Mới bước vào phòng làm việc, chị Linh, đồng nghiệp của tôi, đã than thở: “Lần này mình nhất quyết thuê nhà ra ở riêng, có tốn kém cũng chịu để khỏi phải chứng kiến cảnh chướng tai gai mắt”. Cảnh chướng tai gai mắt mà chị đề cập chính là Yến, cô em bạn dâu của chị.
Ở chung nhưng không làm dâu
Chị Linh vốn giỏi giang, tháo vác nên từ khi làm dâu đến nay, mẹ chồng chị chưa hề chê trách bao giờ. Nhưng từ khi có Yến về nhà, mọi thứ trong gia đình đều rối tung lên và không khí thật nặng nề.
Tú, em chồng chị Linh, vừa đi lao động ở Nhật về, có một số vốn kha khá. Ba mẹ chồng chị muốn Tú nhanh chóng lấy vợ để ổn định, lo làm ăn. Được bạn bè làm mai cho Yến, cô sinh viên năm 4 Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, gia đình khá giả, ba mẹ chồng chị Linh mừng như bắt được vàng.
Tuy ở cùng gia đình chồng nhưng Yến chưa bao giờ làm dâu thật sự: Đi học về thì vợ chồng rúc vào phòng riêng, đến giờ ăn thì có mặt, ăn xong lại lên phòng. Còn chị Linh, đi làm về phải tất bật nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm con nhỏ. Mỗi khi chị Linh phàn nàn, mẹ chồng chị lại xuống nước: “Yến còn đi học mà con”. Chị than thở: “Tưởng đâu có em dâu về san sẻ được việc nhà, ai dè phải làm việc nhiều hơn, còn phải phục vụ em dâu nữa”.
Ảnh minh họa
Không biết nấu nướng
Mỗi khi ai nhắc đến hai chữ “con dâu” thì bác họ của tôi lại buồn ra mặt. Bác có 2 người con, cô con gái đầu theo chồng ra nước ngoài định cư, còn anh con trai thì vừa lấy vợ. Vốn có tư tưởng hiện đại, không muốn có chuyện xích mích mẹ chồng nàng dâu, bác tạo điều kiện cho anh chị ở riêng. Bác đã nghỉ hưu nhưng còn khỏe mạnh nên mọi việc trong ngoài đều lo chu tất. Mỗi khi con về chơi, bác đều đi chợ, nấu các món ăn mà con thích. Sau khi ăn uống xong, bác đều giục con dâu và con trai về, cứ để chén đũa bác rửa, dọn dẹp.
Mọi việc vẫn diễn ra như vậy nếu không đến một ngày bác bị bệnh. Anh con trai thông báo cuối tuần về thăm mẹ, bác cũng đánh tiếng để nàng dâu biết mua vài thứ về nấu nướng cho mọi người ăn. Nhưng trái với niềm mong đợi của bác, con dâu mang về nào bánh xèo, bánh canh… mua dọc đường. Chưa hết, cô còn cẩn thận mua luôn chén, dĩa nhựa để ăn xong bỏ luôn cho tiện. Đến mức này, bác đành lắc đầu, tự trách mình quá nuông chiều con dâu.
Khi dâu là... hoa khôi
Mỗi khi có ai khen: “Con bé xinh quá” là bà Thy (nhà ở quận 3 - TPHCM) lại cười tươi. My, con dâu của bà, vốn là hoa khôi của một trường đại học. Nhà khá giả lại có người giúp việc nên My chẳng phải làm gì. Bà còn khuyến khích con dâu ăn mặc đẹp cho xứng với danh hiệu hoa khôi.
Thông thường bà mẹ chồng nào khi cưới dâu cũng mong mau có cháu ẵm bồng. Chính vì vậy, bà khuyến khích con dâu sinh cho bà đứa cháu. “Con sinh con cũng được nhưng mẹ phải lo cho cháu đó”- My ra điều kiện. Tất nhiên bà đồng ý vì nghĩ My nói vậy thôi chứ khi có con, chắc chắn cô phải biết làm mẹ. Nhưng mọi thứ không như bà nghĩ. Sinh con, My nhất định không cho con bú vì sợ hư bộ ngực đẹp.
Thằng bé mới vừa đầy tháng, My đã tham gia các lớp học thẩm mỹ để sớm lấy lại vóc dáng, rồi đi spa, đi họp mặt bạn bè… để mặc con cho bà trông nom. Buổi tối, cô còn giao hẳn thằng bé cho mẹ chồng để… ngủ cho ngon. “Tôi không ngờ con dâu lại xem trọng việc chăm chút nhan sắc hơn con đẻ của mình như vậy”- bà than thở.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý Hồn Việt: Phải là người tổ chức Các cô dâu dù hiện đại tới đâu cũng cần nhớ rằng hạnh phúc gia đình bắt nguồn từ những điều hết sức giản dị, như làm bữa cơm gia đình, lo lắng chu toàn cho các thành viên, quan tâm đến cảm xúc của người thân, siêng năng sắp xếp mọi việc nhà với trách nhiệm của người chủ gia đình. Dù tự làm hay người giúp việc làm thì phụ nữ cũng phải là người tổ chức công việc gia đình. |