Phục vụ bệnh nhân cũng phải có … “võ”
Hầu hết các điều dưỡng, hộ lý làm việc ở bệnh viện Phong Văn Môn đều xác định phải coi những bệnh nhân như bố mẹ mình bởi tâm lý của bệnh nhân vào đây rất phức tạp, có những người cho rằng “mình chẳng còn gì để mất” nên tha hồ hạnh họe điều dưỡng cho “bõ công”. Chị Đào Thị Nhuần – Điều dưỡng trưởng ở BV cho biết, nhiều bệnh nhân rất ngang, ban đầu họ rất trân trọng những người bên cạnh giúp đỡ mình hàng ngày, nhưng khi có tuổi rồi, bệnh nhân bắt đầu trở chứng, họ quay sang gây khó dễ cho các điều dưỡng, hộ lý. Họ còn mặc nhiên cho rằng "nhờ có họ, các hộ lý mới có công việc để làm” nên mặc sức hành hạ.
“Trước mỗi tình huống ấy, chị em lại phải nhắc nhau coi mình như con cháu họ, để họ mặc sức sai bảo, sau đấy mới nhỏ nhẹ, khuyên nhủ để các cụ nguôi ngoai” – chị Nhuấn cho biết cách đối phó mỗi khi các cụ trở chứng. Rồi chị hạ giọng, nửa đùa nửa thật thì thầm: “Chúng tôi ở đây đều phải có “võ” để đối phó với những bênh nhân trái tính đấy, không thì không ai có thể gắn bó lâu dài với BV được”. “Võ” ở đây đôi khi chỉ là cách để các cụ vui lòng tự vệ chính thân thể của mình khi các cụ vẫn còn một tay có thể làm việc được. “Võ” ở đây có thể là tâm sự để một cụ ông đã mù 2 mắt, hỏng 2 tay chịu “dẹp” hết các đồ dùng điện trong phòng (được người nhà chu cấp) chỉ vì ông thường xuyên phải làm việc bằng mọi giác quan có thể bởi nhiều lúc vừa tắm cho cụ này lại phải để mắt đến cụ khác, nếu không có cụ sẽ tự bò xuống sân (để sau đó các hộ lý lại phải “nịnh” rất nhiều cụ mới cho khênh lên phòng)…
Ở làng phong, có khoảng 20 cụ bệnh nhân nặng có dấu hiệu loạn thần tuổi già, hễ cứ thấy có hộ lý xuất hiện là các cụ chửi. Ban đầu chỉ có một cụ, nhưng rồi như một sóng âm thanh lan truyền, nhiều cụ trong cùng dãy nhà, cũng lên tiếng chửi. Không chỉ chửi, các cụ còn lấy bát, đũa gõ vào cửa để… gọi nhau. Và các cụ dãy khác nghe thấy tiếng cũng hòa cùng dàn âm thanh. Trước mỗi trận “cuồng phong” này, các hộ lý chỉ còn biết đứng im chịu trận, để mặc các cụ chửi cho sướng miệng rồi thôi. Nhiều khi áp lực lớn quá, các hộ lý điều dưỡng yêu cầu ban lãnh đạo BV phải có quy chế để hạn chế việc chửi bới nhưng cuối cùng chính họ lại phải chịu trận vì không thể ra quy định với những người đã không còn khả năng tự kiểm soát.
Đây chỉ là hai trong số những việc… hết sức vô lý diễn ra hàng ngày ở làng phong, đòi hỏi những hộ lý, điều dưỡng ở đây phải tận tình và có lòng yêu thương, đồng cảm với những hoàn cảnh éo le của bệnh nhân mới vượt qua được. Có những hộ lý còn bị bệnh nhân tấn công bất thình lình, không kịp chạy chỉ vì bị cụ “khóa trái cửa”. Còn chuyện đòi ăn ngay khi vừa ăn cơm xong, đòi uống thuốc vài lần trong ngày là… chuyện thường.
Giám đốc cũng phải đi.. xin
Chị Hà Thị Nhuần cho biết, ngày mới bỏ làm nông nghiệp, đi học rồi về BV làm việc, chồng chị không đồng tình. Nhưng vì đã từng sinh sống trong làng, biết công việc mà những hộ lý, điều dưỡng ở đây phải làm, quan trọng nhất, chị thực sự thấu hiểu, muốn chia sẻ với bệnh nhân nên chị quyết tâm theo đuổi công việc ở làng phong. Chị Nhuần tâm sự: “Ngày nào từ BV về tôi cũng phải chuẩn bị sẵn một câu chuyện vui trong làng kể cho chồng con nghe, để họ thấu hiểu và chia sẻ với công việc của tôi”. Dần dần thành quen, chồng con chị cũng đồng cảm với bệnh nhân phong. Nhưng sau gần chục năm làm việc ở làng phong, giờ phải đối diện với những cụ trái tính, trái nết, chị gần như không dám kể gì mỗi khi ở nhà, chị lặng lẽ cùng các chị em động viên nhau làm tròn trách nhiệm của mình.
Mỗi bệnh nhân là một số phận đầy nước mắt
Ở BV Phong Văn Môn, không ai không biết chuyện Phó Giám đốc Nguyễn Thị Thái đã cống hiến gần trọn cuộc đời làm nghề của mình cho BV. Ban đầu chị học y sĩ rồi quay về phục vụ cho BV. Càng làm càng thấy đồng cảm và muốn gắn bó với bệnh nhân phong nên chị khẳng định quyết tâm muốn ở lại BV bằng việc xin đi học lên bác sĩ để có chuyên môn tốt hơn về phục vụ bệnh nhân. Chị bảo bây giờ, nhìn cụ nào có tổn thương phong bao nhiêu phần trăm, chị thuộc lầu lầu. Chị còn nắm rõ, ngoài bệnh phong, cụ nào còn mắc bệnh tuổi già gì như nằm trong lòng bàn tay của chị. Hỏi chị: “Sao còn chưa nghĩ tới chuyện riêng của mình”, chị hồn hậu: “Cũng không hiểu duyên số của tôi thế nào, chắc sẽ dành cả đời mình cho làng phong thôi”. Cũng có nhiều người để ý, tìm hiểu nhưng khi biết chị đang làm ở làng phong, họ đều lảng ra. Có thể họ chưa đủ yêu chị để vượt lên quan điểm của người đời về làng phong và những con người gắn bó với làng phong. “Thôi thì cứ lấy việc chăm sóc, chia sẻ với bệnh nhân làm niềm vui, là lẽ sống” – chị tâm sự.
Bác sĩ, Giám đốc Nguyễn Thế Bê chia sẻ: “Nói thật, để gắn bó được với BV đặc thù như Văn Môn, nếu không có tâm huyết và tấm lòng yêu thương bệnh nhân, không ai có thể làm việc ở nơi này. Bởi ở BV, ngoài lương ra, không còn một thu nhập thêm nào khác. Hiện BV thiếu bác sĩ trầm trọng vì không bác sĩ nào muốn về dù chúng tôi có chỉ tiêu tuyền hàng năm. Mình cũng hiểu cho các bác sĩ thôi, vì với một bác sĩ mới ra trường, làm ở các phòng khám cũng đã được khoảng chục triệu một tháng, lại không bị mang tiếng làm ở trại phong. Đã từng có những bác sĩ “bỏ của chạy lấy người” khi quyết tâm rời BV rồi đấy”. Dù đã cố tình hài hước khi nói về chuyện tìm kiếm bác sĩ về làm việc ở BV nhưng chúng tôi vẫn thấy nét buồn hiện trên gương mặt ông.
Câu chuyện Giám đốc BV trực tiếp vận động, đi xin đồ đạc, phục vụ cho cán bộ và bệnh nhân là chuyện… thường ngày ở huyện. “Tôi cứ thấy thiếu là tôi xin thôi. Ngân sách eo hẹp, tận dụng được cái gì là mình tận dụng. Đi xin cho mọi người, cho người bệnh nhân nên tôi thấy rất thoải mái, không có gì phải e ngại cả” – Giám đốc Nguyến Thế Bê cho biết.