Đến trường không thoải mái là cảm giác của nhiều học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, Q.Tân Bình, TP.HCM khi phải chấp hành những “quy định ngầm”…
Học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM - Ảnh: Thanh Nam |
Ngồi cách xa nửa mét
“Trường mình lạ lắm, nam nữ phải ngồi riêng. Ở trong khuôn viên trường, nam nữ ngồi chung ghế đá, đứng sát nhau… sẽ bị giám thị, giáo viên bắt làm kiểm điểm”, T. - nữ sinh lớp 10 - cho biết.
Nhiều học sinh (HS), cả nam lẫn nữ của cả 3 khối lớp khi trò chuyện với PV đều xác nhận chuyện này là thật. “Khi sắp xếp còn lẻ người thì giáo viên chủ nhiệm mới cho nam nữ ngồi chung. Chứ hầu hết phải tách biệt. Nam nữ phải hạn chế trò chuyện trong giờ ra chơi”, L. - nam sinh lớp 12 - nói. V. - nam sinh lớp 11 - bổ sung: “Nếu ngồi chung ghế đá thì nam nữ phải ngồi cách xa tối thiểu nửa mét”.
HS than vãn đến trường không thật sự thoải mái, vì lỡ nam nữ trêu đùa nhau mà thầy cô phát hiện thì thật rắc rối, phiền tới phụ huynh. Có cả HS phàn nàn: “Tình yêu tuổi học trò thì có gì sai nếu như vừa yêu nhau vừa giúp đỡ nhau trong việc học tập tốt hơn. Vậy mà trường mình cấm HS yêu nhau”.
Trên Facebook, các thành viên là HS của trường này cũng kêu ca, than phiền, có chung tâm trạng lo sợ vi phạm những quy định trên. Họ còn cho biết, tuy không có trong nội quy HS nhưng đây là những quy định “riêng” bị xử lý rất gắt.
Vì học sinh (!?)
Trao đổi về việc nam nữ HS không được ngồi chung, ông Võ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền - bác bỏ tất cả những điều HS phản ánh: “Nghe HS kể là không chính xác. Vì HS muốn nói gì là nói, không đáng tin cậy. Chắc sợ bị tách ngồi riêng nên HS… nói phòng hờ vậy thôi”.
Ông Dũng nói: “Tôi không quan tâm đến việc sắp xếp bố trí sơ đồ ngồi của HS, đó là việc của giáo viên chủ nhiệm chứ tôi không thò tay vào được, không can thiệp đến tận chỗ ngồi”. Tuy nhiên về sau ông thừa nhận: “Chỉ có những lớp có những em quan hệ tình cảm trên mức bạn bè, phát triển quá sớm. Không lo học, “lậm” vào yêu thì trường có khuyến cáo để giáo viên chủ nhiệm ngăn ngừa, tách “hai đứa” đó ra. Sẵn tiện… tách luôn nam riêng, nữ riêng”!
Không chỉ HS, mà nhiều phụ huynh cũng thắc mắc và “thấy kỳ lạ” bởi những lớp học nam nữ phải ngồi cách xa, lo ngại đến việc trao đổi kiến thức với nhau trong những tiết học. Ông Dũng thẳng thừng: “Không kỳ gì cả. Tách như thế thì đâu có xấu, và có ảnh hưởng gì không? Đây không phải là hiện tượng để viết báo” (!?).
Đề cập đến những “quy định ngầm” mà HS xôn xao, vị hiệu trưởng này cho rằng: “HS nói bậy, trường không phong kiến và khắt khe đến mức đó. Không hề có quy định hay văn bản nào về vấn đề nam nữ không được ngồi chung trong khuôn viên trường. Trường không có chủ trương này. Chỉ có những trường hợp mà chúng tôi biết chắc chắn là đang cặp kè, yêu nhau rõ ràng. HS mà ngồi hôn nhau rồi xà nẹo, xà nẹo thì không chịu nổi, không chấp nhận được, thì có mời lên phòng tư vấn học đường, mời phụ huynh lên để cùng khuyên nhủ chứ không hề quy định phạt. Sở dĩ có khuyến cáo là vì năm nào cũng có những trường hợp như vậy xảy ra”.
Ông Dũng cũng tin tưởng tuyệt đối vào những giáo viên chủ nhiệm trong việc “điểm danh” những cặp đôi yêu nhau.
Ông Dũng cho rằng tuổi yêu càng ngày càng nhỏ lại, mà trường là nơi để học chứ không phải để yêu. Nếu không khuyến cáo thì đồng nghĩa với việc khuyến khích HS lo yêu không lo học. Thế nên tất cả những động thái ngăn ngừa này là vì HS, mục đích giúp HS học tốt hơn, tránh quá đam mê yêu mà dẫn đến những hậu quả không hay.
Khi được hỏi liệu hội phụ huynh HS có biết những khuyến cáo này, ông Dũng bảo: “Mắc gì hội phụ huynh biết, vì đâu có phổ biến. Mà xoáy vô để làm gì”.
Chưa rõ thực hư lời khoe của ông là: “Những trường hợp yêu nhau, bị trường gọi lên, khuyên nhủ đã không hề cố chấp, biết suy nghĩ lại và… trở thành tình bạn”, chỉ biết rằng những “động thái ngăn ngừa tình yêu” theo cách gọi đến làm việc khiến HS lo lắng và không thoải mái.
Càng cấm càng tò mò
Tuổi mới lớn nảy sinh những xúc cảm giới tính, bắt đầu biết yêu. Giống như cây đến tuổi phải trổ hoa, những cảm xúc tự nhiên đó không thể nào cấm được. Người lớn chỉ nên cấm những cách yêu sai, những hành vi “manh động” để đề phòng những hậu quả to tướng xảy ra hoặc cấm những biểu hiện làm mất “mỹ quan đô thị” như: hôn hít, tình tứ ôm ấp trên sân trường...
Tuy nhiên, nhiều người lớn vì quá lo lắng nên cấm luôn cả những hành động ngây thơ thời áo trắng như cấm ngồi chung ghế đá, tách nam nữ ngồi riêng không gần dãy bàn, không cho ngồi cùng
Thực ra, không cần phải cấm đoán quá mức như thế.
Ở tuổi mới lớn, cấm không quan trọng bằng hướng dẫn, nội quy không quan trọng bằng hiểu biết. Cấm ngồi gần nhau trên ghế đá chỉ là cấm ngọn, quan trọng là giáo dục cái gốc nhận thức bên trong. Hầu như chưa có môn học nào hướng dẫn cụ thể: thế nào là tình yêu trong sáng, làm sao để kiềm chế cảm xúc của bản thân, nên tận dụng động lực của tình yêu thế nào trong học tập, rèn giũa mình thế nào để ghi điểm trong mắt đối phương... Nếu làm được điều đó, ta không cần phải ra sức tốn công để quan sát, theo dõi và cấm đoán.
Không ai thích bị cấm hay nghe ra lệnh, đặc biệt là tuổi mới lớn. Các em và tất cả chúng ta đều thích được hướng dẫn để mình làm đúng. Ấy cũng chính là cái gốc trong giáo dục nhân cách tự giác của học sinh.
ThS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
(Khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM)
Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?