Nếu nói Quế Phong là thủ phủ ma túy của Nghệ An thì cuộc đấu súng tiêu diệt Lý Bá Trò, tên trùm khét tiếng làm dân vùng biên run sợ là một cuộc chiến điển hình về sự khốc liệt với tội phạm ma túy.
Những chiếc lán được Lý Bá Trò cho dựng sát đường biên để bán ma túy.
Lý Bá Trò là người Mông, sinh ra và lớn lên ở bản Nậm Tột, xã Tri Lễ, một xã mà bốn phương tám hướng đều là núi rừng hoang vu, rất gần với "tam giác vàng" ma túy Lào - Thái Lan – Myanmar. Tri Lễ là xã xa nhất huyện, muốn đến chỉ có một con đường độc đạo từ thị trấn Kim Sơn, vượt dốc Chuối đầy nguy hiểm mới tới. Đây là một điểm nóng về ma tuý của huyện Quế Phong, mấy năm qua nhiều tên trùm ma túy khét tiếng đã bị tiêu diệt ở đất này nhưng nơi đây chưa bao giờ hết nạn buôn bán cái chết trắng. Trong số này điển hình là tên trùm Lý Bá Trò, một người Mông bản địa, từng là thần tượng của nhiều dân bản bởi tính thông minh, ham học.
Trò sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em nhưng rất thông minh và ham học đến nỗi trở thành tấm gương được nhiều người trong bản lấy đó làm tấm gương để dạy dỗ con cái. Lớn lên Trò đi lính, từng có thời gian công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quế Phong đến năm 1998 thì ra quân và bất mãn từ đó.
Năm 2001, Trò đưa cả gia đình vượt biên, sinh sống tại bản Nậm Bống, mảnh đất giáp biên giới Việt-Lào và với kinh nghiệm của một kẻ từng tham gia luồn rừng tìm hài cốt liệt sỹ trên những cánh rừng vùng biên nên Trò rất thông thạo địa bàn. Chính vì lợi thế này mà khi sang Lào, anh ta nhanh chóng trở thành một kẻ đáng gờm trong làng ma túy với nhiều thủ đoạn bán hàng táo bạo, đầy manh động. Dưới sự chỉ huy của Trò, ma túy được bày bán công khai ngay vạch đường biên, ai mua bao nhiêu cũng được. Chúng lập chòi quan sát, cử người cầm súng đứng canh, hễ thấy khả nghi là dùng bộ đàm, điện thoại thông báo khiến cho việc đấu tranh chống loại tội phạm này của lực lượng biên phòng gặp rất nhiều trở ngại bởi hễ họ xuất hiện thì chúng thu dọn đồ nghề lùi dần về bên kia biên giới.
Trước vấn nạn ma túy nhức nhối trên, đầu tháng 6/ 2006, UBND tỉnh Nghệ An đã khẩn cấp phê duyệt kế hoạch phối hợp các lực lượng đấu tranh, "đánh đuổi" "giặc" ma túy ở các điểm nóng vùng biên giới trong đó “ưu tiên” băng nhóm của Trò. Đồn 517 và lực lượng phòng chống ma túy của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh được giao thực thi nhiệm vụ này.
Trung tá Nguyễn Thế Hùng, biên phòng tỉnh Nghệ An kể, sau nhiều ngày bàn bạc kế hoạch tác chiến, mất vài tháng trời ăn cơm vắt ngủ rừng để lần theo dấu chân của chúng, lực lượng Biên phòng mới cho ra đời một kế hoạch đón lõng tên Trò tại đèo Keo Chóng, địa điểm giáp với hai xã Nậm Giải và Hạnh Dịch, khi chúng trên đường "đi chợ" về.
Súng đạn thu được của Lý Bá Trò và cái chế của hắn.
Hôm đó là ngày 15/6/2006, sau 3 tiếng luồn rừng trong đêm từ trung tâm xã Nậm Giải, các chiến sỹ biên phòng mới tới đèo Keo Chóng. Tới điểm mai phục khi trời vừa sáng tỏ, theo kế hoạch, mỗi điểm mai phục, lực lượng truy bắt bố trí những tay súng giởi, sẵn sàng nhả đạn nếu lệnh chiêu hàng bị Trò và các chiến hữu phản kháng. Theo nguồn tin trinh sát hôm đó Trò và đồng bọn sẽ rút về đường này sau khi chuẩn bị một chuyến hàng mới thế nhưng càng chờ càng không thấy đâu. Rừng tối nhanh dù mới 17h khiến cho các trinh sát lòng ai cũng như có lửa. Đang lúc sự nóng ruột lên tới đỉnh điểm thì từ phía xa có tiếng chân người lạo xạo. Trò và tên đệ tử xuất hiện.
Chờ cho chúng đi vào nơi phục kích, lệnh chiêu hàng tức tốc được phát ra nhưng khi loa gọi hàng vừa cất lên, Trò đã giương súng bắn thẳng. Một loạt đạn khô khốc vang lên, xé toang rừng chiều tĩnh lặng. Biết không thể "nói chuyện suông" với kẻ khét tiếng tàn bạo này, lệnh nổ súng được lực lượng truy bắt thực thi. Chỉ sau một loạt đạn, thân hình cao lớn của Lỳ Pá Trò đã đổ gục. Tên tháp tùng Mùa Nhìa Dì vội vàng tháo chạy nhưng vừa chạm chân đến đường biên thì bị bắt. Chuyên án tiêu diệt ông trùm Lý Pá Trò kết thúc, ngay tại “chiến trường”, các chiến sỹ biên phòng thu được một khẩu súng AK, 18 viên đạn, 3 sim điện thoại, 20 hộp đựng heroin và nhiều vật dụng khác. Bao nhiêu năm gieo rắc cái chết trắng cả một vùng rộng lớn ở Quế Phong, cuối cùng ông trùm Lỳ Pá Trò cũng phải đền tội.
(Còn nữa)