Ngày 28/3, theo số liệu từ ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí tại Việt Nam phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố) thì tại TP Điện Biên Phủ, chỉ số chất lượng không kh í (AQI) ở mức rất có hại, thậm chí nguy hiểm (AQI trên 300). Cụ thể, điểm đo được đặt tại Trường Trung học cơ sở (THCS) Him Lam, TP Điện Biên Phủ có chỉ số AQI là 419 (mức nguy hiểm), tại xã Thanh Minh có chỉ số AQI là 270; Trường mầm non Nam Thanh có chỉ số AQI là 296.
Cũng theo PAM Air, nhiều khu vực của Tây Bắc như Lai Châu, Sơn La có chung tình trạng không khí ô nhiễm nghiêm trọng những ngày gần đây, nhiều điểm ô nhiễm ở mức cảnh báo màu nâu – mức rất nguy hại cho sức khỏe. Tại điểm đo thuộc Bản Lướt, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, chỉ số AQI đo được ở mức 196 (có hại cho sức khỏe), tất cả người dân bắt đầu cảm nhận được ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm sẽ chịu ảnh hưởng nặng hơn.
Nhiều tỉnh Tây Bắc xuất hiện mù khô, không khí ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo PAM Air, chỉ số AQI này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Người dân tại các khu vực trên nên chủ động bảo vệ sức khỏe của mình trước khi có các giải pháp hữu hiệu. Người dân cần phải thường xuyên cập nhật thông tin Chất lượng không khí từ các nguồn đáng tin cậy để chủ động bảo vệ sức khỏe khi ô nhiễm gia tăng. Đeo khẩu trang đạt chuẩn chống bụi mịn, ôm khít tối ưu, có gọng mũi và van thở lọc một chiều khi ra đường.
Đặc biệt những đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ em, phụ nữ có thai và bệnh nhân có vấn đề về hô hấp không nên ra ngoài vào thời điểm không khí ô nhiễm nặng nếu không cần thiết.
Theo PAMAir, tình trạng đốt rơm rạ và các vụ cháy rừng đang gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại nhiều tỉnh thành của Lào và ảnh hưởng đến một số tỉnh thành Tây Bắc Việt Nam. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào, tình trạng ô nhiễm không khí tới mức nguy hiểm được ghi nhận tại thủ đô Vientiane, các tỉnh Oudomxay, Luang Namtha, Bokeo... và đặc biệt là Luang Prabang. Mật độ bụi mịn tại các địa điểm này đã vượt ngưỡng an toàn.
Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) tình trạng ô nhiễm bụi trong không khí tại một số địa phương hiện nay đang có diễn biến xấu, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Mặt khác, do ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết giao mùa có nhiều biến động bất lợi, chênh lệch ngày, đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt... khiến khả năng khuếch tán các chất ô nhiễm trong không khí bị hạn chế, đặc biệt là bụi. Do đó, các địa phương cần tập trung nguồn lực tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm khói bụi trong không khí ; tổ chức kiểm tra, giám sát, yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lí khí thải đạt quy chuẩn kĩ thuật về môi trường.