Người phụ nữ hơn 30 năm sống bằng nghề bốc mộ thuê
Thứ sáu, 24/08/2012 08:22

Từ những lần phụ giúp chồng đi bốc mộ thuê, bà đã bén duyên với cái nghề "chẳng giống ai" này và cái nghề ấy đã đeo đuổi bà đến tận cuối đời.

Bà

Bà "Năm bốc mộ" đang chia sẻ công việc "chẳng giống ai" với phóng viên.

Hơn 30 năm làm cái nghề này, bà cũng không còn nhớ nổi mình đã từng bốc được bao nhiêu ngôi mộ, bà chỉ áng chừng nó phải lên con số hàng nghìn...

"Duyên" với nghề

Nhắc đến bà Hoàng Thị Năm, 66 tuổi với hơn 30 năm đi bốc mộ thuê, người dân xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đều biết. Bà Năm nổi tiếng không chỉ vì là người duy nhất trong xã làm cái nghề “chẳng giống ai” này mà bà còn nổi tiếng vì gia cảnh túng quẫn.

Sau một hồi lòng vòng hỏi thăm, theo lối mòn, chúng tôi cũng tìm được bà Năm. Trên đường về nhà, vừa đi bà vừa quay đầu lại nói: "Các cháu đến bữa nay là gặp may đó, hôm nay bà đang bị đau khớp không thì các cháu không gặp được bà rồi".

Trong căn nhà hơn 10m2 vừa chật hẹp, ánh nắng lỗ chỗ dọi thẳng vào không gian trống hoác trống huơ. Bà Năm kể cho chúng tôi, bà là con út trong một gia đình có 5 chị em tại xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu. Vì nhà đông con, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn nên bà không được theo các bạn cùng trang lứa đến trường. Không biết chữ, tuổi thơ của bà là những chuỗi ngày chăn trâu cắt cỏ và làm những công việc lặt vặt để phụ giúp gia đình.

Năm 18 tuổi, bà kết duyên với ông Hồ Sự Mạo. Hai vợ chồng ra ở riêng một chân đồi hoang vu tách biệt với xóm làng. Sinh con đầu lòng, kinh tế gia đình trở nên túng quẫn. Từ những lần tham gia bốc mộ cho người thân, ông Mạo bám lấy cái nghề này để kiếm miếng ăn cho gia đình.

Bà Năm cho biết: Nghề bốc mộ thuê đến với bà như là một cái duyên. Sau khi sinh con trai đầu lòng, mọi gánh nặng đều đổ lên vai người chồng. Ông Mạo nhiều lần tâm sự, hay bà theo học nghề bốc mộ đi, thứ nhất là phụ giúp tôi, hơn nữa là cũng có thêm đồng ra đồng vào. Lỡ sau này tôi chết, bà cũng có nguồn thu nhập để nuôi con. Thế là cái nghề “chẳng giống ai” này đã đeo đuổi bà hơn 30 năm nay, nó vừa là làm phúc giúp những người quá cố được an nghỉ nhưng cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình bà.

Năm 2001, chồng của bà ra đi đột ngột, bà trở thành "truyền nhân" duy nhất của người chồng quá cố. Bà cố theo đuổi cái nghề mà người đời mỗi khi nhắc đến đều kinh hãi.

Chữ tâm

Trong hơn 30 năm gắn bó với nghề, bà đã có nhiều phen lạnh gáy, rợn người. Có vô số nghề làm đêm, nhưng theo bà, nghề bốc mộ đêm mới thực sự là đáng sợ.

Bà tâm sự, những ngày đầu mới theo chồng đi phụ, bà cũng cảm thấy ghê sợ. Nhìn những bộ xương trắng, có khi về không ăn được cơm, hay đêm đến đi ngủ bà vẫn còn bị ám ảnh. Thậm chí, đã không ít phen làm bà hú vía khi lật nắp quan tài lên, có những xác chết còn nguyên vẹn.

Việc bốc mộ hầu như diễn ra vào lúc 2-3h sáng. Trung bình, để hoàn thành bốc một ngôi mộ cũng mất ngót nghét 2 tiếng đồng hồ. Đó là chưa kể việc chuẩn bị hương hỏa, cúng bái trước khi tiến hành đào bốc. Theo bà, việc đào mộ cũng có nhiều công đoạn và yêu cầu một "kỹ thuật" nhất định. Tức là việc xác định chính xác vị trí huyệt sẽ giúp người đào tiết kiệm được thời gian và sức lực. Ngán nhất là những trường hợp có ngôi mộ đào lên thi thể vẫn còn nguyên vẹn như người nằm ngủ.

Theo quan niệm địa phương, khi đã đào mộ lên mà gặp trường hợp như thế thì không được lấp lại nữa. Đó là chưa kể những hôm gặp phải trời mưa gió, lòng huyệt bị ngập nước, khi đó xương cốt bị hòa lẫn trong lớp bùn đất. Dù rét run người cũng phải cố mà mò tìm cho đủ xương cốt kẻo mắc tội với người đã khuất.

Bệnh tật, vất vả không kể xiết, nhưng điều đáng sợ nhất chưa phải là việc phải nhìn những bộ xương trắng, hay phải róc thịt để lấy xương những xác người khi đào mộ lên còn nguyên vẹn. Hơn thế nữa đó là cái tâm của người làm nghề “chẳng giống ai” này.

Người ta cho rằng, việc bốc mộ chỉ dành cho nam giới thì theo bà đó là một việc bình thường. "Nghề này không kén người làm mà chỉ kén người không có tâm huyết với công việc thôi". Cũng bởi vậy, bà xem công việc này là một nghề đáng được trân trọng như bao nghề khác. Thậm chí, cái nghề bốc mộ đòi hỏi người làm nghề phải kiên nhẫn và có tâm thực sự. Nếu làm mất hay thiếu đi một cái xương dù là một bộ phận nhỏ nhất trên bộ hài cốt cũng khiến người làm nghề phải day dứt.

Trăn trở tuổi xế chiều

Năm nay đã ở cái tuổi mà đáng ra được nghỉ ngơi thì hàng ngày bà Năm vẫn phải vật lộn với nghề để mưu sinh. Bà đang sống một cuộc đời bần hàn bên chân núi giáp với nghĩa trang của làng. Căn nhà nhỏ bé nằm khuất sau những tán cây rậm rạp. Lối nhỏ vào nhà, hai bên được phủ kín cỏ dại, chỉ có một lối nhỏ dành cho người đi bộ.

Bà tâm sự, cái nghề này nó không tích tiền của được, may ra nó tích được cái phúc, cái đức cho con cháu sau này. Âu đó cũng là việc làm mà bà cảm thấy thanh thản cho đến hôm nay khi đã qua bên kia dốc của cuộc đời. Công việc chân tay nặng nhọc và thường xuyên tiếp xúc môi trường độc hại đã khiến cho khuôn mặt của bà càng già nua. Sức khỏe của bà cũng xuống dốc nhanh chóng. Các xương khớp thường xuyên bị đau nhức, tê buốt. Chính cái nghề bạc bẽo ấy mà bây giờ người làm công việc này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hơn 30 năm "cống hiến" cho nghề, bà cũng không nhớ nổi mình đã bốc được bao nhiêu ngôi mộ. Tuy nhiên, một điều chắc chắn bà biết được rằng con số ấy phải lên đến hàng nghìn. Thế mà nguồn thu nhập chính từ nghề bốc mộ đã không giúp cuộc sống của gia đình bà khá lên được. Chật vật lắm bà mới chèo chống được gia đình thoát khỏi những mùa giáp hạt đói kém. Từ ngày chồng mất, bà như thêm gắnh nặng, cuộc sống của bà thêm phần khó khăn.

"Bây giờ, tôi không còn làm được như trước nữa. Sức khỏe yếu nên cầm cái cuốc, cái xẻng cũng không nổi. Thỉnh thoảng có người trong xã gọi tôi mới đi chứ không làm được thường xuyên như trước. Các con lập gia đình đều đã ở riêng nhưng chúng cũng chật vật vì không có nghề nghiệp, việc làm ổn định nên cứ nay đây mai đó. Nhà có 3 thằng con trai nhưng vì cảm thấy công việc bốc mộ vất vả, chật vật nên không thằng nào theo nghề cha mẹ nó cả. Còn tôi, khi nào vẫn còn đủ sức khỏe thì vẫn tiếp tục bám lấy nghề này".

Trước lúc chia tay chúng tôi, bà vẫn trăn trở: "Hiện nay các nước trên thế giới và Việt Nam người ta đã bắt đầu áp dụng việc hỏa táng những người chết. Hy vọng sau này những vùng quê nghèo như chúng tôi được áp dụng công nghệ đó, vừa tiết kiệm đất mà không làm độc hại đến môi trường và con người. Hơn nữa tôi cũng không muốn có những người làm nghề cơ cực như tôi nữa".

PLXH
Tag: Nghề bốc mộ thuê , Bốc mộ , Phóng sự , Nghệ An , Phong su