Viết xong tập nhật ký “Cuộc đời của mẹ”, “nhà văn” bán vé số Nguyễn Thị Sáng lấy tấm nilon quấn tập bản thảo treo lủng lẳng trên tường nhà cho khỏi ướt, chuột gián khỏi cắn. Ai vào trông thấy lạ cũng hỏi, chị bảo: "Cuộc đời của tôi đấy!". Ai tò mò muốn đọc, chị lại gỡ ra.
Mấy bà bán thịt, bán cá ngoài chợ cứ đọc vanh vách, đọc đến đâu hiểu đến đấy, nhưng những người có chút chữ nghĩa thì đọc không nổi. Đọc đến cả trang mà chẳng thấy có dấu chấm, phẩy nào, đến cả chục trang cũng chẳng có chỗ xuống dòng.
Có lúc "nhà văn" này hứng lên (hay nhớ ra) thì lại chấm, phẩy, xuống dòng liên tục. Có khi một câu đếm thấy vài dấu chấm, phẩy, chả biết đường nào mà hiểu được nội dung. Lỗi chính tả thì nhiều như châu chấu. Những chữ khó hầu như đều sai chính tả: "Nghều ngoào" thì viết thành "gều gào", "tuềnh toàng" thì lại thành "tềng tành", "luyên thuyên" lại ra "liên thiên"...
Tiểu thuyết Tình yêu thầm lặng của chị Nguyễn Thị Sáng.
Những ai dịch được văn của chị thì thấy cuốn nhật ký rất hấp dẫn, sinh động. Số phận của nhân vật cũng chính là số phận của tác giả cuốn nhật ký, khiến người đọc không kìm được nước mắt. Vậy là, từ bấy, cuốn nhật ký viết tay của chị chuyền tay hết người nọ đến người kia. Cả khu chợ cạnh "xóm liều" nơi chị trú ngụ đều say mê đọc, bình luận, rồi nước mắt lã chã thương người đàn bà hàng ngày vẫn quét chợ, dọn rác.
Mọi người góp tiền giúp chị thuê đánh máy cuốn nhật ký. Mục đích là để người đánh máy họ chấm, phẩy, xuống dòng, sửa lỗi chính tả cho dễ đọc.
Chị Ái Liên, cán bộ ở khu phố, từng là TNXP nghỉ hưu, mở hiệu đánh máy chữ. Chị Sáng đem tập bản bảo đến đánh máy. Con gái chị Liên là sinh viên Đại học Sư phạm Vinh đang nghỉ hè nên thay mẹ vừa đánh máy vừa "dịch tiếng ta ra tiếng Việt" ròng rã suốt một tuần mới xong.
Cô sinh viên khen văn chương hay nên đưa cho mẹ đọc. Chị Liên vừa đọc vừa khóc vì thương người đồng đội trong cuốn nhật ký. Chị Liên đã đến gặp chị Sáng và bảo: "Em viết về cuộc đời mình nhưng như một tiểu thuyết hay. Em nên gửi cho Nhà xuất bản Thanh Niên để in thành sách cho bạn đọc hiểu về thế hệ TNXP chúng mình thiệt thòi như thế nào. Nếu em gửi đi thì chị không những không lấy tiền đánh máy mà biếu em thêm 30.000 đồng tiền cước để em gửi theo đường bảo đảm".
Một tháng sau ngày gửi bản thảo, chị Sáng nhận được thư của Đại tá, nhà văn Quân đội Đinh Khánh Vân. Ông nói rằng cuốn sách của chị đã được đưa vào kế hoạch xuất bản và ông đổi tên thành "Tình yêu thầm lặng". Thư nhà văn Đinh Khánh Vân rõ ràng như vậy, nhưng chị vẫn chưa dám tin và cũng không kể với ai. Chỉ đến khi Giám đốc NXB Cao Tiến Lê gửi thư về chị mới tin là sự thật.
Vài ngày sau, nhà văn Khánh Vân viết thư bảo chị ra Hà Nội nói chuyện. Chạy hết chỗ nọ đến chỗ kia mới vay nóng được 100.000 đồng, chị bắt xe ra Hà Nội. Đến NXB Thanh Niên thì hết giờ làm nên bảo vệ chỉ đến nhà riêng nhà văn Khánh Vân.
Từ ngày nổi tiếng, chị Sáng chuyển nghề viết thư tình, điếu văn, đơn kêu oan...
Nhà văn Khánh Vân dẫn chị đến gặp đạo diễn Mạnh Cường. Thì ra, nhà văn Khánh Vân thấy chuyện chị viết cảm động, đã chuyển bản thảo cho đạo diễn Mạnh Cường, ở Hãng phim Truyền hình Việt Nam, chuyển thể thành kịch bản để dựng phim. Bộ phim có tên là "Thầm lặng", dài 2 tập. Lúc bấy giờ, các nhà văn, những người làm phim vẫn không thể tin nổi cuộc đời của chị Sáng lại nghèo túng, rách rưới đến vậy.
Sau khi sách phát hành, rồi tái bản liên tục, chị có được mấy triệu bạc. Rồi tiền nhuận bút dựng phim 2 triệu đồng, Đài truyền hình Nghệ An phát lại phim cũng cho chị 2 triệu nữa.
Cuốn sách gây dư luận xúc động người dân thành Vinh khiến các cấp lãnh đạo cũng để ý quan tâm. Tổng cục Chính trị thưởng 1 triệu, UBND tỉnh Nghệ An thưởng 2 triệu đồng. Ngoài ra, còn có nhiều cách ủng hộ khác nữa.
Mấy đồng chí ở cơ quan giải phóng mặt bằng từng nhiều lần kéo đổ nhà chị thì bỏ tiền mua một lúc tới 40 cuốn sách. Có những trường học ở tận Bắc Ninh, Cà Mau... gửi tiền đặt mua tới 100 cuốn. Chị em hàng xáo ở chợ và bà con khu phố đều bỏ tiền mua sách của chị, rồi người cho năm chục, một trăm, người cho thịt, cho cá để chị bồi dưỡng có sức khỏe tiếp tục sáng tác.
Nhờ cuốn sách, chị đã có được mười mấy triệu đồng. Chị dựng tạm túp lều con con để có chỗ che mưa, che nắng, không phải sống dưới "mái nhà nilon" nữa. Hồi chị mới khánh thành ngôi nhà bé xíu, đạo diễn Mạnh Cường đi qua rẽ vào thăm, thấy ngôi nhà nhỏ mà rộng thênh thang, vì không có đồ đạc gì, anh liền mua chiếc tivi tặng chị.
Từ khi "nổi tiếng", chị Sáng không phải vất vả thức khuya dậy sớm luộc ốc nữa. Chị chuyển sang nghề bán vé số. Biệt danh "nhà văn bán ốc luộc" nay đã được đổi tên thành "nhà văn bán vé số". Ngoài việc bán vé số, chị còn sắm chiếc điện thoại để bàn kê ngay cạnh làm dịch vụ điện thoại.
Cũng từ khi nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết, chị đã trở thành "cây bút chuyên nghiệp" và chị thực sự sống được với nghề viết. Người dân khu phố, khắp thành Vinh, chủ yếu là những người lao động, ít học, không biết chữ, kéo đến nhờ chị viết hộ đủ thứ: thư tình, điếu văn, di chúc, đơn kiện, thư kêu oan, câu đối chúc thọ... Hoàn thành "tác phẩm", người ta trả cho chị 10-20.000 đồng. Khấm khá thì được 50.000 đồng, còn thông thường là vài củ khoai, cân gạo hoặc cân thịt.
Nếu viết thư tình chị tưởng tượng mình đang yêu, viết di chúc chị nghĩ mình sắp chết, viết đơn kêu oan chị nghĩ mình đang ngồi tù. Nghĩ thế nào, chị viết như vậy. Tất cả những đắng cay cuộc đời chị đều đã từng trải, chị cứ vận cuộc đời mình ra câu chữ nên những "tác phẩm" của chị đều có sức nặng, ai oán, da diết, gây xúc động lòng người...
Có gia đình, anh em, bố con đánh nhau vì tranh chấp đất cát, bà mẹ đến nhờ viết mấy lá thư bày tỏ nỗi niềm gửi cho từng người. Chị nghĩ đến cảnh bị giật đổ nhà, phải sống màn trời chiếu đất mà từng câu, từng chữ cứ quặn thắt, xuyên thấu ruột gan. Những người trong gia đình nọ đọc "lá thư bày tỏ nỗi niềm của mẹ" đã xin lỗi nhau, ôm nhau khóc, không tranh chấp đất cát gì nữa.
Có chị chồng bỏ vào Nam theo gái, nhờ "nhà văn” bán vé số viết thư cho chồng. Đời chị đã từng sống cảnh bị chồng ruồng bỏ theo gái khi hai đứa con còn lóc nhóc, nên chị vừa viết, vừa nghĩ đến cảnh mình, thành thử, từng trang thư thấm nước mắt của chị.
Người chồng đọc được thư, ba lô túi xách về nhà quỳ trước cửa thề thốt: "Đến bây giờ anh mới nhận ra em là một người vợ tuyệt vời biết chừng nào. Anh có bị đày xuống chín tầng địa ngục cũng không rửa hết được tội lỗi anh đã gây ra cho mẹ con em. Anh phải hy sinh hết cuộc đời này mới mong hóa kiếp được". Chị kia sung sướng quá, tặng chị Sáng 100.000 đồng. Trừ cuốn tiểu thuyết, đây có lẽ là số tiền lớn nhất mà chị kiếm được từ nghề viết.
Thi thoảng chị cũng được báo Nghệ An trả nhuận bút vì chị hay đăng thơ. Nhưng mỗi bài thơ chỉ được 50 ngàn đồng.
Gần đây, "nhà văn bán vé số" được các cụ trong phường bầu làm tổ trưởng tổ thơ, vì chị cũng sáng tác thơ rất nhiều và khá hay, đăng ầm ầm trên báo tỉnh. Mỗi tuần hai tối, các cụ trong phường lại tập trung trong căn nhà nhỏ xíu của chị để bình phẩm thơ ca.
Cụ nào sáng tác được bài thơ lại đến đọc cho chị nghe và nhờ chị chỉnh sửa, bổ sung. Chị cứ nhắm mắt vào cảm nhận, nhập tâm vào họ và tự dưng thấy cái hay, cái đẹp từ những ý thơ vụng về, rồi chị bình, chị sửa. Cụ nào thấy chị sửa hay, bình hay thì mời đi uống cốc bia, trò chuyện râm ran cả tối.
Những người lao động ở khu phố từng ngày chờ tập hai cuốn "Nhật ký đời mẹ" của chị Sáng ra đời, thậm chí mấy chị ở khu chợ còn bàn nhau góp tiền nuôi chị để chị viết. Nhưng bập vào nghề viết chị mới nhận ra rằng "Cơm áo không đùa với khách thơ". Hầu hết thời gian chị phải dành cho việc kiếm tiền nuôi hai đứa con ăn học. Ngày nào cũng vậy, cứ phải kiếm đủ 50.000 đồng chị mới dám ngồi vào bàn viết.
Nhưng, nỗi lo như sóng cuộn dồn trước mắt, bởi ngôi nhà mẹ con chị đang ở xây trên đất hoang từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước, dù chị vẫn đóng thuế đầy đủ, nhưng chưa được làm sổ đỏ. Có thông tin khu đất nằm trong diện sắp giải tỏa. Lúc đó, ba mẹ con chị chắc lại phải căng nilon để ở.