1. Thịt trâu gác bếp – Sơn La
Thịt trâu gác bếp là một món ăn quý của người Thái đen (Sơn La). Từng thớ thịt trâu nâu hồng ngon mắt, vừa dai dai của thịt, vừa có mùi hăng hắc, cay cay của khói bếp lâu ngày, cuối cùng đọng lại nơi đầu lưỡi là vị ngọt đặc biệt. Đây chắc chắn là món ăn nên thử khi có dịp khám phá núi đồi Tây Bắc.
Thịt trâu gác bếp là món đặc sản lâu đời của người dân tộc miền núi phía Bắc
2. Thịt chua Phú Thọ
Thịt chua được làm từ hai thành phần chính là thịt lợn và thính gạo rang, tuy nhiên hương vị độc đáo của thịt lại đến từ vị chua dịu nhẹ, rất thanh khi thịt được lên men một cách tự nhiên. Đây là món ăn thường ngày của người dân tộc Mường, thịt chua được ăn kèm với các loại lá như lá mơ, đinh lăng, lá sung, rau húng... và chấm với mắm cay.
Thịt chua là món ăn có mặt trong đời sống hàng ngày và cả những mâm tiệc, cỗ
3. Bún thang Hà Nội
Hà Nội nổi tiếng với nhiều món ăn ngon, nhưng món ăn thanh nhã, tinh tế nhất phải kể đến bún thang. Bún thang được làm từ các loại nguyên liệu tôm khô, thịt gà, giò lụa, trứng muối, củ cải... Đây là món được ăn quanh năm, nhưng ngon nhất là ăn vào dịp sau Tết, khi đã quá ngấy với các loại thịt cá, bánh kẹo... Bún thang ăn với mắm tôm, thêm một vài giọt tinh dầu cà cuống sẽ dậy mùi thơm khó cưỡng.
Bún thang là món ăn chứa đựng sự tinh tế trong văn hóa ẩm thực người Hà Nội
4. Bánh đậu xanh Hải Dương
Đã có mặt từ rất lâu đời, bánh đậu xanh góp vào nền ẩm thực Việt Nam một hương vị đặc biệt. bánh được làm từ đậu xanh xay nhuyễn, trộn đường và mỡ, nhưng không hề ngấy mà trái lại, thơm tho, ngọt dịu thanh tao. Bánh đậu xanh kèm với tách trà nóng chính là cách thưởng thức món bánh sang trọng. lich lãm này.
Bánh đậu xanh là món đặc sản đến từ vùng đất Hải Dương
5. Nem chua Thanh Hóa
Nem chua được làm từ thịt lợn xay nhỏ, bì lợn giòn giòn cùng với ớt và tỏi, tất cả được gói chung trong lớp lá chuối tươi xanh. Bóc lớp vỏ lá bên ngoài, chiếc nem nhỏ bằng ngón tay, màu hồng hồng hiện ra thích mắt. Nem chua ăn kèm với lá đinh lăng là một món ngon miễn chê.
Nem chua là đặc sản nổi tiếng của Thanh Hóa
6. Cơm hến Huế
Cơm hến là thứ đặc sản chỉ có ở Huế và chỉ ăn ở Huế mới thấy ngon. Cơm nguội bình thường trộn với các nguyên liệu cũng đơn giản như: hến, nước luộc hến, da lợn chiên giòn, ruốc, tương ớt, tiêu, tỏi, đậu phộng rang, muối mè... ăn kèm rau sống tạo nên món ăn rất đặc trưng, mang đậm phong cách Huế.
Món cơm hến đơn giản nhưng hương vị lại rất đậm đà
7. Mỳ Quảng
Những tô mỳ thơm ngon, tỏa mùi nước hầm xương ngọt thanh, cùng cọng mỳ trắng ngà, mềm mại với miếng bánh đa giòn tan bùi bùi luôn níu chân du khách mỗi khi ghé thăm Quảng Nam. Món mỳ nhưng không quá nhiều nước, lại kèm thêm đậu phộng rang bùi bùi, miếng trứng gà luộc vàng tươi mang đến hương vị khó quên cho thực khách.
Mỳ Quảng là món ăn "gây thương nhớ" nhiều nhất cho du khách tới Quảng Nam
8. Cơm tấm Sài Gòn
Cơm tấm là một món ăn rất phổ biến ở Sài Gòn. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp quán cơm tám ở bất kỳ con đường nào trong thành phố. Một đĩa cơm tấm với sườn, bì, chả, trứng ốp kèm thêm dưa góp, rau thơm... đã là một bữa trưa hoàn hảo trên mảnh đất đắt đỏ này.
Đĩa cơm tấm đầy đặn sẽ cho bạn một bữa trưa ngon miệng và no căng
9. Kẹo dừa Bến Tre
Đặc sản của “xứ dừa” Bến Tre không gì khác chính là kẹo dừa, không một du khách nào đến đây quên mang một vài gói kẹo dừa “chính hãng” về làm quà cho gia đình. Kẹo dừa béo béo, ngậy ngậy, cuốn bên ngoài là lớp bánh tráng mỏng như tờ giấy, người không biết sẽ bóc lớp bánh tráng bỏ đi, nhưng cách ăn kẹo dừa ngon nhất là để lớp bánh tan trong miệng, sau đó mới thưởng thức hương vị của viên kẹo.
Kẹo dừa béo ngậy là đặc sản Bến Tre
Ẩm thực Việt Nam như một kho tàng khổng lồ với những món ăn đa dạng và cách chế biến hấp dẫn. Tuy thế, mỗi vùng đất lại có các món đặc sản mà chỉ cần gọi tên, người ta cũng biết ngay xuất xứ.