Nỗi oan cô giáo bị kết án cướp của người tình hơn mình 19 tuổi
Thứ ba, 21/07/2015 08:51

Cuộc hôn nhân đầu tan vỡ, chị gặp một người đàn ông hơn mình 19 tuổi. Ban đầu, ông bảo chưa có gia đình nên hai người hò hẹn.

Hơn một năm sau, chị phát hiện ông đang sống cùng vợ con, nên quyết định chia tay.

Một lần gặp gỡ, hai người xảy ra mâu thuẫn, ông trình báo công an chị cướp tài sản. Chị bị tuyên phạt 7 năm tù giam. Mới đây, chị mừng mừng tủi tủi nhận được quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra, đình chỉ hoạt động tố tụng.

Cay đắng một chuyện tình

Sáng 15/7, chị Lê Thị Ngọc Mai (35 tuổi, quê tỉnh Quảng Nam) hớn hở thông báo, đã được VKSND quận Thanh Khê (TP.Đà Nẵng) đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án với tội danh Cướp tài sản vì không phạm tội. Liên hệ VKSND quận Thanh Khê, chúng tôi cũng nhận được thông tin tương tự. Đại diện Viện này cho biết, đối với một vụ án, cơ quan tố tụng chứng minh được chừng nào thì xử lý đến đó. Nếu không chứng minh được, thì phải xác định bị can, bị cáo không phạm tội. Riêng vụ án này, chị Mai và người được xác định bị hại có nhiều lời khai mâu thuẫn. Người xác định bị hại cũng có nhiều lời khai không đồng nhất... Từ đó, cơ quan tố tụng xác định chị Mai không phạm tội. 

Nước mắt chị Mai rơm rớm khi cầm tờ giấy thông báo cáo trạng trong tay. Theo lời chị, chị và ông Trần Ngọc N. (ngụ TP. Đà Nẵng) có mối quan hệ tình cảm. Khoảng 19h ngày 8/10/2013, chị đến xưởng sản xuất than, nơi ông N. làm việc. Tại đây, hai bên xảy ra mâu thuẫn. Chị dùng tay đánh ông N. rồi giật sợi dây chuyền vàng. Sau đó, chị lấy hai con dao kề vào cổ ông, buộc ông phải tháo chiếc nhẫn vàng đang đeo trên tay đưa cho mình rồi bỏ về nhà. Hôm sau, ông đến công an trình báo sự việc. Theo giám định, tổng số tài sản chị cướp có giá trị 16 triệu đồng.

Chị tâm sự, sau cuộc hôn nhân đầu, chị được quyền nuôi con gái. Để có tiền nuôi con, chị dạy hợp đồng tại một trường tiểu học và nhận làm gia sư. Dù thu nhập không cao, nhưng cũng đủ chi phí để hai mẹ con sống qua ngày. Tuổi đời còn trẻ, trong lòng người phụ nữ vẫn mong muốn có một bờ vai để dựa dẫm và cùng nuôi dạy con nên người. Hơn ba năm trước, chị gặp gỡ  ông N., hơn chị 19 tuổi. Lúc đầu, ông tâm sự còn độc thân. Sau một năm tìm hiểu, chị cay đắng phát hiện, ông đang có vợ và con.

Là người phụ nữ từng có gia đình tan vỡ, chị Mai hiểu hết nỗi đau xót, cay đắng. Do đó, chị không muốn là người thứ ba chen vào hạnh phúc của người khác. Chị quyết định dừng mối tình này. Ông ta không đồng ý, thay vào đó, tìm cách kìm kẹp chị. Hôm xảy ra vụ việc, chị Mai về quê ở tỉnh Quảng Nam. Ông N. gọi điện liên tục. Chị bảo, khi nào xong việc sẽ đến xưởng than. Tối đó, chị đến xưởng đúng như  lời hẹn. Ông truy hỏi, vặn vẹo, chị về quê với “thằng nào” mà không cho mình đi theo. Chị bức xúc, dắt xe bỏ về. Ông chặn lại, đòi đưa chị vào phòng bảo vệ “vui vẻ” nhưng bị từ chối. Hai người xô qua đẩy lại, chị dùng tay nắm cổ áo, vô tình, làm đứt sợi dây chuyền. Hai bên vẫn tiếp tục giằng co. Ông bảo: “Nghe theo lời anh, anh tha...”.

Chị vẫn giằng co. Ông buông lời sỉ vả chị là giáo viên thứ cấp. Tức giận, chị giật con dao gần đó đe dọa, yêu cầu ông xin lỗi, rút lại lời sỉ nhục vừa rồi. “Tôi sợ anh tổn thương, chỉ dùng sống dao kề vào cổ, chứ không phải phần lưỡi và để ở xa”, chị nói. Vì muốn chuyện kết thúc nhanh, chị nói với ông là mình sắp kết hôn. Ông chuyển giọng năn nỉ chị đừng kết hôn, cứ ở vậy, ông nuôi. Rồi, ông tự lấy tài sản, bỏ vào phong bì có logo công ty than đưa cho chị. “Lúc ấy, tôi cầm về, có ý định hôm sau sẽ mang số vàng này trả lại. Thế nhưng, tôi chưa kịp trả, thì anh ấy đã đến trình báo công an là tôi cướp tài sản”, người phụ nữ nghẹn đắng. Tại phiên tòa sơ thẩm, chị bị tuyên mức án 7 năm tù giam.

Điểm tựa

Không đồng tình với kết luận của cấp sơ thẩm, chị Mai viết đơn kháng cáo kêu oan. Tháng 9/2014, TAND TP.Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm. Chị khai, sau khi trình báo sự việc vài ngày, ông N. mang cam đến biếu mẹ chị và nhắn tin với nội dung yêu thương, muốn chị quay lại. Ông N. cũng thừa nhận có chuyện này.

Ngoài ra, chị khẳng định, trong quá trình điều tra, chị bị mớm cung, buộc ký khống. Chị khai tên của hai điều tra viên và đề nghị được đối chất. Hôm đó, Tòa quyết định hủy bản án sơ thẩm vì chưa đủ căn cứ kết tội. “Cũng may, sau đó, mỗi lần cán bộ mời lên làm việc đều nói chuyện nhẹ nhàng theo vẻ thấu hiểu. Tôi nuôi hy vọng, sự thật sẽ được sáng tỏ”, chị nói.

Chị Mai kể, sau khi bị truy tố, cuộc sống của chị như rơi vào ngõ cụt. Công việc bị cắt ngang. Mặc dù được tại ngoại, nhưng chị không thể xin được việc gì làm. Mọi người nhìn chị với ánh mắt khinh khi. Mỗi lúc ra đường, chị có cảm giác, mọi người đang bàn tán về mình. Trong khoảng thời gian này, quá áp lực, chị từng nghĩ đến cái chết. Tuy nhiên, ngẫm lại, nếu chết thì cũng phải chết cho trong sạch, chứ không thể để mọi người hoài nghi. Vả lại, con gái chỉ mới 6 tuổi, nếu mình quyên sinh thì ai sẽ nuôi?

Điều chị đau lòng nhất, dù con còn nhỏ nhưng cũng bị những lời gièm pha của mọi người tác động. Có lần, cháu đi mẫu giáo về nép vào lòng mẹ khóc: “Từ mai con nghỉ học”. Dỗ dành mãi, cháu bảo: “Các bạn và cô giáo bảo mẹ sắp đi tù. Các bạn xa lánh, trêu con hoài”. Nghe con nói, lòng người mẹ vỡ vụn. Suốt cả tuần sau đó, chị dỗ hoài, con mới chịu đi học trở lại. Nhưng, cháu lại đòi nghỉ nhiều lần cũng vì những lời bàn tán của bạn bè.

Mẹ con chị ở trọ tại quận Thanh Khê. Khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, không có người giữ, chị đành đưa con đến tòa rồi gửi ở bảo vệ. Hôm đó, niềm vui vì được hủy bản án sơ thẩm chưa kịp tròn môi, thì chị giật mình, con gái không chịu nói gì. Về đến nhà, cháu khóc hỏi: “Mẹ còn đến tòa nữa không?”. Chị dỗ dành thế nào con gái cũng không chịu nín.

Trong khi đó, từ khi vụ án xảy ra, mẹ chị cứ khóc mãi. Mẹ chị tin con gái, nhưng không chịu đựng nổi sự gièm pha, ánh nhìn soi mói của hàng xóm. Có lần, mẹ chị gọi điện thông báo: “Năm nay, gia đình mình không đạt gia đình văn hóa”. Chị ngậm ngùi hỏi: “Vì con hả mẹ?”. Mẹ chị rấm rứt: “Trong cuộc họp tổ dân phố, mọi người nói, con đi tù thì không thể là gia đình văn hóa được”. Chị nghe mẹ nói mà cổ họng nghẹn ứ.

Riêng bà ngoại của chị, vì suy nghĩ nhiều chuyện cháu bị tù tội nên đổ bệnh ngày càng nặng. Hơn tháng nay, chị về huyện Hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam) để chăm ngoại. Hôm nhận được quyết định đình chỉ vụ án, bà ngoại bỗng dưng khỏe mạnh trở lại. Người thân cũng tay bắt mặt mừng. Còn con gái tỉ tê với mẹ: “Từ nay, con sẽ nói với các bạn, mẹ không phải đi tù nữa”. Nghe thế, nước mắt người mẹ lại lăn dài.

“Nói thật với anh, rất may, đến nay, tôi đã được minh oan. Nếu bị tuyên phạt như phiên tòa sơ thẩm, thì tôi sẽ không chịu đựng nổi và chỉ có tìm đến cái chết. Hè xong, tôi sẽ cho con đi học lớp 1. Còn tôi sẽ nộp đơn đi dạy. Tôi sẽ bỏ những suy nghĩ tiêu cực, phải sống thật tốt để làm điểm tựa cho con gái”, chị chia sẻ trước khi chúng tôi chia tay.

Niềm tin vào công lý

Tháng 8/2014, TAND quận Thanh Khê tuyên phạt chị Mai 7 năm tù giam về tội Cướp tài sản. Tháng 9/2014, TAND TP.Đà Nẵng tuyên hủy bản án, trao trả hồ sơ điều tra lại. Ngày 12/5/2015, Cơ quan điều tra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, chuyển sang tội danh Cưỡng đoạt tài sản. Ngày 15/6, VKSND đồng cấp hủy bỏ quyết định thay đổi của Cơ quan điều tra. Ngày 23/6, Cơ quan điều tra vẫn kết luận điều tra lại với quan điểm chị phạm tội Cưỡng đoạt tài sản. Ngày 2/7, VKSND quận Thanh Khê quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra, đình chỉ tất cả hoạt động tố tụng đối với chị Mai.

Doisongphapluat.com

Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai

Tag: Nỗi oan cướp của , cô giáo bị kết án cướp của , kết án cướp của người tình hơn mình 19 tuổi