Năm 2012, dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 15 tỷ USD

Thị trường xuất khẩu dệt may chính của Việt Nam năm 2012 vẫn là Mỹ, EU và Nhật Bản. Các thị trường này dự kiến vẫn chiếm tới 80% tỷ trọng.

Bất chấp những dự báo về xuất khẩu có khả năng giảm 15% so với năm 2011 do xu hướng sụt giảm đơn hàng tại thị trường lớn, năm 2012, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 15 tỷ USD.

Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may vượt 15,6 tỷ USD, chiếm đến 17% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đạt tốc độ tăng trưởng trên 38%, mức cao nhất trong 5 năm qua và là mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam.

Nguyên nhân chính khiến xuất khẩu dệt may năm nay cao nhất trong 5 năm qua, đó là các đơn hàng xuất khẩu vào các thị trường truyền thống đều tăng như: Mỹ tăng 14%, châu Âu tăng 41%, Nhật Bản tăng 52%. Ngoài ra, giá xuất khẩu tăng cũng đóng góp trên 12% vào tốc độ tăng trưởng kim ngạch nói trên. 

Các doanh nghiệp đã thực hiện tốt công tác dự báo, tổ chức hoạt động đầu tư và sản xuất hiệu quả, tạo dựng được niềm tin và mối quan hệ thân thiết với các đối tác, khách hàng.

Cụ thể, xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản vẫn tăng trưởng ổn định. Tính đến hết tháng 10, dệt may vào Mỹ tăng 14%, EU tăng 41%, Nhật Bản tăng 52% so với cùng kỳ năm 2010.

Đáng lưu ý là một số thị trường xuất khẩu dệt may mới nổi như Hàn Quốc, Đài Loan, Canada cũng góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. Đơn cử như tại Hàn Quốc, xuất khẩu 10 tháng 2011 đã tăng tới 128% so với cùng kỳ 2010, đạt 753 triệu USD.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), thị trường xuất khẩu dệt may chính của Việt Nam năm 2012 vẫn là Mỹ, EU và Nhật Bản. Các thị trường này dự kiến vẫn chiếm tới 80% tỷ trọng.

Tuy nhiên, theo dự báo thì xuất khẩu năm 2012 của ngành sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức do sự khó khăn về kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới chưa hồi phục, nợ công ở một số nước Châu Âu vẫn đang tiếp diễn. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu sang những thị trường mới, tiềm năng để bù đắp vào khoản thiếu hụt đơn hàng từ các thị trường truyền thống.