Dưới gốc cây đa tỏa bóng xum xuê là tượng phật Di Lặc đang tọa trên đài sen, miệng nở nụ cười hiền hòa. Cây đa luôn được phủ kín bởi những dải lụa hồng.
Cây đa “thiêng” trên đồi Mộng Mơ |
Điểm đến kỳ thú
Gốc cây đa có đức Phật Di Lặc tọa lạc mà chúng tôi muốn nói đến là “Cây đa tình yêu”, “Cây đa tài lộc” nằm trong khu du lịch đồi Mộng Mơ (thuộc thung lũng Tình Yêu nổi tiếng của Đà Lạt, Lâm Đồng).
Khu du lịch này được ra đời từ ngày TP. Đà Lạt kỷ niệm tròn 100 năm tuổi (1993) và nơi đây nhanh chóng trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách. Và, trong vài năm gần đây, điểm đến khu du lịch Đồi Mộng Mơ càng hút chân người ta khi ngay trong khu du lịch này tọa lạc “Cây tình yêu – cây tài lộc” để mọi người đến và dâng lời nguyện ước.Nhiều du khách khi đến đây cùng với dải lụa màu hồng và màu đỏ thắm có ghi cẩn thận lời nguyện ước, ngồi trước đức Phật Di Lặc thành kính khấn vái rồi sau đó tung dải lụa lên cây “cho đất trời linh thiêng mang lời nguyện cầu vào cõi thiền thiên thu”.
Nhiều người luôn tự hỏi, cây đa thiêng ấy đến từ đâu, ai đã trồng nó ở đây? Tại sao lại là cây đa mà không là cây bồ đề như thuyết giáo nhà Phật? Viện trưởng Thích Viên Thanh (Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, Viện chủ Thiền viện Vạn Hạnh) cho biết: “Tôi có biết cây đa trên đồi Mộng Mơ Đà Lạt. Có lẽ, người đời vịn vào câu một dân gian rằng “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề” và cùng với thuyết “Từ Thị” (tên của phật Di Lặc), tức là “người có lòng từ” mà “hình thành” biểu tượng đức phật Di Lặc ngồi gốc cây đa ban phước lành cho chúng sinh ở trên đồi Mộng Mơ ấy chăng?”.
Vậy, hình ảnh đức phật Di Lặc ngồi dưới gốc cây đa thiêng trong Thung lũng Tình Yêu bắt nguồn từ đâu? Mang câu hỏi này đến gặp trực tiếp những người quản lý khu du lịch Đồi Mộng Mơ, thành thật mà nói thì không thể tìm thấy câu trả lời một cách đầy đủ nhưng dẫu sao thì qua đó, chúng tôi cũng hiểu thêm phần nào những chuyện “không huyền thoại” xung quanh cây đa thiêng này.
Anh Nguyễn Thành Trung, Phó phòng tổng hợp của Công ty Thành Ngọc, một cán bộ còn khá trẻ, sẵn lòng đưa tôi lên đồi đến tận cây đa thiêng nhưng anh chàng lại… thú thật trên đường đi rằng: “Em không biết gì về cái cây đa ấy đâu anh ơi! Chỉ biết là hằng ngày, du khách khi đến tham quan đồi Mộng Mơ này thường hay mua hai dải lụa ghi lời ước của mình lên đó rồi treo trên cây, thế thôi”.
Những dải lụa ước nguyện tràn ra cả những nhánh cây phía ngoài
Không tìm được câu trả lời thỏa đáng, tôi lại cậy nhờ đến chị Võ Thị Hồng Loan, một cán bộ vừa nghỉ hưu nhưng là người từng phụ trách khu du lịch này nhiều năm. Chị Loan nói: “Tôi không rõ là trước đây ai đã trồng cái cây đa ấy đâu anh ạ! Tuy nhiên, 'Cây tình yêu và tài lộc' để đưa vào kinh doanh du lịch như hiện nay tại thung lũng Tình Yêu chính là sản phẩm của một số cán bộ quản lý Công ty Thanh Ngọc và Khu du lịch Đồi Mộng Mơ.
Cách nay 5 hay 7 năm gì đó, khi đi tham quan ở nước ngoài, đặc biệt là các nước châu Á, có người đã để ý và thấy rằng ngay trong khu du lịch, không ít du khách tìm đến để còn thỏa mãn nhu cầu về tâm linh của mình bằng cách treo những dải lụa lên cây. Về lại đồi Mộng Mơ ở Đà Lạt, bất ngờ chúng tôi phát hiện ra một cây đa xum xuê đã được ai đó trồng trên đồi tự bao giờ. Nhìn quanh cả mấy quả đồi rộng lớn, chỉ thấy thông và những cây rừng khác chứ không chỗ nào có cây đa cả! Và thế là ý tưởng 'Cây tình yêu và tài lộc' được hình thành”.
Tượng phật Di Lặc tọa dưới gốc đa
Sở cầu như ý, hạnh phúc bền lâu
Dưới gốc đa thiêng này cũng lắm điều thú vị cần khám phá. Như chị Loan đã nói, bởi không biết ai đã trồng cây đa ấy và trồng vào năm nào nên khó mà nói một cách chính xác rằng tuổi của cây là bao nhiêu năm.Theo quan sát của chúng tôi thì cây đa duy nhất trên đồi Mộng Mơ ấy có chiều cao không dưới 5m và tán phủ phải trên 5m. “Trời mưa to cỡ nào đi nữa, đứng dưới gốc cây cũng không ướt đâu, anh à!”, một cô gái mà tôi quên hỏi tên phụ trách quầy hàng tạp hóa và hàng lưu niệm kế bên gốc đa đã “khoe” như thế.Chúng tôi hỏi: “Em cũng là người bán mấy cái dải lụa cầu may này hả?”. Cô nhanh nhảu: “Thì vâng! Cứ mỗi cặp hồng – đỏ như thế này là 12.000 đồng. Mua xong, du khách viết điều ước tại chỗ rồi treo hoặc quẳng lên cây. Thế là điều ước ấy đã được thần Di Lặc chứng giám!”.
Lại hỏi: “Cái cây này là giống cây gì, em?”. Trả lời nhanh: “Cây đa giống Hong Kong đấy anh à! Nghe nói, ở Đà Lạt này chỉ duy nhất ở đây có giống đa Hong Kong ấy. Mà cũng có chỉ mỗi một cây thôi”.Hỏi tiếp: “Du khách họ thường ước những gì trên hai dải lụa này?”. “Đến đây, có hai điều cầu ước, đó là tình duyên và tài lộc. Dải lụa màu hồng dùng để ước nguyện tình duyên, hạnh phúc… Còn dải màu đỏ là cầu tài lộc, công danh…”.
Trên dải lụa ước nguyện có in logô của Công ty Thành Ngọc
Chúng tôi lại tha thẩn ra gốc đa thiêng đặc kín những dải lụa màu hồng và đỏ. Với tay kéo một dải lụa màu hồng ngay trước mặt, chúng tôi đọc được: “Hôm nay, ngày 1/9/2012 (tức ngày 16 tháng 7 âm lịch), con tên là Phan Thị Th. (chúng tôi xin được viết tắt tên), sinh ngày 26.9.1988 (âm lịch), quê quán Yên Nhân, Yên Mỗ, Ninh Bình. Người yêu con tên là Phạm Văn B. (20.10.1988). Con gửi lời cầu ước đến các ngài hãy phù hộ cho tình yêu của chúng con mãi mãi hạnh phúc, cùng nhau đi hết cuộc đời, cho dù cuộc sống có nhiều thử thách…”.
Một dải lụa màu hồng khác: “Ông xã Huỳnh Công B. (1984), bà xã Nguyễn Thị Kim A. (1985), được yêu thương nhau suốt đời, gia đình hạnh phúc”.Cũng có một lời “ước” khác của một cô gái: “Con tên Nguyễn Thị H., sinh 1981, Tân Dậu, cầu năm nay lấy được chồng như ý”… Và những lời cầu chúc không chỉ cho riêng mình mà là “Cầu chúc mọi người sống vui vẻ, mạnh khỏe, tốt đẹp”.
“Em đã gửi 'lời' lên cây rồi!”
Thậm chí, có dải lụa còn ghi nội dung cầu tự của một đôi vợ chồng có tên là Nguyễn Thị Ph. và Hoàng Ngọc Kh. ở tận tổ 9, Chùa Hang, TN (Thái Nguyên - PV) rằng: “Cầu mong sớm sinh con, gia đình hạnh phúc…”.Không chỉ có người Việt ở khắp mọi miền đến đây khấn cầu mà cây đa thiêng có đức phật Di Lặc tọa dưới gốc còn “cõng” trên lưng những lời ước nguyện của rất nhiều người là du khách nước ngoài viết bằng tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Anh… và cả tiếng Lào, tiếng Campuchia nữa.
“Ngay cả những người nước ngoài ấy cũng rất tin vào gốc đa thiêng này. Có người sau nhiều năm quay lại còn bảo rằng vợ chồng họ đã sinh được con sau khi đi du lịch ở Việt Nam, đến Đà Lạt và gửi lời ước của mình lên cây đa”, cô gái bán hàng kể thêm.Thế đấy, cây đa tỏa bóng cả một góc trời trên một quả đồi trong thung lũng Tình Yêu của thành phố du lịch Đà Lạt này bỗng chốc trở thành một cây thiêng trong lòng nhiều người và cũng bỗng chốc… gánh vác trên vai biết bao mơ ước, bao lời nguyện cầu và cả những ưu tư.
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%