Những đứa trẻ theo mẹ vào tù không hề buồn, vì chúng còn quá nhỏ để cảm nhận được cuộc sống “rắc rối” trong môi trường tù tội.
Ai dám chắc rằng, cuộc đời của những đứa trẻ có mẹ ở tù rồi sẽ vui? |
Chúng chỉ biết theo mẹ để được yêu thương, chăm sóc. Nhưng ai dám chắc rằng, cuộc đời của những đứa trẻ có mẹ ở tù rồi sẽ vui?
Nhà giữ trẻ và bảo mẫu sau song sắt
Tiếng ru ầu ơ phát ra từ Khu giam giữ phạm nhân nữ, Phân trại 1 thuộc Trại giam Thủ Đức, Hàm Tân, Bình Thuận (Z30D) nghe buồn não ruột. Tiếng ru ấy là của các bảo mẫu đang thụ án giữ con cho bạn tù nữ đi lao động. Tuy chỉ có 1 lớp học và khoảng 5 “cô giáo” thay phiên nhau chăm sóc, dạy dỗ 14 đứa trẻ con của các phạm nhân, nhưng căn phòng cũng rất bài bản với những tủ đồ dùng học tập của các bé được ghi tên đầy đủ và rất ngăn nắp. Trên tường được trang trí những hình ảnh vui tươi, gắn liền với những ước mơ trẻ thơ như những lớp học bình thường khác.
Phạm nhân, bảo mẫu Nguyễn Thị Thệ (SN 1976, quê Bình Thuận) cho biết: “Vì tôi cải tạo tốt nên được giao giữ các bé. Hàng ngày được chăm sóc, dạy dỗ các bé khiến lòng tôi ấm lại và đỡ nhớ con ở quê nhà. Mong ước duy nhất của tôi là cải tạo thật tốt để được giảm án, sớm trở về với con”.
Lớp học trong Trại giam Thủ Đức
Vì mới sinh con vào ngày 17/10/2012, phạm nhân Trương Kim Nào (SN 1980, ngụ huyện Phú Tân, An Giang) được hưởng chế độ nghỉ hộ sản như những phụ nữ bình thường khác. Đứa con trai của Kim Nào được đặt tên là Trương Võ Vũ Luân. Vì mê cải lương nên cha của bé là Võ Vũ Linh đặt tên con trai của mình theo tên nghệ sĩ cải lương.
Ôm con vào lòng, Kim Nào nghẹn ngào: “Vì nghèo khổ và thiếu hiểu biết, suốt ngày cắm đầu vào ruộng đồng nên khi nghe lời rủ rê, dụ ngọt của kẻ xấu mà tôi phạm tội mua bán ma túy tổng hợp. Cứ nghĩ kinh doanh vài chuyến để kiếm chút tiền, ai ngờ bị bắt. Ngày bị bắt, tôi còn không biết mình mang thai. Giờ sinh con trong tù, tôi thấy thương nó quá”.
Trớ trêu như trường hợp của phạm nhân Lê Thị Dung (SN 1988, quê ở Thanh Hóa), có thai với người tình gần 6 tháng nhưng vẫn hành nghề mại dâm. Ngày 12/3/2010, trong một lần vi phạm pháp luật ở cửa khẩu Lào Cai, Dung bị bắt quả tang và bị kết án 10 năm tù giam. Thằng con trai Phan Huỳnh An An là kết quả của cuộc tình không hôn thú. Nghe tin Dung sinh con trong tù, cha của đứa bé cũng tìm đến thăm vài lần, nhưng không hề có ý định rước con về nuôi. Dung cười buồn: “Em lầm lỗi thì em chịu. Thương con lắm nhưng nhờ có con bên cạnh cũng được an ủi phần nào. Cán bộ ở đây rất thương và hay đùa giỡn với các con của phạm nhân, các bé thường được ẵm về nhà “bộ” chơi nên rất thích. Nhờ vậy mà những người mẹ như chúng tôi cảm thấy không bị xa cách”. Bé An An rất bụ bẫm và lanh lợi, nhưng mẹ của bé chỉ mới “đi” 1/4 quãng đường tù tội, không biết rồi cuộc đời của bé sẽ ra sao?
Trăn trở cùng những đứa trẻ “đặc biệt”
14 đứa trẻ trong trại giam là 14 phận đời gắn liền với những tháng năm tù tội của mẹ chúng. Theo chính sách nhân đạo của Nhà nước, những đứa trẻ theo mẹ vào tù được chăm sóc, dạy dỗ và được hưởng đầy đủ các chế độ như những đứa trẻ bình thường khác. Nhưng trong môi trường tù tội, hàng ngày phải tiếp xúc với những phạm nhân, nếu như gặp phải những người “thiếu ý thức” trong cách phát ngôn và hành xử, chắc chắn rằng những đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng tâm sinh lý rất nhiều. Bởi, chúng như tờ giấy trắng đang trong quá trình quan sát, học hỏi, tiếp thu những gì xung quanh.
Theo trung tá Đoàn Văn Phú - cán bộ giáo dục Phân trại 1 - thì: “Chính sách nhân đạo của Nhà nước đã cho phép các nữ phạm nhân có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, không người nuôi dưỡng được mang con vào trại. Để tạo điều kiện cho các cháu, trại đã bố trí khu riêng biệt cho các phạm nhân nữ có con nhỏ theo mẹ với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, đảm bảo yêu cầu sạch, đẹp, thoáng mát. Con của nữ phạm nhân còn được thêm suất ăn, tiền trong các ngày lễ, Tết. Những phạm nhân nữ trong thời kỳ nuôi con nhỏ cũng được hưởng đầy đủ chế độ chính sách nghỉ dưỡng như những bà mẹ bình thường khác”.
Những chính sách tốt đẹp ấy đã giúp các phạm nhân nữ có con theo mẹ an tâm chấp hành án tốt. Nhưng thật lòng, các cán bộ ở Trại giam Thủ Đức rất trăn trở khi nghĩ đến thân phận các bé sau này. Bởi, không đâu tốt hơn cho trẻ bằng việc được chăm sóc, vui chơi, học hành trong gia đình và môi trường xã hội lành mạnh. Nhưng đa số những trường hợp đem con vào tù là do những hoàn cảnh đặc biệt như: phạm tội trong thời gian mang thai; không còn thân nhân để nuôi dưỡng con nhỏ, hoặc gia đình, thân nhân của họ quá nghèo khổ, từ chối nhận nuôi trẻ.
Theo quy định chung của pháp luật, trại giam chỉ được phép nuôi dưỡng những đứa trẻ cho đến khi tròn 36 tháng tuổi. Qua khỏi tuổi này, các bà mẹ còn thụ án phải tìm cách gởi con về địa phương cho thân nhân tiếp tục nuôi dưỡng. Trường hợp những đứa trẻ không còn thân nhân nhận nuôi, bắt buộc những người có trách nhiệm trong trại giam phải lo hồ sơ gởi trẻ vào các trung tâm bảo trợ xã hội, để các trẻ được giáo dục và có điều kiện học tập. Đã có 5 trẻ được đưa về cho người thân ở địa phương nuôi dưỡng. Hiện ở trại có 14 trẻ đang sống với mẹ. Trong đó, có 8 cháu trai và 6 cháu gái, đứa lớn nhất gần 3 tuổi, đứa nhỏ nhất vừa tròn tháng.
Điều đau lòng nhất là bản án mà mẹ chúng đang chấp hành, có người lãnh 15 năm tù, có trường hợp lãnh án chung thân. Ngần ấy thời gian, cũng là ngần ấy năm những đứa trẻ phải sống trong những năm tháng vất vả, bơ vơ vì thiếu sự chăm sóc, thiếu vòng tay ấm của mẹ.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?