Làng Cựu – nơi tập trung nhiều biệt thự cổ nhất
Làng Cựu, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội từ lâu nổi danh với hàng chục ngôi biệt thự cổ sang trọng kiểu Pháp được xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ XX.
Theo như kể lại, xưa làng Cựu bao quanh là đồng chiêm trũng quanh năm cấy một vụ trăm bề khó khăn. Năm 1921, hỏa hoạn xảy ra thiêu trụi nửa làng. Không cam chịu ngồi không bó gối, những người nông dân khăn gói tỏa đi tứ xứ tìm kế sinh nhai, mưu sinh kiếm sống.
Dân làng Cựu phất lên nhờ nghề may. Những đôi bàn tay chai sạm cuốc cày vốn chỉ quen việc đồng áng bỗng một ngày trở thành “đôi tay vàng” cầm kéo cắt may nên những bộ vét, bộ đầm tân thời cho người Pháp và lớp người giàu có ở Hà Nội. Vì thế mà dân làng Cựu chẳng mấy chốc nổi tiếng với nghề may đồ Tây. Nhiều người làm ăn khấm khá, có của ăn của để nên đổ về làng xây nhà cao cửa rộng.
Cổng làng Cựu rêu phong, bề thế. (Ảnh: TTX)
Thời đó lối kiến trúc Pháp nổi tiếng ở Hà Nội và Hải Phòng đều được người dân trong làng đem về xây dựng những ngôi nhà của mình, cho nên tất cả những ngôi nhà trong làng đều mang dáng dấp của lối kiến trúc cổ Pháp.
Dạo quanh làng Cựu chúng ta sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi quá nhiều biệt thự với những kiến trúc độc đáo. Đặc biệt nhất là nhà cụ Phó Du xây dựng năm 1929 thuộc diện sớm nhất làng nổi tiếng với hình con tôm đắp nổi rất đẹp ở trước cổng. Còn nhà ông Xã Vinh lại nổi tiếng có lối kiến trúc cầu kỳ với ngõ vào thênh thang lát đá tảng xanh, cổng trang trí kiểu sơn thủy hữu tình, trên có hình hoa đào, tôm hùm, lân, phượng, câu đối khắc chữ Nho.
Những hoa văn trang trí mang đậm nét kiến trúc phương Tây trên ngôi nhà cổ xây từ năm 1929 của cụ Phó Du. (Ảnh: TTX)
Ngoài ra, những tòa biệt thự ở làng Cựu dường như đều mang những đặc điểm riêng phù hợp với tính cách của từng gia đình. Điểm chung là trước cổng nhà nào cũng treo hoành phi, câu đối.
Thời gian đã bào mòn đi những đường sơn đẹp, giờ bao quanh tường trong những ngôi biệt thự là màu rêu phong, điều đó không làm mờ đi lối kiến trúc cổ xưa độc đáo và giá trị cho mỗi ngôi biệt thự.
Biệt thự cổ 1B Đặng Thái Thân - “mái hồi lợp vẩy” đầu tiên ở Việt Nam
Phố Đặng Thái Thân dài 204m, đi từ phố Phạm Ngũ Lão đến phố Lê Thánh Tông, thuộc phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Xưa phố thuộc Tổng Tả Túc huyện Thọ Xương. Khi thực dân Pháp xâm lược triều đình nhà Nguyễn buộc phải dâng cho Pháp. Tại đây, Pháp đã xây tòa lãnh sự.
Thời Pháp thuộc, phố có tên Rue Laubarède. Từ sau cách mạng tháng Tám, phố được mang tên Đặng Thái Thân.
Tòa biệt thự này ra đời năm 1886, ra đời trước cả cầu Long Biên và Nhà hát lớn.
Hình ảnh ngôi biệt thự cũ (Ảnh: Internet)
Hình ảnh của ngôi biệt thự ngày nay (Ảnh: Internet)
Với diện tích diện tích 1.097m2 cách đây vài năm ngôi biệt thự đã có giá hơn 300 tỷ đồng, tương đương với hơn 300 triệu/m2 đất.
Lối kiến trúc Pháp hiện đại, cổ kính nhưng không kém phần sang trọng đã tạo cho ngôi biệt thực một dấu ấn rất riêng. Mái nhà lợp ngói, các góc mái uốn cong lên và kết thúc bởi đầu đao theo kiểu kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Hệ cửa thường có gờ bao quanh, phía trên có ô văng dốc lợp ngói để che mưa nắng. Các hoạ tiết kiểu Á Đông được xử dụngđể trang trí các mảng tường, cửa sổ, lan can hay con sơn đỡ mái. Những biệt thự loại này đều có nét duyên dáng riêng phù hợp với khí hậu và cảnh quan địa phương, mỗi khi nhắc đến nó là những người yêu kiến trúc, quan tâm tới lối kiến trúc cổ của biệt thự Pháp đều biết đến nó. Ngôi biệt thự được vinh danh là “mái hồi lợp vẩy” đầu tiên ở Việt Nam.
Biệt thự Schneider đại diện cho các ngôi biệt thự Tân cổ điển sớm nhất
Trong thời kỳ khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1887 – 1918) người Pháp đã bắt đầu xây dựng Hà Nội theo mô hình Phương Tây. Những trục đường lớn được tổ chức theo bố cục không gian Châu Âu tạo ra hệ thống tuyến phố kiểu ô cờ đầu tiên ở Hà Nội và khu phố Tây cũng bắt đầu hình thành. Nhà cửa ở khu vực này ban đầu chưa phát triển nhiều và cũng chưa có đặc điểm gì rõ nét, tuy nhiên một số biệt thự lớn dành cho quan chức và thương gia người Pháp đã bắt đầu được xây dựng.
Biệt thự của Henri Schneider - một thương gia Pháp
Những ngôi biệt thự theo phong cách Tân cổ điển của Pháp đa phần có diện tích lớn, không gian rộng bên trên thường được bố trí 3 tầng và tuân theo các quy luật khắt khe của trục đối xứng. Các biệt thự theo phong cách này do có diện tích lớn nên diện tích sân vườn, khuôn viên không rộng trừ biệt thự Schneider trong trường Chu Văn An. Do nằm trên diện tích rộng biệt thự Schneider có hệ thống cây xanh được thiết kế rất chăm chút: Từ thảm cỏ, các loại cây thân thảo tầng thấp đến các loại cây thân mộc tầng cao đều được bố trí một cách hết sức tinh tế.
Ngày nay đến thăm biệt thự cổ Schneider chúng ta không khỏi ngạc nhiên bởi đã trải qua hơn 1 thế kỷ và được tọa lạc trong ngôi trường có bề dày lịch sử không chỉ nổi tiếng về kiến trúc mà còn nổi tiếng về tinh thần dạy và học, cũng như truyền thống yêu nước hàng thế kỷ.
Ngôi biệt thự tọa lạc trong trường Chu Văn An
Từ sân thượng của biệt thự có thể ngắm được Hồ Tây và khung cảnh ven hồ. Cùng với các ngôi biệt thự theo phong cách Tân cổ điển là những ngôi biệt thự mang phong cách Tân cổ điển duy lý, Tân cổ điển thuần khiết và Tân cổ điển đế chế nằm rải rác khắp các phố của Thủ đô Hà Nội.
Những ngôi biệt thự cổ ở Hà Nội có lẽ là những nét văn hóa đặc biệt nhất còn in đậm dấu ấn của một thời Việt - Pháp. Hầu hết ở những khu phố lớn của Hà Nội đều còn tồn tại những tòa biệt thự cổ với nhiều phong cách và lối kiến trúc khác nhau. Nét cổ kính của những ngôi biệt thự hòa cùng lối sống thanh lịch của người Hà Nội tạo nên một Hà Nội ấn tượng, đẹp và lạ trong mắt bạn bè quốc tế.
Còn nhiều điều rất thú vị, những "cái nhất" ở Hà Nội rất bổ ích mà có thể bạn chưa biết? Đón đọc kỳ cuối vào Thứ 4 (30/8) lúc 9h15 trên Xahoi.com.vn. |
Còn nữa...