Mỹ sẽ làm gì nếu Triều Tiên phóng tên lửa Musudan?

Mỹ cần phải làm gì, nếu Triều Tiên tiếp tục các hành động đe dọa và phóng tên lửa Musudan-1?

Theo chuyên gia Van D. Hipp Jr. - Chủ tịch tổ chức tư vấn American Defense International Inc có trụ sở tại Washington, Mỹ không nên mắc bẫy nếu thấy không cần thiết. Đây là “trò chơi”  của Kim Jong-un nhằm khiêu khích Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ông Van D. Hipp Jr cho rằng hệ thống chiến đấu Aegis của Mỹ có khả năng để tính toán quỹ đạo của các tên lửa này trong vòng vài giây. Nếu tên lửa Musudan-1 bay về hướng đại dương, Mỹ nên để cho chúng tiếp tục cuộc hành trình và thu thập các mảnh vỡ để phân tích.

Trái lại, nếu hệ thống Aegis tính toán quỹ đạo của các tên lửa Triều Tiên nhắm vào Guam, Nhật Bản, Okinawa hoặc Hàn Quốc… Mỹ  cần phải chuẩn bị để không chỉ kích hoạt các tên lửa đánh chặn mà còn phải vô hiệu hóa các bệ phóng tên lửa của Triều Tiên bằng tên lửa Tomahawks. Mục tiêu tấn công cũng là 8 tên lửa Musudan mà Triều Tiên đang cất giữ trong các đường hầm dọc theo bờ biển Đông nước này.

Đầu tuần này, các nguồn tin tình báo phát hiện ra rằng Bình Nhưỡng đã lắp thêm một tên lửa Musudan-1 nữa vào bệ phóng, tại một khu vực khác ở miền Bắc Triều Tiên.

Triều Tiên được cho là có từ 50-200 tên lửa Musudan-1 tên lửa, với tầm bắn khoảng  2.500 dặm (khoảng 4.000 km). Các tên lửa Musudan đã được cải tiến, với bình chứa nhiên liệu lớn hơn cũng như có các hệ thống hoa tiêu, nhắm bắn mục tiêu hiện đại hơn nhập khẩu từ Nga. Cũng có lo ngại rằng một số tên lửa Musudan có thể đã được thiết kế để mang theo một đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ.

Đáng lưu ý là Musudan chỉ là tên lửa tầm trung, trong khi Triều Tiên có trong tay tên lửa Taepodong-2 với tầm bắn lớn hơn nhiều. Đó là chưa kể, Triều Tiên đã phóng thành công tên lửa mang vệ tinh Unha-3, với tầm bắn lên tới 6.200 dặm (khoảng 10.000 km).

Ngoài việc triển khai nhiều tên lửa Musudan-1, Triều Tiên đang vận chuyển một số lượng lớn đạn dược đến khu phi quân sự DMZ và các căn cứ pháo binh ven biển.

Tất cả động thái nói trên diễn ra giữa lúc Trung Quốc tập trung các đơn vị quân đội, tên lửa, xe tăng dọc theo biên giới với Triều Tiên và sau khi Mỹ đã có một số động thái như quyết định cắt giảm ngân ngân sách quốc phòng tới 1.200 tỷ USD trong vòng 10 năm, ngừng triển khai các hệ thống chống tên lửa ở Fort Greely, Alaska… Những quyết định này đã phát đi tín hiệu sai lệch đến ban lãnh đạo Triều Tiên, dưới thời Kim Jong-un.

Trong mấy tuần gần đây, chính quyền Obama đã đưa ra một số quyết định cứng rắn - trong đó có quyết định tái triển khai các hệ thống chống tên lửa ở Fort Greely, đưa radar nổi SBX cực kỳ hiện đại đến gần bán đảo Triều Tiên và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở đảo Guam. 

Mỹ cần phải tiếp tục triển khai các hệ thống tên lửa đánh chặn cả ở trên biển lẫn trên đất liền và đảo ngược những quyết định bất lợi trước đây về tên lửa đánh chặn.

Cuối cùng, đã đến lúc Mỹ phải gửi đến Trung Quốc một thông điệp mạnh mẽ: “Bắc Kinh không nên đổ lỗi cho cả hai phía, trong khi coi mình là vô can. Trung Quốc đã góp phần gây ra vấn đề Triều Tiên và bây giờ chính là lúc mà nước này phải sửa chữa sai lầm”.