Nhưng, hơn cả phận "trai ốc" bé mọn, tôi đi tìm họ- những người một nắng hai sương giữa mênh mang sóng nước Hồ Tây để đưa con trai, con ốc lên bờ!
Từ 5 giờ sáng, mặt nước Hồ Tây nhộn nhịp, cuộc ngụp lặn của những người mò trai bắt ốc bắt đầu. Họ ngâm mình dưới nước đến trưa, lúc đó ở trên bờ người mua buôn cũng đã tụ về điểm hẹn ngóng đợi.
Tôi ngồi trên bờ cùng chị Xiêm. Hôm nay, chị không xuống nước được vì bữa trước sơ ý dẫm phải mảnh thuỷ tinh. Thấy tôi nhìn vết thương có vẻ e ngại, chị cười nhẹ bảo: Đã làm nghề này thì tránh sao được chuyện sứt chân, trầy da. Mà chân của người mò trai ốc cũng có mắt đấy, nó biết tránh những chỗ nguy hiểm, chứ không thì... Chị không nói hết câu, mắt đăm đắm nhìn về xa hút phía bên kia hồ. Tôi cũng im lặng theo.
Công việc của các chị cũng có lúc ngưng nghỉ, một đôi lần lên bờ trút trai ốc từ chiếc giỏ đeo bên hông, cũng là giây phút được nghỉ giải lao. Ngâm mình dưới nước vài giờ đồng hồ nên chóng đói, họ tranh thủ họ ăn lót dạ, người mang cơm nắm, người mua vội cái bánh hay nắm xôi của những người bán dạo quanh bờ.
Hồ Tây rộng lòng thảo ngọt với những kiếp đời lam lũ.
Phút thư thái của anh Điền
Những người mò trai ốc nói rằng, vì phải ngâm mình lâu dưới nước nên phải ăn nhiều nước mắm để phòng cảm lạnh. Bữa ăn của họ thường không có canh, ăn khô cho chắc bụng.
Mang danh là Điền "trai ốc", anh rất được mọi người trong nghề tin cậy, nhất là cánh nữ. Xong việc dưới nước, anh giúp chị em thu gom hàng và trực tiếp anh đưa đi đến những cửa hàng kinh doanh thuỷ sản, có khi là các nhà hàng. Anh bảo như thế tránh được cảnh phải bán non ngay trên bờ, giá vừa bèo lại bị ép.
Anh Điền quê ở Quảng Xương, Thanh Hoá, ngày mới ra Hà Nội anh làm nghề bán báo, đi dọc ngang phố phường mòn chân dẫn anh tới Hồ Tây. Anh kể: "Mình thấy Hồ Tây rộng quá, tôm cá cua ốc chắc nhiều, nên bỏ nghề bán báo dạo để xuống nước tìm may mắn. Bây giờ thì quen nước rồi, thấy Hồ Tây cũng như... ao nhà mình".
Theo anh Điền, bắt ốc có thể mò tay hoặc bằng đánh giậm, việc này phụ nữ thường hay làm vì công việc cần sự cần cù, nhẫn nại. Bắt trai không khó nhưng phải giỏi bơi nên cánh đàn ông có lợi thế hơn. Những con trai to thường nằm ở hố vũng sâu hay lẩn trong bùn. Không như những người đi câu, nghề mò trai ốc không chia thứ hạng hay tranh giành thư hùng, có lẽ do cùng cảnh ngộ nên họ dễ đồng cảm với nhau. Anh Điền bảo đã hơn chục năm gắn chặt với sóng nước Hồ Tây, anh chưa từng gặp cảnh xô xát chia vùng làm ăn của những người làm nghề bắt trai ốc ở đây bao giờ.
Khi nghe tôi hỏi về "hàng thật hàng giả" ở cái chợ thuỷ sản tự phát mọc trên bờ Hồ Tây mỗi khi chiều xuống, đoạn góc phố Lạc Long Quân và đường hồ mới kè. Chợ mọc từ 4 giờ chiều cho tới khi trời nhá nhem trở về tối. Thôi thì đủ cả con bống con tôm, cái trai, cái ốc... Những người bán hàng có khi vẫn vận luôn bộ quần áo từ dưới nước đi lên. Chẳng cần phải mời chào nhiều, tự khắc khách hàng tìm tới. Ở đấy, người mua muốn mua cho bằng được hàng trai ốc Hồ Tây đích thực và người bán một trăm phần trăm một mực quả quyết rằng hàng họ bán là trai ốc Hồ Tây xịn. Nghe tôi hỏi, anh Điền cười vui kể rằng: "Sau Tết Nguyên đán vừa rồi, tôi rủ mấy người bạn ở quê ra Hà Nội chơi cốt để đãi một chầu ốc nóng, cháo trai liền tìm đến ăn ở một quán gần hồ. Gần hồ thật đấy mà con trai lại từ đâu mang tới chứ chẳng phải là con trai Hồ Tây, tôi bắt nó từ dưới nước lên tôi có còn lạ gì".
Tôi hỏi, con trai Hồ Tây có gì riêng biệt. “Trai Hồ Tây béo ngầy ngậy, giòn mà lại bùi bùi, không như trai ở nơi khác dai và ra nhiều nước- anh Điền cười vang - Trai Hồ Tây là thương hiệu đấy”.
Trai ốc Hồ Tây rồi đây có thể chỉ còn là hoài niệm.
Một hoài niệm
Ông bạn già của tôi, hoạ sĩ Đặng Đình, nhà ở Quảng An mào đầu chuyện sóng nước Hồ Gươm bằng cách lẩy một câu ca dao:
“Anh đi chợ Bưởi hôm qua
Mua trai, mua ốc làm quà tặng em”
Rồi ông kể về "tuổi thơ trai ốc" thuở nào của mình. Khi ấy Hồ Tây rộng lắm, còn có cả "đàn sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời" nữa kia, muốn ăn bữa trai ốc thật dễ dàng chỉ cần lội xuống mép nước vài bước chân là có thể nhặt và chọn những con trai bằng thích. Có những con trai to bằng hai bàn tay người lớn, bể ra thịt trai để đầy phè cái đĩa tây. Một con trai có thể vừa xào lá răm với khế, lại vừa nấu được một nồi cháo đặc ngậy(!). Hoạ sĩ Đặng Đình còn kể đã hơn một lần ông bắt được những con trai cụ có ngọc tròn lấp lánh như những hòn bi thuỷ tinh.
Sau một hồi hoài niệm mặn mòi, gương mặt ông giãn ra phấn chấn: Bây giờ thành phố cho kè xung quanh hồ rồi, mong rằng nước sẽ sạch trở lại, không còn những “vật thể lạ” hạ cánh xuống hồ. Trai ốc Hồ Tây sẽ không chỉ sống trong hoài niệm”.
Tôi kể ông nghe về những người đang mưu sinh trong sóng nước Hồ Tây mà tôi gặp mấy ngày gần đây. Ông chậm rãi: Có lạ gì đâu, chắc chắn từ buổi thiên tạo, Hồ Tây đã rộng lòng thảo ngọt với những cần lao. Hồ Tây giàu có lắm và Hồ Tây chưa để phụ lòng ai bao giờ.