Nhiều cầu tạm bị cuốn trôi, một số nơi cô lập trước bão số 3

Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, một số cầu tràn trên địa bàn huyện miền núi tỉnh Nghệ An nước đã ngập sâu, gây nguy hiểm cho người dân khi tham gia giao thông...

Ngày 18/7, ông Lang Xuân Chính, Chủ tịch UBND xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An cho biết, lũ từ rừng tràn về đã làm trôi cống, cắt ngang đoạn đường giao thông liên xã nên mọi hoạt động qua lại nơi đây bị chia cắt.

Sập cống ở xã Châu Bính.

Theo đó, vào tối 17/7, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa to liên tục khiến cho nước dâng cao, lũ về bất ngờ. Vì vậy, đoạn đường liên xã Châu Bính - Châu Tiến, huyện Quỳ Châu đã bị chia cắt. May mắn thời điểm này không có người đi lại nên không ai bị thương.

“Chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ và nhân dân làm cầu tạm để người và xe máy qua lại, đảm bảo lưu thông cho 5.000 dân của 2 xã”, ông Chính nói.

Đập tràn Khe Mọi đã ngập nước, vì vậy huyện Con Cuông ra lệnh cấm người và mọi phương tiện qua lại.

Tại huyện Con Cuông, do mưa lớn trong mấy ngày qua nên mực nước ở các khe suối đột ngột dâng cao làm nhiều cầu tạm bị cuốn trôi, chia cắt một số tuyến đường giao thông.

Trong đó, đập tràn nối liền 2 xã Môn Sơn và Lục Dạ, nước đã dâng lên và chảy xiết, gây nguy hiểm cho người đi qua. Đặc biệt, tại cầu tràn Khe Mọi thuộc địa phận bản Hồng Sơn, xã Lục Dạ (cầu nằm trên con đường liên xã đi từ thị trấn vào Yên Khê, Lục Dạ, Môn Sơn), mực nước dâng cao, giao thông bị chia cắt hoàn toàn.

Mực nước sông suối qua huyện Con Cuông đang lên rất cao, gây ngập lụt cục bộ.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, xã Lục Dạ đã huy động lực lượng công an, quân sự dựng barie, tạo rào chắn ngăn người dân không lưu thông khi nước lớn; đồng thời phân công người trực 24/24 cấm không cho người và phương tiện qua lại.

Riêng xã Cam Lâm, mưa lớn kèm theo nước chảy xiết đã làm cầu tạm qua bản Bạch Sơn bị hỏng, 80 hộ dân bị cô lập. Ngoài ra, điểm cầu tạm tại bản Thái Sơn đi Nam Sơn, xã Môn Sơn bị cuốn trôi hoàn toàn.

Cầu tràn xã Nghĩa Thịnh nước ngập sâu khoảng 1m.

Tại huyện Nghĩa Đàn, một số cầu tràn nước đã ngập sâu khiến nhiều xóm bản tạm thời bị cô lập.

Tại cầu tràn Dinh nối liền xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn và xã Nghĩa Xuân, Quỳ Hợp, nước ngập sâu trên mặt cầu 1,7m. Đây là đường đi lại của 11 xóm với trên 1.000 hộ dân.

Cầu tràn Hiếu, xã Nghĩa Thịnh đoạn KM92+B50, Quốc lộ 48E nối Nghĩa Thịnh với Nghĩa Hưng, nước ngập sâu khoảng 1m, nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. Trước tình hình này, UBND xã Nghĩa Thịnh đã lập hàng rào, biển báo cấm không để người dân qua đập tràn bị ngập.

Đường đi lại vào xã Nghĩa Hưng đã bị chia cắt.

Theo trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo trong 24 giờ tới, bão số 3 di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km. Như vậy khoảng chiều tối 18/7, vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh, sau đó bão sẽ đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Do ảnh hưởng của bão số 3, từ trưa 18/7, các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình sẽ có mưa rất to và kéo dài đến khoảng ngày 20/7 với lượng mưa phổ biến 100-300 mm/đợt, có nơi trên 350mm. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét ở vùng núi các tỉnh phía Bắc và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.