Trong số đó, tim mạch là bệnh lý không chỉ khiến thai phụ lo lắng mà cả chuyên gia y tế cũng hết sức thận trọng nếu gặp phải trong thai kì.
Những thay đổi ở tim khi mang thai
ThS -BS Võ Thanh Liên Anh, Trưởng khoa Lâm sàng - Khoa Sinh sản hỗ trợ, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, cho biết bệnh tim là 1 trong những nguyên nhân gây tử vong mẹ trong thai kỳ. Biến chứng do bệnh lí tim mạch gây ra chiếm khoảng 0.4-4% thai kì trên toàn thế giới. Theo đó, khi mang thai, cơ thể người phụ nữ thay đổi nhiều về tâm lý, giải phẫu, sinh lý, sinh hoá, huyết học, nội tiết, tuần hoàn… Trong đó, có những thay đổi sinh lý của hệ thống tim mạch như:
Ảnh minh họa
- Thể tích máu tăng 40-50%
- Nhịp tim tăng 10-15 nhịp/ phút
- Cung lượng tim (là khối lượng máu được tim bơm ra trong mỗi phút) tăng khoảng 20% ở tuần thứ 8 và tăng khoảng 40-50% ở tuần 20-28 của thai kỳ. Điều này dẫn đến nhịp tim tăng.
- Chuyển dạ lại 1 lần nữa làm tăng cung lượng tim thêm 15% ở giai đoạn tiềm thời và 50% ở giai đoạn tích cực. Nguyên nhân là do kết hợp của hiện tượng dồn 300-500 ml máu vào tuần hoàn mỗi khi tử cung co thắt, đồng thời thêm sự kích thích giao cảm do lo lắng và đau.
- Sau sinh, tử cung co bóp lại dồn máu thêm vào tuần hoàn, tiếp tục lại làm tăng thêm gánh nặng cho tim.
Những nguy cơ có thể xảy ra
Với những thay đổi nói trên cho thấy, quả tim phải tăng hoạt động rất nhiều trong thai kì. BS Liên Anh phân tích: khi có thai, ngoài việc nuôi dưỡng bản thân, cơ thể người mẹ còn phải cung cấp ôxy và các chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng thai nhi. Với những người khoẻ mạnh, quả tim của họ thích ứng được với những sự thay đổi khi có thai một cách dễ dàng. Thế nhưng, những sản phụ bị bệnh tim mạch thì thai nghén trở thành một gánh nặng và suy tim có thể xảy ra trong thai kì, lúc sInh hoặc thời kì hậu sản.
Tùy theo tình trạng sức khỏe và bệnh tim mạch đang có, người mẹ có thể gặp các nguy cơ khác nhau trong thai kỳ. Thậm chí, một số tình trạng bệnh lý quá nặng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người mẹ khi mang thai như suy tim độ III, IV, hội chứng Eisenmenger , hẹp khít van 2 lá chưa phẫu thuật…BS có thể khuyến cáo BN tránh có thai hoặc gián đoạn thai kỳ.
Trong trường hợp đã mang thai, sản phụ cần được khám lâm sàng càng sớm càng tốt bởi ê kíp phối hợp BS sản, BS tim mạch, BS gây mê. Mục tiêu là tối ưu hóa tình trạng bà mẹ trong thai kỳ (sử dụng thuốc β blocker hay giãn động mạch phổi trong trường hợp thích hợp). Nếu mẹ có suy tim có thể điều trị an toàn với thuốc lợi tiểu, digoxin, hydralazine, nitrates. Điều quan trọng là cần lên kế hoạch sinh ở một cở sở y tế có đầy đủ trang thiết bị và nhân lực.
Những điều BN nên làm
Bên cạnh sự kiểm soát của chuyên gia y tế, bản thân BN cũng phải ý thức tình trạng bệnh của mình, phối hợp tốt với bác sĩ bằng cách:
Uống đúng thuốc theo chỉ định BS
Tái khám định kỳ đúng hẹn để phòng tránh, phát hiện và điều trị kịp thời tình trạng thiếu máu, nhiễm khuẩn hoặc suy tim mất bù.
Hạn chế hoạt động, một số tình trạng bệnh lý cần nghỉ ngơi tại giường hoàn toàn nếu BS yêu cầu.
Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, không nên ăn mặn, hạn chế tăng cân quá mức.
Thư giãn, tránh lo âu
Phòng ngừa huyết khối: khi ngồi, cần tránh thói quen bắt chéo chân, cần thay đổi tư thế thường xuyên, luân phiên co duỗi 2 chân, thỉnh thoảng đi lại để máu dễ hồi lưu về tim, có thể mang vớ y khoa…
Chuyên gia sản khoa đưa ra lời khuyên: tốt nhất, với phụ nữ mắc bệnh tim mạch cần được BS chẩn đoán và đánh giá toàn diện, tư vấn nguy cơ của thai kì trên bệnh tim của người bệnh, trước khi quyết định mang thai hay không.