Chốn linh thiêng
Theo truyền thuyết, vào năm 628 sau Công nguyên, có hai anh em nhà Hinokuma làm nghề đánh cá trên sông đã “lưới” được một tượng Phật bà Quan âm bé xíu, cao khoảng 6 cm. Sau khi bàn bạc, anh em họ thả tượng Phật về dòng sông, thế nhưng hình như định mệnh, vài hôm sau họ lại “lưới” phải bức tượng lần nữa. Đang lúng túng không biết xử trí thế nào, già làng Hajino Nakamoto chợt nhận ra điều gì đó như thiên định, không phải ngẫu nhiên, về sự xuất hiện của tượng Phật trên mảnh đất này. Thế là ông tự nguyện hiến một phần căn nhà của mình để làm nơi thờ tượng Phật.
Chùa Asakusa Kannon - Ảnh: Đoàn Xuân Hải
Kể từ khi lập đền thờ tượng Phật Quan âm, số lượng đạo hữu đến viếng ngày một đông vì sự linh thiêng, ứng nghiệm của ngôi đền. Đến năm 645 đền Asakusa Kannon (gọi chùa Quan âm cũng được vì chữ Kannon trong tiếng Nhật có nghĩa là Phật Quan âm) được xây dựng thành diện mạo như ngày nay, trở thành ngôi đền xưa nhất Tokyo. Trong thời gian diễn ra Chiến tranh thế giới lần 2, Tokyo nói chung và khu vực đền Asakusa Kannon bị bom đạn tàn phá dữ dội. Những gì bạn thấy hiện nay ở khu vực này phần lớn được tái thiết sau chiến tranh, từ thập niên 1950 và 1960. Đó là một quần thể gồm nhiều công trình kiến trúc mang đậm nét văn hóa Nhật Bản.
Trước khi vào đền cúng Phật, du khách thường trải qua công đoạn xông hương để cầu phúc và xua tan điều rủi từ một lư trầm nghi ngút khói, đặt ở chính diện ngôi đền. Khá đông đạo hữu hồ hởi trải qua công đoạn này, từ em học sinh đến người lớn tuổi, vui nhất là có cả du khách phương Tây tò mò đưa mặt vào... ngửi khói với nhiều xúc cảm khác nhau. Như đã nói, vì tượng Phật Quan âm trong đền bé xíu mà khách hành hương thì lại quá đông nên muốn chiêm ngưỡng được bức tượng, bạn phải tỏ mắt và nhất là cần kiên nhẫn một chút. Sau khi đã toại nguyện biểu lộ lòng thành với Phật, mời bạn bước sang bên kia cổng Hozomon để tham quan một thế giới khác.
Phố mua sắm Nakamise Dori - Ảnh: Đoàn Xuân Hải
Náo nhiệt phố mua sắm
Con phố này có tên Nakamise Dori, nằm giữa 2 cổng Hozomon và Kaminarimon, hình thành vào giữa thế kỷ 17, có độ dài khoảng 300m nhưng lại tập trung đến gần 100 gian hàng chạy dọc hai bên, khá chật chội. Phố xá chật chội đến mức khách đi bộ cứ san sát vào nhau mà di chuyển. Khu phố này bán 2 loại mặt hàng chính: quà lưu niệm và thức ăn nhanh. Bạn có thể tìm mua rất nhiều chủng loại quà Nhật Bản tại đây, từ thanh kiếm samurai, áo kimono, quạt tranh, đồ gốm sứ, giày dép, thú nhồi bông… cho đến bánh kẹo, kem, nước giải khát, rong biển… made in Japan. Tuy nhiên, có một số mặt hàng mà nếu soi kỹ, bạn sẽ phát hiện ra nó có xuất xứ từ Trung Quốc. Ấy vậy mà giá cả chẳng rẻ chút nào, vì giá sinh hoạt ở Tokyo nói riêng và toàn nước Nhật nói chung khá đắt đỏ. Thiết nghĩ du khách cũng nên biết thêm điều này: hàng hóa ở Nhật Bản niêm yết giá như thế nào bán như thế ấy, miễn trả giá.
Trong một không gian “chật như nêm” vậy mà ai cũng muốn hòa mình vào để thưởng thức cái không khí náo nhiệt của phố chợ hấp dẫn thuộc vào loại số 1 ở Tokyo này. Sự náo nhiệt của phố Nakamise Dori còn được bổ sung thêm phần tươi vui, “mát mẻ” bởi các thiếu nữ Nhật Bản “trình diễn” đủ thứ loại thời trang dạo phố táo bạo mà thoạt nhìn, bạn sẽ không ngờ họ cũng vừa bước vào đền viếng Phật đi ra. Giới trẻ Nhật ngày nay hình như không có khái niệm ăn mặc “kín cổng cao tường” khi đến tham quan đền chùa như ở Việt Nam. Thậm chí tìm đỏ con mắt cũng chẳng thấy một tà áo kimono nào tại đây. Người lớn tuổi cũng xem đó là “chuyện thường ngày ở Nhật”. Nước Nhật cổ kính và hiện đại hòa lẫn vào nhau một cách khá tự nhiên theo thời gian là vậy.
Nếu đến khu phố cổ này vào dịp mùa hoa anh đào nở rộ (cuối tháng 3, đầu tháng 4 hằng năm) hoặc đúng dịp lễ hội diễn ra, chắc chắn bạn sẽ có những khoảnh khắc đáng nhớ về một nét sinh hoạt đậm đà bản sắc Nhật Bản, nằm lọt thỏm trong một Tokyo hiện đại, đông đúc nhưng trật tự và sạch sẽ vào hạng số 1 thế giới.