Kỳ 1: Đau đáu màu bụi trắng
Ngập ngụa trong bụi
Chỉ cách thành phố Phủ Lý 3km, con đường đi vào xã Thanh Sơn được trải nhựa rộng thênh thang. Trước đây làng Bút Sơn được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, cùng dãy núi đá vôi hùng vĩ. Ngoài những gam màu đẹp của một bức tranh thanh bình. Bút Sơn còn biết đến là dãy đá vôi có trữ lượng trên 6 triệu tấn, đá màu xám trắng, chất lượng tốt và ổn định, đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu cho sản xuất xi măng mác cao.
Điều kiện tự nhiên thuận lợi là vậy, nên Nhà máy Xi măng Bút Sơn ra đời. Có nhà máy, từ đầu làng cuối xóm người dân nơi đây giàu lên trông thấy. Nhưng họ đánh đổi lại bằng âm thanh nhức nhối của tiếng mìn phá đá, bụi lúc nào cũng như sương mù bao phủ khắp xóm làng.
Hiếm có nơi nào như ở đây, bởi có quá nhiều cơ sở sản xuất xi măng đang tiến hành khai thác và sản xuất như: Nhà máy Xi măng Bút Sơn, Xi măng Kiện Khê; các mỏ đá như: Thanh Tân, Khả Phong, Tân Sơn… cùng hàng trăm xí nghiệp, cơ sở chế biến, khai thác đá xây dựng của nhiều thành phần kinh tế. Những cơ sở này đã tàn phá môi trường một cách dã man và họ bất chấp tất cả.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh Hà Nam, toàn tỉnh có trên 100 cơ sở khai thác và chế biến đá xây dựng, trung bình mỗi cơ sở cung ứng ra thị trường 1.000m3 đá thành phẩm/tháng. Hầu hết máy móc thiết bị của các cơ sở đều đơn giản, lạc hậu, không có hệ thống phun nước chống bụi nên môi trường đã bị ô nhiễm lại càng thêm trầm trọng.
Theo quan sát của chúng tôi, từ những xưởng khai thác đá này lượng bụi khổng lồ bốc lên cả một vùng. Bụi phủ kín nhà cửa ven đường, phủ trắng cây cối, rồi áo quần, đầu tóc của bất cứ ai đi ngang qua. Đi dọc các con đường trải bê tông trong xã Thanh Sơn, nhìn người dân ở đây, chúng tôi không khỏi ái ngại. Trông người nào cũng mệt mỏi, uể oải, dáng vẻ yếu ớt, nhợt nhạt…
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm nhất là lâu nay có nhiều cái chết liên tiếp xảy ra mà chưa có ai lý giải được. Anh Phạm Văn Hội, cán bộ Trạm Y tế xã Thanh Sơn cho rằng, một số thông tin mà báo chí đăng tải thời gian qua nhắc về Bút Sơn như “làng ung thư”, “làng chết trẻ” là chưa xác đáng, bởi theo kinh nghiệm nhiều năm công tác và nắm cuốn “sổ tử” ghi lại rành mạch những cái chết của người dân sống nơi đây: “Dựa trên số liệu tính toán, họ chết vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau”, anh Hội nói.
Không rõ số liệu và cách tính toán của anh Hội như thế nào, chỉ biết theo thông tin của ông Vũ Văn Bảo, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thanh Sơn cung cấp, toàn xã Thanh Sơn có 4 thôn với 10.600 nhân khẩu sinh sống thì năm qua có 15/57 trường hợp chết vì bệnh ung thư. Ngoài ra còn chưa kể tới một số trường hợp ủ bệnh, bệnh nhân “dính” hầu hết các loại ung thư “vô phương cứu chữa” như dạ dày, phổi, gan, vòm họng. Giật mình hơn, có khoảng 20 người nằm trong danh sách nhiễm HIV/AIDS vì nguyên do khác. Điều đó cho thấy, 15 người đã “đi” vì bệnh K chỉ trong vòng 1 năm cũng phải có lý do của nó. Trong đó, nặng nề nhất là thôn Bút Sơn có 6 trường hợp liên tiếp xảy ra. Số người mắc ung thư đa phần là đàn ông và hầu hết đều chưa quá tuổi 60. Phụ nữ sống tại đây bởi thế còn bị gán cho 3 chữ “làng góa bụa”.
Chính những điều bất thường này đã mang đến tâm lý nặng nề, khiến thanh niên làng chẳng ai dám đi khám bệnh. “Có cho tiền cũng không đứa nào dám đi xét nghiệm”, một chị ngồi trong trung tâm y tế nói trong khắc khoải. “Có đợt bảo hiểm về xét nghiệm miễn phí nhưng đám thanh niên cứ lẩn như chạch bởi họ sợ cứ đi khám là… ra ung thư, ra AIDS”
Người làng cho biết cũng không khó để lý giải quan niệm tưởng như ngược đời ấy. Vì nếu xét nghiệm ra bệnh ung thư, “giấy báo tử” sớm này sẽ kéo theo bao hệ lụy khác. Hao tổn kinh tế, suy sụp tinh thần và nhất là việc phải đối mặt với cái chết được báo trước, thật không dễ để người bệnh tìm cách chấp nhận sự thật khủng khiếp ấy. Cho nên để tâm lý bớt phần lo lắng, họ cứ gắng sống mà không biết hiện trạng sức khỏe của mình ra sao. Tất cả đều phó mặc cho số phận.
Những người còn lại không đi khám hoặc giấu bệnh nên không rõ nguyên nhân chết có phải do ung thư hay không. Thật khó có thể tưởng tượng những thống kê đau lòng ấy cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng, vậy họ đang chết vì nguyên nhân nào?
Trắng xóa vành khăn
Con đường vào thôn Bút Sơn chạy qua các khu nghĩa địa của người theo đạo Thiên Chúa, quạnh hiu hướng cây thánh giá về những vạt núi bị bạt trắng. Ngay đầu làng, mấy bà mẹ trẻ bế nựng con, chúng ngây thơ trả lời khách lạ mới biết rằng đứa mồ côi cha, đứa mồ côi mẹ, thậm chí có đứa còn chưa kịp nhớ mặt cha, ông của chúng. Căn bệnh ung thư và HIV/AIDS đang hoành hành, trùm lên làng quê thanh bình ấy biết bao tang tóc.
Khi tôi tìm gặp phó trưởng thôn Nguyễn Xuân Đốc thì có khá nhiều người tỏ ra hoài nghi, ái ngại. Một bà lão nông dân vén chiếc khăn mùi xoa đang bịt mũi, “duyệt” qua tôi một lượt rồi hỏi: “Các anh lại đi hỏi “cái chết” phải không? Đã nhiều người đến đây rồi…”. Hơi lạnh gáy trước câu nói chắc nịch của bà lão. Định thần một lúc, tôi tỏ ý tìm anh Đốc vì việc khác…”, một chị đang bế con nhỏ dẫn tôi vào (sau này được biết bố chồng chị vừa mất vì ung thư, ở đối diện nhà Phó thôn Nguyễn Xuân Đốc).
Gạn hỏi mãi, ông trưởng thôn mới chịu chia sẻ một cách xót xa: “Ung thư thì làng tôi nhiều lắm, ngay trong xóm tôi mới đưa tiễn đến 6 trường hợp. Nhưng người dân hầu như không thông báo đến cơ quan chức năng, họ chỉ ngấm ngầm chịu đựng, đến khi sức khỏe tụt dốc mới đi khám thì mọi chuyện đã muộn”. Vì nỗi lo cho bà con xóm làng, anh tâm sự với báo chí thì bị chỉ trích và phải chịu rất nhiều áp lực, từ huyện, rồi xã chỉ vì lý do… nói thật mất lòng.
Với tư cách phó thôn, nhân danh đảng viên, thấy sao nói vậy, anh Đốc cho rằng sợ nhất là có nhiều thông tin trên báo chí đã bị bẻ cong. “Nhiều khi tôi trả lời một đằng, họ lại viết một nẻo làm dư luận có phần hoang mang. Tôi thấy sao thì nói vậy, khổ nỗi mình có tự ý giải thích họ chết vì lý do nào đâu”. Nói xong, anh cứ dặn đi dặn lại với tôi: “Anh biết thì cũng đừng nói gì nhé, mệt đầu lắm!”.
Thấy có khách lạ, một số người dân tại đây kéo sang nhà anh Đốc tiếp thêm câu chuyện. Vài chục năm trước đây là khu vực giãn dân, nhiều gia đình lên đây dựng nhà, đào giếng. Nước giếng khơi còn trong vắt, dù ấm đun nước uống có cắn vôi đọng lại thành một lớp dày dưới đáy siêu, tuy vậy cả làng ăn uống từ bao đời chẳng ai có vấn đề gì.
“Giờ mang tiếng là có nước sạch, nhưng khổ nỗi nước bị nhiễm bụi, đến mùa khô lượng nước giếng không đủ để dùng, mọi nhà đều phải xây bể chứa nước mưa để tích trữ. Vậy mà vài năm nay nước mưa thì càng không thể dùng được vì bụi bám kín nóc nhà, bể chứa, hòa lẫn với khói bụi độc hại nên chẳng ai dám dùng”, một chị than thở.
Người dân trong xóm cũng có một vài lần kiến nghị lên đại diện của nhà máy, các xưởng khai thác đá nhưng mọi chuyện đều bặt vô âm tín. Những hôm họ đánh mìn để khai thác đá thì bụi, bột đá dày đặc bay xuống trắng xóa cả làng. Theo phản ánh của những người dân tại đây, khi nhà máy mới đi vào hoạt động thì cứ chiều tối bắt đầu xả khí thải. Những luồng khí thải trắng đục bao chùm cả ngôi làng khiến nhiều người kinh hãi. Sau khi người dân phản ánh tình trạng đó thì nhà máy chuyển sang xả khí vào nửa đêm.
Chị Toan (xóm 16) bức xúc: “Thừa lúc ban đêm khi mọi người đã say giấc, họ xả ra thì ai mà kiểm chứng được. Người chết thì đã đành, người sống thì ở trong tình trạng lo âu cũng chẳng biết biết kêu ai đành cố mà “thích nghi””.
Anh Đốc kể tiếp: “Trước năm 2010, thôn Bút Sơn đã đếm trên 20 trường hợp liên quan tới ung thư. Đặc biệt, từ tháng 4 đến tháng 11/2011 trong xóm liên tục xảy ra 11 trường hợp tử vong chủ yếu là đàn ông. Trong đó có đến 5 trường hợp bị ung thư”. Nói trong đôi mắt ngân ngấn nước, anh Đốc đưa tôi xác thực 11 trường hợp được ghi lại trong cuốn sổ tay, qua đối chiếu khớp với bản báo cáo nguyên nhân tử vong đang được lưu ở Trung tâm Y tế xã Thanh Sơn. Không ai muốn nhìn thẳng vào danh sách những người mắc bệnh ung thư, người bị tai nạn ngã núi, đá đè và có cả những người chết vì tệ nạn xã hội đánh đổi bằng mặt trái của đồng tiền từ khai thác đá…
Chỉ biết rằng, làng Bút Sơn đã và đang là nơi có rất nhiều góa phụ và trẻ mồ côi. Những người phụ nữ vẫn còn đang độ xuân thì đã phải rơi vào cảnh sống đơn chiếc chỉ trong tích tắc. Nhưng để mưu sinh, người dân ở đây vẫn phải chấp nhận dấn thân vào những công việc đầy hiểm nguy và rất gần chết chóc. Và rồi, những câu chuyện đau đớn về những người đàn bà góa phụ cứ thế nối dài theo năm tháng, biết bao nhiêu con người vẫn cố gắng gượng để tồn tại với cuộc sống.
Như vậy, những cái chết liên tiếp xảy ra là có thật. Việc khẳng định chết vì HIV/AIDS thì có thể lý giải được, còn việc ảnh hưởng môi trường ô nhiễm do khói bụi, khí thải của nhà máy và các xưởng khai thác đá tư nhân chúng tôi cũng chưa thể trả lời ngay. Nhiều người dân khắc khoải hỏi “cứ thế này, liệu nòi giống của chúng tôi sẽ ra sao? Người dân Bút Sơn vẫn đang tha thiết mong ngóng các cơ quan hữu trách của huyện, của thành phố, có những biện pháp tích cực để cứu họ khỏi “móng vuốt của tử thần” mang tên “ung thư”.
Nhìn danh sách những người đã khuất, cũng là lúc tiếng chuông nhà thờ trong thôn vang vọng lại như nguyện hồn ai đó làm cho không khí tại xóm Đạo càng trở nên trĩu nặng. Giọng anh Đốc trùng lại, anh bảo người chết đã mồ yên mả đẹp nhưng điều xót xa hơn cả là tình cảnh phụ nữ trẻ góa chồng, con nhỏ vắng cha, mẹ già xa con… đang bao trùm một cách dai dẳng lên vùng quê nơi đây.