Xông nhà, xông đất là nét văn hóa có từ lâu đời ở Việt Nam. Thường, bất cứ ai từ ngoài bước vào nhà ngay sau thời khắc giao thừa với lời chúc năm mới được coi là đã xông đất cho gia chủ. Mong muốn năm mới phát tài, mọi việc suôn sẻ, thường từ dịp cuối năm, các gia đình đã tìm chọn trong họ hàng hay láng giềng những người tốt tính, khỏe mạnh, có cuộc sống suôn sẻ, sung túc để nhờ “xông đất” nhà mình.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người cầu kỳ hơn, muốn chọn người phải hợp tuổi, hợp mệnh..., lại không dễ nhờ được người quen nên đã tìm tới loại hình cho thuê người xông đất. Và từ đó, dịch vụ này bắt đầu nở rộ ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM vài ba năm lại đây.
Bà Đỗ Thị Mai, giám đốc công ty điện hoa Hà Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, tới thời điểm này, công ty bà đã nhận được đặt hàng thuê người xông đất từ gần 50 khách hàng, trong khi Tết năm ngoái, con số này chỉ xấp xỉ 20. Khách hàng chủ yếu là các công ty, ngân hàng và một số là những gia đình khá giả, đông người.
"Tôi vừa phải tranh thủ đi đặt thêm vài bộ quần áo ông Phúc Lộc Thọ cho nhân viên mặc đi xông đất đây", bà Mai kể.
Nhiều gia đình thuê "ông Lộc" tới xông đất đầu năm, mong cả năm gia đình mình sẽ đón nhận nhiều tài lộc, bình yên. Ảnh: HL.
Bà cho biết, các công ty và gia đình thường chỉ thuê một người là "ông Lộc" tới xông đất. Một số doanh nghiệp lớn thì thuê cả bộ ba, kèm múa lân, rồng biểu diễn trong ngày khai xuân. Giá cả cho dịch vụ này cũng không rẻ: 2,5 triệu đồng nếu thuê một người, và 6 triệu đồng cho cả bộ 3 ông Phúc Lộc Thọ. Nếu gia chủ yêu cầu chính xác về tuổi của người tới xông thì phải trả thêm 500.000 đồng. Các gia đình đều muốn chọn người khỏe mạnh, to béo, xởi lởi... để mang điềm lành tới nhà mình đầu năm.
Người xông đất được thuê tới nhà từ mùng 1 Tết, nhưng chủ yếu là từ mùng 2 trở ra, mang theo phong bao lì xì cho trẻ nhỏ trong gia đình rồi chúc mừng gia chủ. Trước khi đến, họ phải gọi điện trước để gia chủ chuẩn bị. Các "ông Lộc" thường được chủ nhà đón tiếp niềm nở, mời uống rượu, ăn bữa cơm đoàn tụ với đại gia đình.
Hiện nay, không chỉ có một số công ty mở ra dịch vụ cho thuê người xông đất, không ít người vì phải trực không thể về quê hay muốn có kinh nghiệm, thu nhập... nên cũng đăng quảng cáo nhận xông nhà đầu năm.
Một sinh viên đại học tên Định đăng lời rao nhận xông đất trên một số trang mạng với giới thiệu hấp dẫn: "Sinh năm Mậu Thìn, thuộc chòm sao Thiên Bình, mệnh Đại Lâm Mộc, có ý nghĩa khi đến xông đất như Rồng đến nhà, mang đến vui vẻ bình yên hạnh phúc tài lộc đến chắc chắn như gỗ cây cổ thụ".
Liên lạc theo số điện thoại rao, phóng viên Vnexpress.net gặp một nhóm 6 bạn sinh viên đang học tại TP HCM. Các bạn đều ở các tỉnh miền Tây hay ngoài Bắc, Tết không thể về quê nên nhận dịch vụ xông đất để kiếm thêm thu nhập.
Đại diện nhóm cho biết, hiện tại, họ đã nhận được một số đặt hàng từ các gia đình. "Họ muốn gặp trực tiếp chúng em trước, xem chứng minh thư, tướng mạo, cách nói năng... và một số gia chủ còn yêu cầu 'diễn thử' cảnh tới xông đất, chúc Tết cho họ xem hoặc dặn dò tụi em nói theo ý họ", cô sinh viên cho biết.
Tùy vào khoảng cách địa lý, yêu cầu của chủ nhà về trang phục, số phong bao lì xì cho mọi người trong gia đình, nhóm này sẽ tính chi phí với từng khách, và chỉ nhận tiền công khoảng 500.000-600.000 đồng.
Có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xông đất thuê vì đã "chạy sô" 10 nhà suốt từ 30 Tết đến mùng 8 năm ngoái, từ đầu tháng chạp năm nay, anh Hưng (Thanh Xuân, Hà Nội) đã có nhiều khách quen gọi đặt hàng. Bản thân anh cũng tự quảng cáo trên mạng khá ấn tượng: "Cao 1,78 m cân nặng 78 kg, mệnh Hải Trung Kim (kho vàng dưới biển), đã tốt nghiệp đại học, hiện công tác tại văn phòng bộ, ngoại hình khá, có chứng chỉ võ CAND, Hồng đai Pencatsilat, võ cổ truyền Việt Nam, Đai nâu đệ nhị đẳng karatedo. Nhận xông đất, xông nhà dịp Tết cho mọi gia chủ có nhu cầu từ 30/12/2010 âm lịch đến 15/1/2011 âm lịch".
Anh Hưng cho biết, mọi người thường thích những người bề ngoài cao ráo, sáng sủa, công việc ổn định để "đạp đất" nhà mình năm mới, hy vọng mang tới cho họ sự may mắn, tốt lành. Gia chủ thường yêu cầu anh tới chúc mừng, sau đó hai bên sẽ ngồi nói chuyện về công việc, cuộc sống. Nhiệm vụ thường chỉ kéo dài trong khoảng 15-20 phút, nhưng anh Hưng thường phải lên lịch và sắp xếp mọi thứ cẩn thận, từ hình thức tới lời nói trước khi tới gặp chủ nhà.
Sau mỗi lần xông đất năm ngoái, anh Hưng thường nhận một khoảng tiền công là 300 - 700 nghìn đồng, nhưng năm nay, anh nâng mức phí lên khoảng 1,5 triệu đồng vì "mọi thứ đều đắt đỏ.
Anh cho biết, dù trước đó hai bên là người xa lạ nhưng khi trong cuộc gặp đầu năm, anh và gia chủ đều rất vui vẻ và cởi mở. Có khi, anh được gia đình chủ nhà chúc rượu, mời cơm, thậm chí lì xì lại rất phóng khoáng.
Tuy nhiên, không phải gia đình nào thuê người xông đất cũng suôn sẻ. Vì không muốn có cảnh nhốn nháo ở nhà mình như năm ngoái khi có "ông Lộc" tới chúc Tết, năm nay, chị Thoa (Long Biên, Hà Nội) quyết định không dùng dịch vụ này nữa.
Chồng chị Thoa là con trưởng, ở cùng với ông bà, gia đình lại đông anh em, nên Tết năm nào, cứ vào ngày mùng 2, cả nhà lại tập trung vài chục người ở nhà chị. Năm trước, hai vợ chồng chị bàn với nhau thuê người hợp tuổi tới nhà xông đất đúng lúc mọi người tề tựu đông đủ, vừa để mang lại điềm may cho năm mới, vừa tạo không khí vui vẻ cho gia đình. Thế nhưng, khi "ông Lộc" bệ vệ tới chúc mừng gia chủ và phát bao lì xì cho bọn trẻ, thì bên cạnh một số bé rất vui sướng, tò mò, nhiều em nhỏ hoảng sợ kêu gào ầm ĩ.
"Nhớ tới cảnh lúc ấy vẫn buồn cười. Người xông đất thì lúng túng không biết làm thế nào. Người lớn trong nhà thì xông vào dỗ dành bọn trẻ, rồi cuối cùng đành bế chúng vào phòng trong 'cách ly' đợi ông Lộc chúc tụng, nâng ly rượu mừng xong, đi về mới dám bế ra", chị Thoa kể.