Những lưu ý quan trọng trước kỳ thi THPT quốc gia 2016

Thí sinh nên đến các điểm thi để cán bộ coi thi hướng dẫn làm thủ tục và nhận thẻ dự thi sáng 30-6.

Đó là lưu ý đầu tiên của đoàn công tác Bộ GD&ĐT trong đợt kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ THPT quốc gia 2016 tại các cụm thi khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL cuối tuần qua.

Nắm kỹ nội quy để tránh sơ sót

Ngày đầu tiên làm thủ tục dự thi rất quan trọng đối với các thí sinh. Bởi đây là khâu cần thiết để thí sinh điều chỉnh các sai sót về họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, đối tượng ưu tiên có thể bị nhầm lẫn trong quá trình nhập liệu. Ngoài ra, các môn thi như toán, văn có nhiều thí sinh đăng ký, ngược lại có môn số thí sinh đăng ký ít, các điểm thi sẽ có sự điều chỉnh phòng thi. Do vậy thí sinh không nên lơ là vắng mặt ngày đầu tiên để nắm chắc lịch thi, môn thi và địa điểm, phòng thi chính xác để có tâm lý ổn định khi làm bài thi.

Thí sinh cần đến điểm thi trước thời gian quy định khoảng 30 phút, nếu đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi buổi thi đó. Ngoài ra, khi vào phòng thi thí sinh phải trình thẻ dự thi cho cán bộ coi thi và chỉ được mang vào phòng bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn thi địa lý (do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì); các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.

Thí sinh không được mang vào phòng thi vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, đồ uống có cồn, giấy than, bút xóa, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi.

Trước khi làm bài thi, phải ghi đầy đủ số báo danh (cả phần chữ và phần số) vào đề thi, giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN), giấy nháp. Không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì trừ vẽ đường tròn bằng compa và tô các ô trên phiếu TLTN; chỉ được viết bằng một thứ mực (không được dùng mực màu đỏ). Bảo quản bài thi nguyên vẹn, tránh bị người khác lợi dụng. Nếu phát hiện có người khác xâm hại đến bài thi của mình phải báo cáo ngay cho cán bộ coi thi để xử lý.

Khi nộp bài thi phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào phiếu thu bài thi. Không làm được bài cũng phải nộp tờ giấy thi, phiếu TLTN. Không nộp giấy nháp. Phải làm bài thi trên phiếu TLTN được in sẵn theo quy định của Bộ GD&ĐT...

Thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia tại TP.HCM năm 2013. Ảnh: N.TH

Công tác chuẩn bị chu đáo, thông suốt

Tại TP.HCM, đến nay công tác chuẩn bị về mặt cơ sở vật chất, an toàn, an ninh cho gần 70 điểm thi trên địa bàn TP cơ bản đã hoàn tất. Các trường ĐH chủ trì cụm thi và Sở GD&ĐT TP.HCM đã phối hợp để huy động tối đa lực lượng cán bộ coi thi theo quy định. Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia TP đã làm việc với các đơn vị liên quan nhằm đảm bảo cao nhất các yếu tố an ninh trật tự, y tế, giao thông, điện lực… cho kỳ thi vào tháng 7 tới. Hiện giấy báo thi đang được Sở GD&ĐT gửi đến thí sinh. Chậm nhất ngày 25-6, tất cả thí sinh sẽ nhận được giấy báo thi.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết cụm thi TP.HCM khá lớn nhưng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cụm thi ĐH được phân công với Sở GD&ĐT TP, chắc chắn công tác từ tổ chức thi, coi thi đến chấm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 của TP sẽ đi vào trật tự, an toàn và đảm bảo tính công bằng, chính xác.

Các tỉnh lo mất cân đối chỗ ăn ở

Tỉnh Bến Tre có hai loại cụm thi, cụm thi xét tuyển CĐ, ĐH do Trường ĐH Luật TP.HCM chủ trì có 7.416 thí sinh dự thi; cụm thi tốt nghiệp có 2.377 thí sinh dự thi do Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre chủ trì

Về công tác chuẩn bị, PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, băn khoăn hiện Nam Bộ đang vào mùa mưa, thời tiết rất dễ xảy ra giông bão, mất điện. Đáng lưu ý, trường phụ trách chín điểm thi, trong đó có năm điểm không có máy phát điện dự phòng. Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre cho biết TP chỉ có vài ngàn chỗ trọ trong khi thí sinh và phụ huynh đi thi hơn 10.000 người, lo sẽ quá tải. Còn tại tỉnh Tiền Giang, tỉnh chỉ tổ chức một loại cụm thi ĐH cho 11.695 thí sinh với 11 điểm thi. Địa phương này cho biết công tác hỗ trợ thí sinh trước và trong kỳ thi khá tốt. Cụ thể Trường ĐH Tiền Giang tiếp nhận hỗ trợ 15.000 suất cơm và nước suối miễn phí cho thí sinh. Tỉnh cũng huy động gần 800 chỗ ở miễn phí, gần 4.000 chỗ trọ giá rẻ và tại các ký túc xá giá 10.000-20.000 đồng/người/ngày. Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức xe đưa đón thí sinh đến các điểm thi.

Ban chỉ đạo các cụm thi cần lưu ý nhu cầu chỗ trọ cho thí sinh. Không để thí sinh tập trung về các TP dự thi mà không có chỗ nghỉ ngơi, ngủ vật vờ ngoài đường sẽ không bảo đảm sức khỏe để làm bài thi tốt. Riêng những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, nằm trong vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, Đoàn thanh niên các tỉnh cần có phương án hỗ trợ cho các em đi thi, không để em nào vì khó khăn mà bỏ kỳ thi.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT BÙI VĂN GA