Tàu rời Stockholm chập tối, ngược phía bắc. Tầm hơn 7 giờ sáng một chút thì tự dưng nghe tiếng còi tàu rất dài, vang xa cả một vùng tuyết trắng mênh mông. Người soát vé đi ngang giải thích với nhóm khách châu Á còn đang vừa ngái ngủ vừa ngơ ngác tưởng sắp đến nơi, rằng đó là tiếng còi báo hiệu tàu vừa đi qua vành đai cực bắc.
Qua đêm trong ngăn đá tủ lạnh
Tôi chưa bao giờ hình dung mình sẽ ngủ trong một cái tủ lạnh, chứ đừng nói gì là trong ngăn đá. Nên kế hoạch khi đến Kiruna (Thụy Điển) lần này là qua đêm ở khách sạn băng (Ice hotel). Nhưng sự háo hức đó nhanh chóng chuyển thành lo lắng khi biết rằng chúng tôi phải qua đêm thực sự trong căn phòng làm từ 100% băng hay tuyết cứng. Toàn bộ đồ đạc được gửi bên ngoài trong khu nhà tắm ấm áp và bạn chỉ được phát 1 cái túi ngủ để chống chọi với cái rét âm 5 độ trong phòng, với thứ ánh sáng xanh nhờ nhờ rất kỳ quái xung quanh cái giường làm từ băng, phủ một tấm da tuần lộc. Vậy mà chỉ có những người khá giả mới đến đây ngủ lại trong cái khách sạn phù hoa này, bởi nó chỉ tồn tại mỗi năm tầm 4 tháng từ mùa đông đến đầu mùa xuân là tan thành nước. Năm sau người ta lại xẻ băng xây cái khác trên khu đất đó.
Toàn bộ tổ hợp Ice hotel là một điểm tham quan. Nói một cách rất tự kiêu là cho những ai không đủ tiền ngủ một đêm ở đó có thể vào chụp ảnh rồi ra. Nhưng thực sự đến 90% nhóm du khách Việt Nam chúng tôi chỉ mong có thế! Hay oai hơn là vào quán bar cũng bằng băng nốt, uống một ly cocktail trong cái cốc đẽo từ băng lạnh tê tái và nhún nhảy với nhạc vũ trường. Cũng xin nói ngay, có đến 1/3 nhóm khách Việt của chúng tôi đã tháo chạy khỏi phòng ngủ dù băng hay tuyết trước lúc mặt trời lên.
Làng ven sông
Ice hotel nằm trong một ngôi làng ven sông, làng Jukkasjarvi. Mùa này nước đóng băng cả mặt sông. Cứng đến nỗi xe bánh xích nặng cả tấn vô tư chạy đi chạy lại trên đó để khai thác băng. Chúng tôi thuê được cả mô tô trượt tuyết đua trên mặt băng như các phim hành động kiểu James Bond 007. Có cả xe chó kéo cho khách thuê trải nghiệm cảm giác nơi hoang dã.
Cuối làng Jukkasjarvi có một nhà thờ cổ, nhỏ và cũ kỹ xây bằng gỗ, tháp chuông cao vút, nghe nói có từ mấy trăm năm trước. Không biết sao hôm đó chẳng có ai, nhà thờ vắng lặng. Tôi lơ đễnh ngồi xuống một chiếc ghế, với tay cầm cuốn thánh kinh lật vài trang, bất chợt thấy có in cả tiếng Việt.
Ngay cạnh nhà thờ là một khu tham quan, được giới thiệu trong tất cả các sách du lịch về Kiruna, đại khái là một khu bảo tồn văn hóa, tập quán địa phương. Hóa ra chỉ là một cái vườn nhà, nuôi tầm chục con tuần lộc và làm một số mô hình cư trú của người xưa. Quản lý chỉ có 1 phụ nữ hơn 50 tuổi, vừa bán vé, vừa bán một loại rêu gì đó để khách cho đám tuần lộc ăn, kiêm cả gian hàng quà lưu niệm và quán cà phê trong một cái lều lớn bên cạnh. Chưa bao giờ tôi thấy mình ấm áp đến vậy khi ngồi trên một tấm da thú, cầm ly trà nóng và hơ tay sưởi trên lò than đặt giữa lều. Ngoài kia gió rét và tuyết rơi, lũ tuần lộc đứng cọ mõm vào nhau.
Và sâu trong lòng đất
Khách sạn băng dù là “đặc sản”, nhưng bây giờ nhiều nơi khác cũng đã bắt đầu nhập khẩu băng của làng Jukkasjarvi về xây dựng, nên người Thụy Điển nếu được xếp hạng sẽ chọn khu hầm mỏ sắt ở thành phố này là niềm tự hào nhất ở Kiruna.
Tour tham quan hầm mỏ không phải bằng xe chạy trên đường ray tải quặng mà bằng xe buýt loại 50 chỗ ngồi! Đường vào hầm mỏ rộng như hầm đường bộ, hai xe buýt không phải giảm tốc để tránh nhau nếu chạy ngược chiều. Từ mặt đất đến điểm tham quan được nhân viên hầm mỏ khẳng định là sâu hơn 500 mét, còn nếu tính từ đỉnh của ngọn núi thì phải gấp đôi khoảng cách đó. Từ lúc bước xuống xe buýt vào khu bảo tàng đặt ngay dưới lòng đất, bạn phải tuyệt đối tuân theo 2 yêu cầu: luôn luôn đội nón bảo hộ và không tách nhóm nếu không muốn lạc trong mê hồn trận của khoảng 400 km đường ngầm khai thác suốt hơn 110 năm qua.
Thành phố nhỏ Kiruna hiện như đang nằm trên một bọng tổ ong khi mà hầm mỏ khai thác ì ầm bên dưới. Chính quyền Thụy Điển cùng với công ty khai thác quặng đã bắt đầu một kế hoạch đầy tham vọng: dời cả thành phố đi cách khu mỏ 4 km. Họ tuyên bố sẽ chuyển nguyên vẹn các kiến trúc cổ, di dời từng viên gạch một. Từng có một bài báo khi viết về điều này đã gọi: người Thụy Điển dời cả một thiên đường!