Nghỉ Tết kéo dài ảnh hưởng nhiều ngành nghề

Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu, sản xuất công nghiệp tháng 1 giảm là do nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài.


Nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành nghề

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2012 chiều 4/2, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6,5 tỷ USD bằng 88,9% so với cùng kỳ năm 2011, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt khoảng 6,6 tỷ USD, bằng 81,3% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất – nhập khẩu giảm so với cùng kỳ là do năm 2011 Tết Nguyên đán rơi vào tháng 2, trong khi năm 2012 Tết Nguyên đán kéo dài hơn và rơi vào tháng 1, hoạt động sản xuất kinh doanh tạm ngừng đã ảnh hưởng tới tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2012.

Riêng về nhập siêu, tháng 1/2012 là 100 triệu USD, bằng 1,5% kim ngạch xuất khẩu là mức thấp nhất trong vòng một năm qua.

Về chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2012 tăng 1% so với tháng trước. Như vậy, dù là tháng Tết Nguyên đán song chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2012 chỉ tăng nhẹ so với mức tăng chỉ số giá trong 5 qua và là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 3 năm gần đây.

Nghỉ Tết kéo dài không chỉ ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu, mà còn ảnh hưởng tới sản xuất công nghiệp. Bộ Kế hoạch & Đầu tư đánh giá, sản xuất công nghiệp trong tháng 1/2012 vẫn gặp không ít khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2012 ước giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó công nghiệp chế biến giảm 4,2%, công nghiệp khai thác mỏ tăng 0,5%; sản xuất, phân phối điện, gas, nước tăng 1,2%.

Tháng 1/2012 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 191 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2011. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 61,5 nghìn tỷ đồng, bằng 8,3% dự toán năm; tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 65,4 nghìn tỷ đồng, bằng 7,2% dự toán năm.

Do ảnh hưởng của Tết Nguyên đán, cộng với khó khăn của sản xuất – kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp thuộc các ngành trọng điểm như ô tô, xi măng, sắt thép… nên kết quả thu ngân sách Nhà nước trong tháng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, số thu vẫn đảm bảo các nhiệm vụ chi, đặc biệt là yêu cầu tiền lương, thưởng, các hoạt động an sinh xã hội, bình ổn giá cả trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn.