Ở nghĩa trang biên giới Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn có một ngôi mộ khác lạ không có hài cốt.
Takano (người đeo kính), tại trạm gác km số 5, trước khi vào thị xã Lạng Sơn tác nghiệp, ngày 7/3/1979. ảnh: TƯ LIỆU. |
Nhân chứng cuộc chiến giữ đất
Mộ phần mang hình cây bút vững chãi, được người dân thường xuyên chăm nom, hương khói. Đó là nơi tưởng niệm nhà báo Nhật Bản Takano Isao, hy sinh trong chiến sự biên giới trưa 7/3/1979.
Sau gần một tháng giao chiến, phía Trung Quốc tuyên bố rút quân khỏi thị xã Lạng Sơn. Các nhà báo nước ngoài, nhất là các hãng thông tấn thuộc “phe” xã hội chủ nghĩa được tạo điều kiện thâm nhập thực địa chiến trường.
Bà Đỗ Ngọc Mai, một nhà văn kỳ cựu ở xứ Lạng nhớ lại: Khoảng 9 giờ sáng 7/3/1979, bà được giao nhiệm vụ tháp tùng một nhà báo Cuba lên thị xã Lạng Sơn. Còn một tốp khác đưa nhà báo Nhật Bản lên xe UAZ, xuất phát từ thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng) thẳng tiến lên thị xã Lạng Sơn. Bà Mai khi đó công tác tại phòng văn nghệ của Sở Văn hóa - Thông tin Lạng Sơn, phụ trách bản tin biên giới. Chiến sự xảy ra, bà theo cơ quan tạm cứ tại huyện Chi Lăng.
Ngày đó, có đồng nghiệp nào đến tác nghiệp tại địa phương, những người như bà được giao nhiệm vụ tháp tùng. Bà Mai kể: Đạn bay đỏ trời, thị xã Lạng Sơn đổ nát, hoang tàn. Mỗi ngày, cuộc giao tranh cứ tuần tự “theo giờ”, bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Vậy nhưng cuộc sống người dân vùng biên giới vẫn diễn ra bình thản. Các hộ gia đình, trừ người già, con nhỏ được sơ tán về phía sau, còn lại trụ ở quê hương tiếp tục canh tác nông nghiệp và phục vụ chiến đấu.
Theo bà Mai, càng ngược về phía Bắc, không khí càng khẩn trương; gần đỉnh dốc Sài Hồ (thuộc xã Tân Thành, huyện Cao Lộc), có rất nhiều trận địa pháo lớn, nhỏ đan xen. Còn tại góc núi, đồi lô nhô quân lính và đạn dược, xanh ngút ngàn. Gần đến thị xã Lạng Sơn, thi thoảng có người dân đuổi đàn trâu đi ngược chiều. Những người dân quân, dân công hỏa tuyến hướng dẫn họ tránh những đoạn pháo kích nguy hiểm.
Cách thị xã chừng 5 km, có một trạm gác do quân đội quản lý. Người lái xe chở đoàn của bà Mai nhanh nhẹn rời khỏi ca bin, xuất trình giấy tờ và chờ đợi. Trước đó, có nhiều đoàn phóng viên nước ngoài đã có mặt. Bà Mai nhác thấy đoàn nhà báo Nhật Bản và Thụy Điển đang tranh thủ phỏng vấn, quay phim.
Takano hào hứng trò chuyện với một số sĩ quan đang trực tiếp chỉ huy tại mặt trận Lạng Sơn, trong đó có ông Trần Rĩ (lúc đó là Phó Chính ủy kiêm Phó chỉ huy trưởng Tỉnh Đội Lạng Sơn). Bà Mai kể tiếp: Một sĩ quan còn trẻ nói với Takano: “Thưa đồng chí, mặc dù họ đã tuyên bố rút quân hai ngày, song trong khu vực thị xã vẫn còn thám báo, sẽ không an toàn”.
Takano cố gắng thuyết phục: “Cảm ơn các anh tạo điều kiện cho tôi tác nghiệp. Nếu chờ an toàn thì tôi không hoàn thành nhiệm vụ. Sự thật và chân lý không chọn giờ cho chúng ta”.
Cuối cùng, các nhà báo được chấp nhận thâm nhập thực tế, song phải đi theo một tổ lính bộ binh dẫn đường.
Bị bắn lén
Nhóm phóng viên chia thành các tốp, đi sâu vào các ngõ hẻm mịt mùng mùi thuốc súng; đâu đó vẫn có tiếng nổ đạn pháo vang vọng. Khoảng 10 giờ trưa, các phóng viên Cuba đang tác nghiệp tại ngã ba khu Ba Toa, gần trung tâm thị xã.
Cách đó chừng 300 mét, ở khu vực trụ sở Tỉnh ủy Lạng Sơn, nhóm phóng viên Nhật Bản đang ghi những hình ảnh sông Kỳ Cùng. Nghe thông tin, cầu Kỳ Lừa vừa bị phía bên kia đánh sập, sau khi họ rút chạy khỏi thị xã; Takano nhanh nhẹn cầm máy ảnh đi ngang qua con đường nhỏ, nhanh chóng chụp hình ảnh những chiếc xe thiết giáp nằm kềnh, hàng tre toang hoác, đổ gục cùng thành cầu vừa bị phá.
Bà Mai nhớ lại: Mọi người đang háo hức làm việc của mình, bỗng nhiên, một loạt đạn vang lên. Bà Mai nhìn thấy một người ngã xuống đường, sau này, bà biết đó là Takano. Người phóng viên Nhật Bản bị trúng loạt đạn bộ binh vào ngực, ngã xuống vẫn ôm chặt chiếc máy ảnh. Hình ảnh đó ám ảnh bà Mai cho đến tận bây giờ.
Mặc dù có sự cố xảy ra, song những phóng viên nước ngoài còn lại vẫn tìm đến mô đất, gốc cây cổ thụ để tác nghiệp. Có tiếng nói gấp gáp: “Giặc bắn lén đấy. Nằm xuống ngay”. Một số người lính trẻ giục các nhà báo nằm xuống đất, nhanh chóng rời khỏi nơi hiểm nguy. Lực lượng công an, quân đội triển khai đội hình chiến đấu, truy kích kẻ bắn lén.
Khoảng 22 giờ, lực lượng trinh sát của ta mới lấy được thi hài nhà báo Takano, chuyển về bệnh viện thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng) khâm liệm, di chuyển về Hà Nội, sau đó được đưa về Nhật Bản. Tuy không có hài cốt, nhưng người dân Lạng Sơn vẫn tưởng nhớ đến anh, họ đắp lên ngôi mộ hình ngọn bút để hình bóng nhà báo quả cảm luôn hiện hữu ở mảnh đất này.
Vang mãi bài ca
Ông Hà Nghiên - nguyên Tổng Biên tập báo Lạng Sơn, cho biết: Nhà báo Takano đến với chiến trường Lạng Sơn vì lẽ phải và chính nghĩa của một người cộng sản. Hàng năm, vào dịp tháng 2, báo Lạng Sơn tổ chức hội thảo về thân thế, sự nghiệp và tấm gương hy sinh anh dũng của Takano.
Tượng đài tưởng niệm Takano Isao tại Nghĩa trang Hoàng Đồng- TP Lạng Sơn.
Theo ông Nghiên, sau khi đến thị xã Lạng Sơn, người phóng viên Nhật Bản này đi từ hướng Chùa Tiên (thuộc phường Chi Lăng bây giờ), vào sâu vùng chiến sự để phản ánh sự kiện nóng bỏng, chân thực, kịp thời đến bạn đọc.
Nơi Takano nằm xuống, người dân Lạng Sơn dựng một tấm bia tưởng niệm, hình ngọn bút vươn lên trời xanh; ngày nào cũng có hoa tươi, nhiều nhất là từng nhánh hoa hồi thơm ngát. Hằng ngày, các cháu thiếu nhi, người già thường đến thắp nhang. Sau này bia tưởng niệm được di chuyển về Nghĩa trang Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn.
Năm 1982, tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo báo Lạng Sơn chủ trì tổ chức thực hiện bộ phim tài liệu “Hoa đưa hương nơi đất anh nằm” (kịch bản: Nguyễn Trường Thanh, đạo diễn Nguyễn Quang, quay phim Vũ Ngọc Bích).
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Trường Thanh cho biết: Đây là bộ phim video đầu tiên do tỉnh Lạng Sơn làm. Khi được giao nhiệm vụ, chúng tôi khá lo lắng, bởi thiết bị làm phim thiếu thốn, kinh phí ít ỏi, một số anh em chưa có kinh nghiệm. Nhưng trước tình cảm của Đảng bộ, quân dân các dân tộc xứ Lạng, chúng tôi quyết tâm thực hiện và càng làm càng say mê. Sau đó, bộ phim này được phát trên đài truyền hình quốc gia Nhật Bản và được đánh giá cao.
Bà Michio (vợ Takano) cùng con gái đã đến Lạng Sơn, thắp nhang tại bia tưởng niệm, đồng thời gặp đoàn làm phim, tỏ lòng cảm ơn sâu sắc. Ông Hà Nghiên cho hay, Takano hy sinh khi vừa tròn 36 tuổi. Gia đình anh vẫn giữ liên lạc với báo Lạng Sơn, tạo tình cảm hữu nghị thắm thiết giữa hai nước Việt - Nhật. Khói súng tan, nhà thơ Sĩ Cương đã viết một bài thơ về Takano: “Như một mũi lê nén đầy căm uất/ Xé tan mặt đất hướng tận trời xanh/ Đó là tên anh trái tim hồng bất tử…”.
Theo bà Ngọc Mai, người chứng kiến giây phút hy sinh của Takano, hình ảnh Takano theo thời gian càng sâu đậm hơn trong lòng người dân xứ Lạng. Nó còn được đi vào thơ ca, nhạc hoạ: Xin hát về người con của tuyết trắng Fuji hùng vĩ/ Anh đến với quê tôi trong những ngày lửa khói/ Tâm hồn anh tươi sáng như hoa anh đào mới nở...
Đó là những câu trong lời bài hát “Takano – Nhân chứng quả cảm” do nhạc sĩ Phó Đức Phương sáng tác. Hoặc, ca khúc “Anh vẫn đứng nơi đây” do nhạc sỹ Vũ Thanh Dương sáng tác. Bài hát này do ca sĩ Bích Hợp thể hiện rất thành công.
Takano Isao sinh năm 1943 ở Kobe. Năm 1962, khi tốt nghiệp trường Đại học Công nghiệp Nhật Bản, anh vào làm việc tại một xưởng điện và gia nhập Đảng cộng sản Nhật Bản. Năm 1967, anh được cử sang Việt Nam học tiếng Việt ở Đại học Tổng hợp Hà Nội; năm 1971 thì tốt nghiệp. Tháng 2/1978, Takano là đặc phái viên, phóng viên báo Akahata- cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Nhật Bản. Khi chiến tranh bảo vệ biên giới nổ ra, anh lên Lạng Sơn, hy sinh vào trưa ngày 7/3/1979, tại đầu đường Quang Trung, phường Chi Lăng, thị xã Lạng Sơn.
Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%