Vẫn không ngừng tay quấy mẻ tương mới ra mốc, bà Lại một người chuyên làm tương ở xã Cao Xá (Lâm Thao) tâm sự: "Nghề làm tương khó giàu lắm bác ơi, nhưng thúc thắc làm cũng có đồng ra, đồng vào, lúc nào cũng có việc". Chẳng riêng gì nhà bà Lại, mà hầu hết những hộ tham gia sản xuất tương trong xã từ khi được công nhận làng nghề đều như vậy. Tuy số hộ làm tương không tăng nhiều nhưng các nhà đều tăng sản lượng, sản phẩm được bán ở nhiều nơi đã tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Đây là nét tiêu biểu của số đông các làng nghề trên địa bàn tỉnh sau mấy năm phát triển và được cấp bằng công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề.
Sản phẩm tương ở Cao Xá (Lâm Thao) được nhiều khách hàng ưa chuộng. Hiện nay, sản phẩm được bán ở nhiều nơi góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Ảnh: Phương Thanh
Hiện nay cả tỉnh đã có trên 30 làng được cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn làng nghề, trong đó hầu hết là chế biến nông, lâm sản. Từ những làng được công nhận khởi đầu là đan lát Đỗ Xuyên, làm nón Sai Nga, làm bánh, bún Hùng Lô, đan sọt Ngô Xá, mộc Dư Ba, Minh Đức, Phú Hà… đến nay trên địa bàn tỉnh có thêm một số làng chế biến chè, làm đá ganito.
Làng tương Cao Xá dù có từ lâu đời nhưng nghề làm tương chỉ gói gọn trong vài chục hộ dân ở khu 15,16,17. Khởi đầu người ta làm tương dùng trong gia đình và bán ở chợ phiên, dần dà mở rộng ra quanh vùng. Từ khi được công nhận làng nghề, tương Cao Xá đã theo chân khách hàng đi xa, từ đó tạo điều kiện cho làng nghề phát triển thu hút hơn 120 lao động tham gia, mỗi năm sản xuất 15-20 ngàn lít tương thu về vài ba tỷ đồng. Tuy giá trị chưa lớn nhưng đã giải quyết việc làm, thu nhập thường xuyên cho gần 100 hộ dân, quan trọng hơn là ngày mưa, cũng như ngày nắng gần như lúc nào người làm tương từ già đến trẻ cũng có việc.
Làng nghề đan lát ở xã Hoàng Xá (huyện Thanh Thuỷ) cũng vậy, mỗi ngày lợi nhuận từ nghề đan chúm tôm mang lại không cao, song lúc nào người dân cũng có việc. Hàng tháng gia đình có thu nhập thấp cũng được từ 500.000-700.000 đồng, hộ nhiều thu một vài triệu trở lên. Góp gió thành bão, đồng tiền nhỏ đã giải quyết rất nhiều cho sinh hoạt hàng ngày trong nhà, nhất là việc nuôi con cái học hành. Tận dụng thời gian và lao động là nét đặc trưng lớn nhất của làng nghề. Những nơi có nghề thủ công toàn bộ lao động, kể cả các cháu nhỏ, người già đều có thể tham gia, từ đó tạo ra thu nhập.
Theo đánh giá các làng nghề trên địa bàn tỉnh mỗi năm đã đạt giá trị sản lượng hàng trăm tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Những làng nghề phát triển tương đối khá, có sức sống tốt là những làng tìm được đầu ra của sản phẩm như đan cót, chế biến chè, mộc, tương, bánh, bún. Từ ngành nghề truyền thống một số người đã vươn lên mở mang cơ ngơi sản xuất ra địa bàn khác, đầu tư thêm máy móc, thiết bị, nhà xưởng, thậm chí vươn ra lập đại lý sản xuất, bán sản phẩm, thu mua nguyên liệu.
Bên cạnh ưu điểm lớn là giải quyết việc làm , tạo ra sản phẩm thì một vấn đề dễ thấy nhất là các làng nghề của tỉnh quy mô nhỏ, khó phát triển. Đơn cử như làng sọt Ngô Xá (Cẩm Khê). Làng được công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề từ hơn chục năm nay, nhưng các sản phẩm đan lát nói chung, đan sọt nói riêng đều không mở rộng được , thậm chí còn có nguy cơ mai một. Nguyên nhân là do sản phẩm chỉ phù hợp và thích ứng với giai đoạn thị trường cần sọt làm bao bì đựng chuối xanh xuất khẩu đi Trung Quốc và do một vài đầu mối chắp nối tiêu thụ. Khi nhu cầu thị trường thay đổi, đầu mối không chắp nối được là kéo theo cả làng mất nghề. Làng mộc Minh Đức (huyện Tam Nông), làng chế biến nông sản Hùng Lô (thành phố Việt Trì), rồi một loạt các làng đan lát ở Thanh Ba, Hạ Hoà… cũng trong hoàn cảnh tương tự. Bởi sản phẩm truyền thống làm ra hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường, khi thị trường bị ách tắc thì các hộ làm nghề cũng “chết” theo.
Một nguyên nhân nữa là thu nhập từ làng nghề không cao nên khó thu hút được lao động trẻ. Ngay tại làng nghề tương Cao Xá hiện nay được xếp vào diện phát triển, mở mang sau khi được công nhận nhưng cũng khó tìm được lao động thanh niên, chủ yếu là phụ nữ, người già thực hiện. Một số làng nghề chế biến chè, làm đá ganito, làm mộc có mở mang, phát triển khá hơn song số lượng lao động không nhiều, chủ yếu là con, cháu trong gia đình, dòng tộc do thị trường bó hẹp, sản phẩm không có tên tuổi, thương hiệu khó nâng cao sản lượng. Hiện nay, trên thị trường có nhiều cơ sở mộc bán sản phẩm cao cấp, nhưng sản phẩm vẫn phải mang danh giữa hàng sản xuất nội tại với đồ gỗ Đồng Kỵ, Nam Hà, Hà Nội… Những làng có sản phẩm “truyền thống” rất khó thay đổi mẫu mã, tăng sản lượng như: Các làng nghề đan lát chúm tôm, cụp lờ - dụng cụ cho khai thác thủy sản ở Thanh Thủy, Thanh Ba đối tượng phục vụ chủ yếu vẫn là các hộ dân đơm cá, bắt tôm vùng thủy điện Hòa Bình, Thác Bà và một số ao, đầm, có chăng chỉ là “đổi mới" công đoạn vót nan, dây buộc. Đây là một thực tế thách thức với rất nhiều làng nghề của tỉnh phát triển tự phát, thiếu căn cơ, sản phẩm thủ công chậm đổi mới, thị trường thu hẹp. Từ đó cũng đặt ra vấn đề thất truyền và khó phát triển nghề truyền thống.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và PTNT đã có những đánh giá và định hướng về làng nghề trong nông thôn. Trước mắt không xem xét để công nhận thêm làng nghề khi phát triển chưa thật vững chắc. Việc nhân cấy nghề, phát triển làng nghề cũng sẽ tính toán cẩn thận, không chạy theo mục tiêu “Mỗi làng một nghề”, huyện có nhiều làng nghề. Tập trung củng cố, phát triển những làng nghề đã được công nhận, trong đó hướng vào những làng có tiềm năng, lợi thế như các làng chế biến nông sản, làm mộc, làm chè. Trong phát triển chú trọng chuyển giao nghề, ổn định sản phẩm, thị trường gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu làng nghề, hướng làng nghề vào quy hoạch phát triển nông thôn mới.