Bị cáo Phạm Thanh Bình (nguyên Chủ tịch Tập đoàn Vinashin): “Cả cuộc đời tôi luôn tâm huyết, quyết tâm vì ngành công nghiệp đóng tàu. Trong quá trình làm việc với nhiều dự án, ở nhiều thời điểm, có lúc tôi đã “xé rào”, tôi đã sai với quy định pháp luật, sai với chỉ đạo của Chính phủ nhưng tất cả là vì tập thể, vì cái chung, không vì cá nhân nào. Tôi mong HĐXX xem xét mức án cho tôi”.
Tranh thủ gỡ tội, Trần Văn Liêm (nguyên Tổng giám đốc Công ty Viễn Dương Vinashin) cho rằng, trước khi mua tàu Hoa Sen, bị cáo đã hỏi bị cáo Bình, dự án này có phải xin phép đầu tư không. “Khi đó, “chủ tịch” Bình trả lời: Chủ tịch được quyết dự án đến 1500 tỉ đồng. Chính vì vậy tôi mới thực hiện theo chỉ đạo của chủ tịch Bình”, bị cáo Liêm nói.
Bị cáo này đổ lỗi khi thực hiện dự án mua tàu Hoa Sen hoàn toàn theo chỉ đạo của tập đoàn.
“Nếu biết trước là phạm tội, dù tôi có bị kỷ luật, tôi vẫn chống, dù mất việc tôi cũng không làm. Đó là thực tâm tôi nói thế. Tôi vướng vào lao lý như hôm nay, bản thân tôi đã ý thức được các sai phạm. Dù vì nguyên nhân nào thì sai phạm vẫn là sai phạm”, bị cáo Liêm tỏ ra hối hận và xin tòa khoan hồng để sớm trở về với “mẹ già, con yếu”.
Bị cáo Tô Nghiêm (nguyên Tổng giám đốc Công ty Công nghiệp tàu thủy Cái Lân) “lưu ý” HĐXX hoàn cảnh, động cơ của bị cáo khi thực hiện hành vi phạm tội.
Các bị cáo trong vụ án
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Văn Tuyên (nguyên Giám đốc Công ty CNTT Hoàng Anh) cho rằng “không gây thiệt hại” nhưng xin HĐXX khoan hồng.
“Tôi không làm sai. Tôi có chồng là thương binh, còn mẹ già con nhỏ, mong HĐXX xem xét cho tôi”, bị cáo Trịnh Thị Hậu nói.
Bị cáo Hoàng Gia Hiệp (nguyên Phó tổng giám đốc VFC) gọn lỏn: “Tôi mong HĐXX cố gắng xét xử công minh”.
Bị cáo Trần Quang Vũ, Trần Văn Côn (nguyên kế toán Công ty Hoàng Anh), Nguyễn Tuấn Dương (nguyên Chủ tịch Công ty Cửu Long) cũng “tận dụng” những phút cuối của phiên tòa để biện minh cho hành vi phạm tội của mình.