Triệt phá nhiều tụ điểm mua bán, sử dụng ma túy
Triển khai kế hoạch thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, lực lượng Công an toàn tỉnh đã triệt phá nhiều nhóm tội phạm nguy hiểm, trong đó đã phát hiện bắt giữ 13 vụ với 45 đối tượng có hành vi tổ chức mua bán, tàng trữ và sử dụng ma túy trái phép trên địa bàn tỉnh; thu giữ 13 gam, 214 gói, cục heroin và một số tang vật có liên quan.
Tang vật vụ án. Ảnh: Thành Huy
Trong số 13 vụ ma túy bị phát hiện từ giữa tháng 12-2011 đến ngày 31-1-2012, riêng cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Ma túy Công an tỉnh đã tổ chức triệt phá thành công 6 vụ tàng trữ, buôn bán và sử dụng trái phép chất ma túy. Sau thời gian theo dõi, lúc 13 giờ ngày 8-1-2012, đơn vị phối hợp Công an huyện Chư Prông tổ chức bắt giữ Nguyễn Văn Lợi (SN 1972) và Lê Văn Thắng (SN 1971), cùng trú tại thôn Phú Tân, xã Ia Băng, huyện Chư Prông về hành vi mua bán chất ma túy, thu giữ trong người và nhà riêng các đối tượng 6 gói heroin. Lợi khai nhận: Trước khi bị bắt, y đã bán cho 2 đối tượng ở huyện Ia Grai một lượng ma túy trị giá 7 triệu đồng. Phối hợp cùng Công an huyện Ia Grai xác minh, mở rộng vụ án, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Ma túy tiếp tục bắt giữ Lê Thị Huyền (SN 1971) ở xã Ia Drăng và Lê Thị Nga (SN 1991), trú tại xã Ia Hrung, huyện Ia Grai là 2 đối tượng mua ma túy của Lợi về bán lại cho con nghiện trên địa bàn. Huyền và Nga đã giao nộp cho Công an 56 gói, 1 cục heroin.
Cũng trong ngày 8-1, lực lượng Cảnh sát Phòng-chống tội phạm Ma túy Công an tỉnh phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh bắt quả tang Trần Thị Mỹ Tiên (SN 1969), trú tại xã Ia O, huyện Ia Grai và Đinh Thái Vũ (SN 1983), ở thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro đang bán trái phép ma túy, thu giữ 40 gói heroin, 4 điện thoại di động và 1 xe máy.
Trước đó, tại Khách sạn Tân Nhật Lệ, đường Lý Nam Đế, TP. Pleiku, các đối tượng Đàm Văn Long, Đinh Xuân Thành, Mai Thị Tâm, trú tại thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa bị tạm giữ khi đang thuê phòng tại khách sạn để sử dụng ma túy. Tổ công tác thu 0,08 gam ma túy tổng hợp (loại hàng đá), 4 điện thoại di động và hơn 8 triệu đồng. Phần lớn các chất ma túy tổng hợp được các đối tượng lén đưa từ các tỉnh phía Bắc hoặc từ TP. Hồ Chí Minh về địa phương tìm mối tiêu thụ. Sau khi bị bắt giữ, vợ chồng Trần Thị Tư, Phạm Văn Khôi (SN 1968), trú tại xã Kim Tân, huyện Ia Pa thú nhận đã mua ma túy của một số đối tượng từ huyện Phú Thiện về bán lại kiếm lời được một thời gian ngắn thì bị cơ quan Công an phát hiện.
Trước đó, ngày 23-1-2011, Nguyễn Văn Ba, Trần Thị Hà bị phát hiện, xử lý về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Từ lời khai của các đối tượng và qua xác minh, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh tiến hành bắt khẩn cấp Lê Khắc Vinh (SN 1971), trú tại phường Phù Đổng, TP. Pleiku là đối tượng cung cấp heroin cho Ba, Hà cùng các con nghiện khác, thu giữ 2 gam ma túy. Hiện Cơ quan Điều tra tiếp tục đấu tranh khai thác mở rộng, làm rõ đối tượng liên quan để xử lý theo pháp luật.
Đằng sau tệ nạn ma túy
Kết quả điều tra cho thấy, số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh tăng hàng năm. Năm 2008 trên địa bàn chỉ có 194 đối tượng nghiện, đến năm 2011 số người nghiện tăng lên 326 người. Phần lớn số người nghiện tập trung ở TP. Pleiku 188 người, Đức Cơ 52 người, Chư Prông 46 người, Chư Sê 43 người... Điều đáng quan tâm, số người nghiện là thanh-thiếu niên chiếm trên 75%. Trước năm 2010, các đối tượng thường nghiện heroin thì nay loại ma túy các đối tượng nghiện là ma túy tổng hợp, nhất là hàng đá, một loại ma túy tổng hợp mới xuất hiện ở Việt Nam, có tên khoa học là Paramethoxymethamphetamine, viết tắt là PMMA.
Qua kết quả điều tra cho thấy, số lượng người nghiện ma túy tăng trên địa bàn là do các đối tượng đến từ các tỉnh phía Bắc (số này chủ yếu nghiện heroin) hoặc các đối tượng làm ăn ở các tỉnh, thành phố lớn phía Nam sa vào con đường nghiện ngập rồi trở về địa phương. Một nguyên nhân khác, một bộ phận nhận thức chưa đầy đủ về tính chất, tác hại, mức độ đặc biệt nguy hiểm của loại tội phạm, tệ nạn này, nhất là trong thanh-thiếu niên. Một bộ phận thanh-thiếu niên đua đòi, thích thể hiện mình, muốn tìm cảm giác lạ nên sử dụng ma túy; một số khác bị bọn tội phạm lợi dụng lôi kéo vào các hoạt động tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy; trong khi đó một bộ phận khác thiếu sự quan tâm, chăm sóc, quản lý giáo dục từ gia đình hoặc các đối tượng muốn làm giàu bất chính từ việc mua bán ma túy…
Phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, tệ nạn ma túy là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an đóng vai trò nòng cốt. Để chủ động phòng ngừa tội phạm ma túy, các cấp, các ngành cùng chung tay với lực lượng Công an tăng cường tuyên truyền phòng-chống tội phạm, phòng-chống ma túy với nhiều hình thức đa dạng, “đánh” trúng đối tượng là thanh-thiếu niên, tuyên truyền sâu rộng đến các thôn, làng, tổ dân phố, trường học tạo sự chuyển biến mạnh trong nhân dân. Cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỡ tại cộng đồng, tạo việc làm để các đối tượng sau khi cai nghiện có cuộc sống ổn định, không tái nghiện và đi vào con đường phạm tội.
Các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp xét xử lưu động, xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa chung, mỗi người dân tự phòng ngừa, tự đề kháng, nâng cao tinh thần đấu tranh, tố giác, bài trừ tội phạm và tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống cộng đồng khu dân cư.