Tuổi thơ bất hạnh
Theo lời khẩn cầu, chúng tôi gấp rút tìm đến bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng, phòng 103, khoa hồi sức cấp cứu để thăm chị Hiền. Vì là khoa hồi sức nên phải chờ tới 12h trưa chúng tôi mới được vào thăm bệnh nhân. Trên chiếc giường bệnh đầy những dây oxy và bình dịch, Hiền cố rướn người lên chào chúng tôi bằng một cử chỉ “gật đầu” yếu ớt.
Phan Thị Thu Hiền SN 1984, quê ở Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Hiền lớn lên trong một gia đình nghèo, lại sớm thiếu vắng tình thương của cha từ nhỏ. Để bù đắp cho các con, mẹ Hiền đã hết lòng yêu thương hai con.
Cứ tưởng cuộc sống của 3 mẹ con sẽ được êm ấm… Ngờ đâu, một ngày Hiền lên cơn đau dữ dội, gia đình vội chuyển vào bệnh viện Đa Khoa huyện Yên Thành, rồi sau đó là bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và tại đây các bác sỹ kết luận Hiền bị nhiễm chất độc da cam.
Cứ ngỡ sự bất hạnh đó sẽ làm gục gã cô học trò giỏi ấy. Nhưng không, vượt qua những cơn đau và sự mặc cảm về số phận, Hiền tiếp tục học tập và thi đậu cấp 3 vào trường chuyên Phan Đăng Lưu.
Những ngày cuối cùng của đời học sinh với cô học trò ấy cũng là lúc căn bệnh hiểm nghèo bùng phát dữ dội, màu da Hiền thay đổi, các khớp tay chân biến dạng. Cô Nguyễn Thị Hải Sâm, mẹ Hiền, vì thương con nên đã về hưu “non” để có thời gian chăm sóc cho con.
Không phụ lòng mẹ, năm 2002 Hiền đã thi đỗ vào trường Đại học Đà Lạt với số điểm khá cao. Nhưng niềm vui không trọn vẹn vì một lần nữa Hiền lại ngã bệnh.
Những lần chuyển viện, xét nghiệm, truyền hóa chất, lọc máu… đã lấy đi sức khỏe và làm Hiền kiệt quệ. Mẹ Hiền vì quá thương con nên nước mắt cũng cạn đi…
Thương mẹ, Hiền đành gác lại giấc mơ vào giảng đường đại học để chuyên tâm trị bệnh.
Hơn bao giờ hết, cô gái một thời từng là tấm gương sáng vượt lên số phận này đang rất cần sự sẽ chia, giúp đỡ của cộng đồng
Niềm hy vọng đang dần lụi tắt…
Sáu năm dài ở nhà trị bệnh, cô gái đầy nghị lực ấy vẫn nung nấu ước mơ trở thành cô giáo. Nên đến năm 2008, Hiền đã xin mẹ đi thi. Không phụ công lao trời biển của mẹ, Hiền tiếp tục đỗ vào ngành giáo dục chính trị của trường Đại học Sư Phạm Đà Nẵng và nằm trong số những sinh viên có điểm thi cao nhất khoa.
Và thật đáng khâm phục hơn khi được biết Hiền là sinh viên học vượt đầu tiên của trường Sư Phạm Đà Nẵng tốt nghiệp sớm trong vòng 3 năm. Với tấm bằng đỏ trong tay, Hiền có thể dễ dàng xin đi dạy học nhưng cô lại chọn một tổ chức tự thiện của bộ ngoại giao Đức để thực hiện lý tưởng giúp đỡ người khuyết tật kém may mắn của mình…
Cứ ngỡ cuộc đời của cô gái ấy sẽ tươi sáng hơn, nhưng bất hạnh lại một lần nữa ập đến khi cuối tháng 8 vừa qua, trong lúc đi làm từ thiện về Hiền bị sốt cao và lên cơn co giật, sau đó được bạn bè đưa đến cấp cứu ở bệnh viện ĐK Đà Nẵng và các bác sỹ thông báo bệnh của Hiền đang rất nguy kịch vì nội tạng đã bị phá hủy…
Nhìn một cô gái mới ngày nào còn năng động với những công tác tự thiện, xã hội, giờ đây đang nằm tiều tụy với thân hình gầy gò, yếu ớt đang từng ngày từng giờ giành giật sự sống cùng với một đống máy móc y tế khiến ai chứng kiến cũng phải xót xa, rơi nước mắt…
“Gia đình cô khổ lắm cháu à! Nhà chẳng có ruộng nương, cả nhà sống dựa vào đồng lương hưu ít ỏi của cô... Ngoài lo cho Hiền ra cô còn phải phụng dưỡng mẹ già 82 tuổi ở quê nữa. Từ ngày nó đau đến giờ, cô phải vào đây chăm nó, bỏ cụ bà ở nhà một mình tội nghiệp lắm...
Hiền nó bị nhiễm chất độc da cam từ cha nó đấy, chồng cô trước kia đi bộ đội Campuchia rồi sau đó lại về làm hậu cần ở Quảng Trị nên bị nhiễm chất độc da cam rồi di truyền cho nó…”, cô Sâm nói đến đây thì ôm mặt khóc nức nở.
Từ ngày con đau, cô Sâm đã cầm bán tất cả mọi thứ có giá trị trong nhà và vay mượn khắp nơi hơn 50 triệu đồng để chạy chữa cho con. Giờ đây, khi bệnh của con ngày càng nặng và đòi hỏi chi phí điều trị ngày càng cao thì cô Sâm chỉ biết bất lực ngồi chờ “phép nhiệm màu” đến với con gái mình…
Khi được hỏi về ước mơ của mình, Hiền ngồi trầm ngâm, ánh mắt nhìn xa xăm cố giấu đi những giọt nước mắt: “Mình muốn được tiếp tục sống để thực hiện dự án giúp đỡ người khuyết tật còn đang giang dở… mình vẫn còn muốn cống hiến cho đời, mình không muốn chết…”.
Phía trước cô gái một thời từng là tấm gương sáng để bạn bè noi theo ấy đang là một tương lai đầy bi đát, nếu chỉ có nghị lực phi thường thôi thì chưa đủ mà cần hơn là sự động viên, sẻ chia của cộng đồng.
Mọi sự giúp đỡ xin gởi về:
Gửi trực tiếp cho: Phan Thị Thu Hiền, đang điều trị tại phòng 103, Khoa hồi sức cấp cứu, bệnh viên Đa Khoa Đà Nẵng.
Hoặc bà Nguyễn Thị Hải Sâm, trú tại xóm Yên Phú, xã Văn Thanh, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Sđt: 0166.639.2279 (Thu Hiền).