Năm nay, bức ảnh Em bé napalm của Nick Út (giải World Press Photo và Pulitzer năm 1973) tròn 40 năm “chào đời”. Nhân dịp này, Hãng truyền hình lớn nhất của Mỹ - ABC News làm một bộ phim phóng sự về cuộc đời Nick Út và ông có cơ hội trở về thăm lai những địa danh Việt Nam từng gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp của ông. Phóng viên có cuộc trò chuyện cùng Nick Út:
Nick Út và Kim Phúc, Paris Hiton
- Vừa thăm lại Trảng Bàng (Tây Ninh) – nơi 40 năm trước bom Napalm rơi và bức ảnh Em bé napalm của anh ra đời, anh thấy nơi đây thay đổi như thế nào?
- Bây giờ, hầu như đất nước Việt Nam chỗ nào cũng thay đổi. Cuộc sống thanh bình quá, khó tìm thấy dấu vết chiến tranh nữa. Trảng Bàng hiện nay thay đổi rất nhiều, không giống như 40 năm trước. Hồi trước đường xá không có nhà cửa gì hết, bây giờ lái xe thấy nhà cửa mênh mông, đường xá xe cộ không thua gì Sài Gòn, kẹt xe dữ dội. Trên quốc lộ, những em học sinh mặc áo dài thảnh thơi chứ không phải chạy như ngày xưa nữa. Hồi xưa, khoảng 1 giờ trưa là không thấy bóng người ngoài đường, họ ở trong nhà hết.
Tấm ảnh nổi tiếng thế giới của Nick Út
Mỗi lần tôi về Việt Nam, khi nào tôi cũng ghé thăm Trảng Bàng bởi nơi đó là lịch sử bức ảnh ra đời. Tôi cũng muốn thăm những người thân của cô Kim Phúc ở đây rất nhiều. Bức ảnh tôi chụp có những người vẫn còn sống và giờ họ mở quán café, bán tạp hóa… Căn nhà cô Kim Phúc ngày xưa giờ cũng là một quán bán bánh canh. Ngay kế nhà thờ Cao Đài, nơi từng bị ném bom cũng có những cây xăng, nhà băng…
Trảng Bàng giờ cũng nổi tiếng lắm! Những người khách du lịch tới đó họ cũng dừng chân để nhìn hình Kim Phúc, chụp với bức hình và về khoe đã tới vùng Trảng Bàng.
- Những em bé trong bức hình mà 40 năm trước anh chụp, anh đã gặp lại những ai?
- Trong dịp về này, tôi gặp được 1 người, đó là cô Hồ Thị Hiền. Trong hình cô Hiền và dắt em trai chạy trên quốc lộ. Họ cũng là thân nhân gia đình cô Kim Phúc. Gặp tôi, mọi người rất cảm động và cảm ơn tôi về bức ảnh.
Những người kia thì ở xa không gặp còn bé trai hả miệng khóc trong hình là anh trai Kim Phúc thì đã mất cách đây 7 năm rồi. Trước khi mất, tôi có về gặp. Anh trai Kim Phúc có 1 vợ và 2 con làm quán bánh canh Thanh Tùng. Tên Thanh Tùng hình như là tên bố của cô Kim Phúc ngày xưa, bây giờ đổi tên Kim Phuc’s Family, bánh canh Trảng Bàng.
- Còn nhân vật chính trong bức ảnh – cô Kim Phúc hiện nay thì sao?
- Cô Kim Phúc hiện là Đại sứ hòa bình của Liên hiệp quốc, có chồng và được 2 đứa con trai, ba má cô ấy cũng qua cư ngụ tại Toronto (Canada).
Cô ấy đi khắp thế giới và lúc nào cũng nói về tôi rất nhiều. Cô ấy thường nói: “Tôi là người con gái trong bức ảnh và tôi rất cám ơn một người nhiếp ảnh- Chú Nick Út bởi vì nhờ chú mà tôi được thế giới biết tôi”.
Cũng nhờ bức hình ấy mà cô Kim Phúc và ba mẹ được đoàn tụ với nhau. Bức hình đó cũng đã đem định mệnh tôi và Kim Phúc, 2 chú cháu như một gia đình với nhau.
Tôi liên lạc hàng tuần với Kim Phúc, gọi điện thoại từ Los Angeles sang Canada thăm hỏi Kim Phúc khỏe không. Rồi thì Kim Phúc “Dạ, chú ơi con khỏe lắm!”. Thỉnh thoảng mùa đông lạnh hay hè nóng thì những vết thương của Kim Phúc đau lại, tôi cũng lo rất nhiều. Tôi đi đâu Kim Phúc cũng hỏi thăm: “chú đi đâu cho con đi với”. Tháng 6 này kỷ niệm 40 năm, Kim Phúc có mời tôi sang Toronto dự lễ kỷ niệm chung và Kim Phúc mời tôi ở lại nhà mấy hôm vì con của Kim Phúc tốt nghiệp trung học.
Tôi cũng thường xuyên qua gặp gia đình Kim Phúc. Kim Phúc khi nghe tiếng máy bay bay ngang qua là cô cũng sợ, vào nhà trốn tưởng là sắp bị bỏ bom.
Nick Út (Photo: Phượng Hoàng)
- Gần 10 năm làm phóng viên chiến trường, hẳn anh cũng còn những ám ảnh như Kim Phúc?
- Đến ngày nay, tôi còn ám ảnh rất nhiều. Những tiếng động làm tôi cũng tưởng là 1 trận đánh hay máy bay ném bom sắp tới.
- Anh có thấy mình quá may mắn với bức hình duy nhất chụp cô Kim Phúc?
- Có lẽ cũng do anh Huỳnh Thanh Mỹ, anh trai tôi phù hộ và tôi rất cám ơn anh. Ngày xưa, lúc anh tôi còn sống, anh ấy muốn tìm ra 1 bức ảnh hòa bình cho đất nước Việt Nam bởi vì thấy đồng bào chết quá nhiều.
Khi đi công tác về, anh ấy luôn kể chuyện cho gia đình nghe và lỗ tai tôi lúc nào cũng nhớ tới lời anh Mỹ nói. Tiếc là anh chết trẻ. Nối nghiệp anh, tôi đã cầu nguyện “em hy vọng anh phù hộ cho em chụp được bức hình đem lại hòa bình cho đất nước và bức hình đó nổi tiếng thế giới”.
Ý nguyện của tôi rất đúng khi năm 1972 tôi chụp được bức ảnh ấy, nó đã đem lại tất cả cho tôi. Bức hình được đăng trong vòng 2 ngày thì làn sóng biểu tình phản đối chiến tranh mà Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam rất lớn. Và bức hình đó đã góp phần mang lại hòa bình cho đất nước và tôi trở nên nổi tiếng. Tới nay, tôi đi rất nhiều nơi trên thế giới, nhiều người gặp tôi và họ rất cảm động, ôm tôi khóc.
- Và sự may mắn đó lặp lại khi đúng thời gian của 35 năm sau, chỉ có anh và 1 người nữa chụp được ảnh cũng nổi tiếng là Paris Hilton khóc khi đi tù?
- Trong cuộc sống, tôi là người may mắn, bất cứ việc gì cũng may mắn. Tôi vừa từ Việt Nam trở lại Hollywood đúng ngày kỷ niệm 35 năm tấm ảnh em bé Napalm cũng là ngày cô Paris Hilton đi tù. Tôi vừa chụp xong là đài CNN đưa tin ông Nick Út chụp hình Paris Hilton đi tù đúng ngày chụp Kim Phúc 35 năm về trước, mà 2 hình đó như 2 cái bánh sandwich gắn vào nhau vậy.
Một bên thì cô Kim Phúc hốt hoảng khóc chạy trên quốc lộ 1 còn cô Paris Hilton khóc ngồi trên xe tội uống rượu say lái xe. Có những tờ báo đăng trang bìa 1 - 2 trang nói về sự kiện này. Hơn 5 năm rồi mà họ vẫn nhắc tới hoài.
Bức ảnh chụp Paris Hilton đang khóc của Nick Út
- Cảm xúc của anh khi chụp 2 bức hình khác nhau thế nào?
- Cô Kim Phúc là 1 nạn nhân bom Napalm và sau đó, tôi lúc nào cũng thương nhớ Kim Phúc, lo lắng và lúc nào cũng nghĩ về cô ấy suốt gần 40 năm nay. Trong nhà tôi có tấm hình cô Kim Phúc bị bỏng bom treo trong nhà mà đôi khi ngồi nhìn tôi lại khóc và nói với con cháu, đây là 1 nạn nhân chiến tranh ở Việt Nam. Các con đang sống sung sướng phải biết trân trọng. Ngày xưa, cô Kim Phúc bị bỏng bom phải chạy trên quốc lộ, có người mẹ ẵm đứa con chết vì bom rất tội nghiệp…
Còn Paris Hilton là một cô tiểu thư con nhà giàu, sung sướng, tiền bạc biết bao nhiêu, cái tội uống rượu say lái xe vi phạm nên đi tù thì khác.
Muốn nghỉ hưu tại VN, chụp ảnh cho đến chết
- Hiện nay, công việc hằng ngày ở AP của anh như thế nào?
- Bất cứ tin tức gì xảy ra tôi đều đi làm như: động đất, cháy rừng, tổng thống tới, Thị trưởng, Thống đốc tới thăm, tài tử đi tù, ra tòa … công việc rất bận nhưng tôi thích sự bận rộn bởi vì tôi không thích ngồi không, muốn đi công tác mỗi ngày, bất cứ nơi nào trên thế giới. Hiện nay, sắp bầu cử tổng thống nên công việc cũng rất nhiều.
- Hẳn các chính khách và các tài tử Hollywood anh đều biết hết?
- Chính khách thì tôi gặp rất nhiều như các tổng thống Mỹ, Thống đốc từng nhiệm kỳ… Còn tài tử Hollywood thì tôi hầu như biết hết họ từ khi chưa nổi tiếng đến khi nổi tiếng.
- Những nghệ sỹ Việt Nam tại Mỹ anh gặp nhiều không?
- Những nghệ sỹ như cô Hồng Quế thì tôi biết từ lâu. Khánh Ly là bạn rất thân, chồng chị cũng là một nhà báo và là bạn tôi. Và rất nhiều nghệ sỹ Việt Nam khác như Phạm Duy, chị Kiều Chinh - một tài tử đẹp, đóng nhiều phim miền Nam lúc trước tôi cũng rất quý mến. Thỉnh thoảng, bạn bè mời tôi đi nghe nhạc của nghệ sỹ Việt Nam tại hải ngoại hay trong nước sang trình diễn. Tôi cũng thích nghe những bài hát về Hà Nội.
- Năm nay kỷ niệm 40 năm bức ảnh chụp em bé Napalm, anh có cuộc triển lãm ảnh nào không?
- Năm nay, tôi có triển lãm ở rất nhiều nơi trên thế giới. Bây giờ triển lãm tại Đan Mạch 2 tháng, sau đó bên Pháp, Đức…. muốn tôi triển lãm. Tôi cũng sẽ có triển lãm cho các kiều bào ở Mỹ. Đáng lẽ tháng này tôi triển lãm tại Moscow, Nga nhưng phải dời lại vào mùa xuân tới vì phải về Việt Nam.
Nick Út thăm trẻ em bị chất độc da cam tại Làng Hòa Bình (TP HCM) ngày 3/4 (Photo: Phượng Hoàng)
- Còn ở Việt Nam?
-Tôi rất mong một ngày nào đó sẽ triển lãm riêng ở Việt Nam bởi vì các bạn trẻ cứ mong và hỏi “chú Nick Út khi nào triển lãm tại Việt Nam?” Tôi muốn triển lãm một số hình ảnh Việt Nam trong chiến tranh và ngày nay.
Vừa qua, tôi cũng chụp được khá nhiều hình ảnh về các trẻ em bị chất độc da cam ở làng Hòa Bình, TP HCM. Tôi đã đến những nơi bị rải chất độc da cam và tận mắt chứng kiến. Ngày nay, thấy những trẻ em chịu hậu quả của chất độc đó tôi rất buồn. Không riêng tôi mà nhiều người đến thăm các em đã bật khóc.
- Triển lãm trước đó vào năm 2007 không thành công, anh có buồn không?
- Tôi không buồn! Vì lý do không phải lỗi của tôi. Lần đó về, tôi được 1 người bạn rủ triển lãm cùng. Tôi cũng bất ngờ vì chỉ mang theo trong máy tính những hình nhỏ để làm kỷ niệm. Thật sự, tôi không muốn triển lãm nhưng người bạn năn nỉ hoài và tôi định triển lãm chung khoảng 20 tấm thôi. Sau ngày dự định triển lãm là tôi phải trở về Mỹ rồi, tôi thật sự không buồn gì hết.
- 46 năm trong nghề phóng viên ảnh rồi, anh định khi nào sẽ nghỉ?
- 4 năm nữa tôi sẽ về hưu. Tôi mong muốn được về nghỉ hưu ở Việt Nam vì nơi đây là quê hương mình, đất nước giờ thanh bình quá! Tôi muốn làm free-lancer (chụp ảnh tự do) cho tới chết luôn. Tôi muốn mua bao nhiêu máy ảnh để tập sự cho các em khoảng 10 tuổi chụp hình, làm báo.
Nick Út chụp ảnh các trẻ em bị chất độc da cam tại Làng Hòa Bình, TP HCM (Photo: Phượng Hoàng)
- Các con của anh có ai nối nghiệp bố không?
- 2 người con của tôi - 1 trai 1 gái đều không thích chụp ảnh nhưng biết chụp. Tôi rất vui vì cả 2 đều không theo nghiệp của bố bởi vì nó theo thì sẽ khổ lắm.
Báo chí ngày nay rất khó khăn vì phải làm rất nhiều việc và cũng rất nhiều trường hợp nguy hiểm như đi chụp cháy rừng, bão lụt, động đất… Bom bỏ còn biết đường trốn chứ đi đường gặp động đất không biết trốn đường nào, xe cộ nhảy bật bật.
- Đánh dấu 40 năm bức ảnh nổi tiếng thế giới của anh, anh có thêm giải thưởng mới?
- Tôi có nhận được 1 bức thư mời qua Đức nhận giải thưởng Hall of The Fame của Hãng máy ảnh Leica nhân sự kiện 40 năm chụp ảnh Kim Phúc. Ðây là giải thưởng không thường xuyên, dành riêng cho những nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhất còn sống được Hãng Leica đặt ra để vinh danh những nổi vào tháng 9 tới.
- Xin cảm ơn và chúc mừng anh!