc còn có sở thích lạ là dùng nước hoa thay cho... lăn khử mùi. Theo cô, nước hoa giữ mùi thơm lâu hơn chứ không phải như nhiều loại lăn khử mùi chỉ được vài tiếng là bay hết.
Nhưng cứ vào những ngày nắng nóng, mồ hôi tiết ra nhiều, Ngọc lại cảm thấy ngứa ngáy, đau xót vùng nách, chóng mặt, bứt rứt. Cứ nghĩ do thay đổi thời tiết, Ngọc không đi khám, mà mua thuốc chữa ngoài da về bôi. Hậu quả là cô phải đến gặp bác sĩ da liễu khi da vùng nách bị phồng rộp và chảy nước.
Theo bác sĩ da liễu Nguyễn Xuân Quang (trưởng khoa thẩm mỹ Da liễu tại một bệnh viện ở Hà Nội), cơ thể bị ảnh hưởng bởi thành phần chất tạo nước hoa, mùi và sự tiếp xúc trực tiếp của nước hoa lên làn da. “Mỗi loại nước hoa đều có công thức nhất định, được tạo bởi thương hiệu, bí quyết… nên chẳng ai rõ chúng có những chất cụ thể nào, có tốt hay hại cho sức khỏe. Hơn nữa, dù tốt hay không tốt thì nước hoa cũng phải hợp cơ địa từng người”, bác sĩ Quang khẳng định.
Bác sĩ cảnh báo nếu bạn bị dị ứng nước hoa, rất có thể bạn sẽ phải đối mặt với nổi phát ban ngay tại chỗ xịt, thậm chí là lan ra toàn thân. Biểu hiện ngứa ngáy là rõ rệt nhất. Không chỉ có vậy, bạn sẽ bị bỏng nước hoa với những nốt phồng rộp, có thể là do thành phần cấu thành sản phẩm có chứa nhiều axit, cồn…
Bản thân bác sĩ chưa từng gặp ca bệnh nặng nào do nước hoa, nhưng không thiếu trường hợp bị dị ứng mùi với biểu hiện: thay đổi huyết áp, cường độ hô hấp, chóng mặt, nhức đầu, hen. Đó là chưa kể, một số người ngửi nước hoa quá nhiều sẽ bị mất sự nhanh nhạy của khứu giác.
Dược sĩ Đào Minh Huy (giảng viên bộ môn Bào chế, ĐH Dược Hà Nội) cũng khẳng định dùng nước hoa có thể có tác dụng phụ không mong muốn. “Tiếp xúc với nước hoa có thể dẫn đến viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da tiếp xúc kích ứng, làm trầm trọng hóa các vấn đề về hô hấp, ví dụ có người bị hen phế quản hoặc các cơn co thắt phế quản thì việc tiếp xúc với các chất thơm có thể làm tệ hơn. Ngoài ra, tiếp xúc nước hoa trực tiếp thường xuyên trên da có thể dẫn đến nám da, da trở nên nhạy cảm với ánh sáng hơn”, dược sĩ Huy cho biết.
Cũng theo ông, một điều mọi người nên biết là 95% hóa chất sử dụng trong nước hoa là hợp chất tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ. Chúng bao gồm các dẫn chất benzene, andehit và nhiều chất độc khác như chì, CO… có khả năng gây ung thư, dị tật bẩm sinh, rối loạn hệ thống thần kinh trung ương và các phản ứng dị ứng. Rất ít người nhận ra rằng có ít nhất 5.000 hóa chất được sử dụng bởi ngành công nghiệp nước hoa. Cũng không mấy ai biết rằng một sản phẩm như nước hoa có thể chứa 600 thành phần hóa học đơn lẻ.
Các sản phẩm nước hoa có thể vượt qua hàng rào máu não. Điều này có nghĩa là hóa chất hương thơm có khả năng ảnh hưởng và gây thiệt hại cho mô não. Ví dụ linalool - hóa chất có nhiều nhất trong nước hoa và các sản phẩm từ nước hoa, có thể gây hôn mê, trầm cảm và đe dọa cuộc sống do hiệu ứng đường hô hấp.
Dược sĩ Huy cho biết, các triệu chứng bao gồm: nhức đầu, hắt hơi, chảy nước mắt, xoang mũi, lo lắng, buồn nôn, thở khò khè (đặc biệt là ở bệnh nhân hen), khó thở, không có khả năng tập trung, chóng mặt, co giật, đau họng, ho, tức ngực, hiếu động thái quá (đặc biệt là ở trẻ em), run, mệt mỏi, thờ ơ, và buồn ngủ.
Trẻ em nhạy cảm hơn người lớn với các tác động của hóa chất thơm, nhưng nước hoa lại được thêm vào gần như mọi sản phẩm dành cho trẻ em. Một phụ huynh sử dụng nước hoa hoặc dùng các sản phẩm có mùi thơm cũng có thể nhiễm độc cho con họ qua việc thở vào không khí. Tiếp xúc với nước hoa có thể dẫn đến việc trẻ em gặp khó khăn trong tập trung, bị khuyết tật, có hành vi hiếu động, thậm chí chậm phát triển…
"Ngay cả khi bạn nghĩ rằng tránh các sản phẩm hương thơm sẽ bảo vệ con bạn thực tế lại chưa chắc đúng. Bằng chứng cho thấy rằng các hóa chất hương thơm có thể được lưu trữ trong cơ thể, hiển thị trong sữa mẹ ở người mẹ cho con bú", dược sĩ Huy cho biết.
Tác động của nhiều hóa chất hương thơm cho y tế vẫn chưa được biết. Thực tế là nước hoa khác nhau gây ra các triệu chứng khác nhau. Do đó, các chuyên gia khuyên nên sử dụng những loại nước hoa có uy tín. Giá thành không nói lên tất cả nhưng cũng là một căn cứ để lựa chọn sản phẩm lành mạnh, nhất là khi nước hoa đang được bán đầy rẫy ngoài chợ đêm, chợ trời, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Dù là loại nào bạn cũng nên biết nguồn gốc, để đảm bảo đã qua kiểm chứng lâm sàng, giảm tối thiểu khả năng kích ứng. Tránh tiếp xúc nước hoa trực tiếp lên da, tránh lạm dụng quá mức mọi lúc mọi nơi.
Các chuyên gia khuyên, đừng quên thử nước hoa trước khi quyết định mua chúng để biết bạn có hợp hay không. Nếu bạn chẳng may bị dị ứng nước hoa thì hãy dừng tiếp xúc, tắm rửa càng nhanh càng tốt. Ngoài ra, nước hoa và lăn khử mùi hoàn toàn khác nhau: nước hoa chỉ dùng trên cơ thể sạch, trong khi lăn khử mùi để diệt khuẩn nên không được ngộ nhận hay lạm dụng sử dụng. Khi bị dị ứng, bạn không nên tự ý bôi thuốc mà nên tìm đến bác sĩ da liễu nhằm tìm ra cách chữa bệnh nhanh nhất, tránh tình trạng bệnh thêm nặng và phát sinh nhiều bệnh nguy hiểm hơn… Dù thế nào thì hợp chất tạo nước hoa chỉ đáp ứng nhu cầu về mùi hương chứ không đáp ứng nhu cầu sức khỏe cho da nên người dùng không được lạm dụng dưới bất cứ hình thức nào.
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?