Ra đường chạm mặt "cái bang"
Theo phản ánh của nhiều người dân, những ngày này, từ cổng nhà đến các ngõ phố, đi đâu cũng gặp người hành nghề xin ăn. Thậm chí, những lúc ở nhà cũng bị cái bang… gõ cửa làm phiền.
“Hơn tuần nay ăn xin ăn mày ở đâu mà vỡ tổ nhiều thế. Có hôm từ sáng đến trưa mà có tới cả vài chục người lượn lờ qua cửa hàng tôi xin tiền", một bà bán hàng tạp hoá ở cổng chợ Nghĩa Tân phàn nàn.
Chị Hà, một người bán đồ lưu niệm tại phố Nhà Chung cũng cho hay, mấy ngày gần đây, khu vực nhà thờ Lớn, các phố cổ, xung quanh Hồ Gươm… chỗ nào cũng nhan nhản người ăn xin.
Theo ghi nhận của Phóng viên, tại một quán cafe vỉa hè phía trước nhà thờ Lớn Hà Nội, trong vòng 30 phút khách phải "tiếp" gần 10 người ăn xin. Những cái bang này mang vẻ mặt thiểu não để mong nhận được sự rủ lòng thương của thiên hạ. Người già có, trung niên có, trẻ em cũng nhiều, thậm chí cả những đứa trẻ mới trong kỳ ẵm ngửa đã được cha mẹ cõng theo để làm quen với nghề.
Những người khỏe mạnh thường bế theo trẻ em đễ dễ xin.
Được biết, ăn xin đã được xem là một… nghề kiếm sống từ lâu ở một số địa phương, nhất là vào thời điểm nông nhàn, giáp Tết. Có gia đình, từ ông bà, con cháu lũ lượt đi ăn xin.
Một "cái bang" hành nghề ở khu vực quận Hoàn Kiếm mới chừng 10 tuổi cho biết, hiện cả ông bà, bố và hai anh em đều rời Thanh Hóa ra Hà Nội đi ăn xin. Ban ngày mỗi người chia nhau đi một hướng và chiều tối lạ hẹn nhau ở gần Hồ Gươm và sau đó về khu nhà trọ thuê theo đêm ở phố Cầu Đất, khu vực ngoài đê ven sông Hồng.
"Hầu như năm nào gần tết nhà cháu cũng đi… làm ăn ngoài ni. Chẳng phải mình nhà cháu, mà làng cháu cũng có rất đông nhà đi xin kiếm Tết…”, cậu nhỏ khoe.
Chạy đua cùng với Tết
Trong số cái bang hành nghề dịp giáp Tết, có người là dân "chuyên nghiệp" nhưng cũng có người chỉ theo mùa vụ. Với họ đây là thời điểm "ăn thua" nhất trong năm và là lúc chạy đua với thời gian để kiếm Tết.
Tuấn, cậu nhỏ 13 tuổi quê Hà Nam cho biết, em lên Hà Nội đi ăn xin cùng bà nội đã được 10 hôm và dự kiến sẽ "bám" Hà Nội đến sát Tết mới về quê. Năm nay là mùa thứ 2, Tuấn cùng bà lên Hà Nội kiếm ăn dịp Tết.
Nhiều cụ già vì muốn có 1 cái Tết to cũng xuống đường hành nghề.
“Vì không rành đường và sợ lạc nên hàng ngày hai bà cháu vẫn dắt nhau đi xin cùng. Bà đã già, mắt lại kém nên đi đâu cũng được nhiều người cho tiền. Hôm nào nhiều thì được 200.000 đồng, hôm nào "thất thu" cũng được 100.000", Tuấn hí hửng.
Tương tự, chị Hoan, 35 tuổi, quê Phú Thọ cũng cùng đứa con nhỏ 2 tuổi xuống Hà Nội kiếm tết bằng nghề xin ăn theo ... thời vụ. "Có sức dài vai rộng nhiều lúc đi ăn xin cũng thấy xấu hổ nhưng khổ nỗi nhà chỉ có mấy sào đất đồi trồng chè, khoai sắn nên lúc nào cũng đói ăn. Tôi cũng muốn đi buôn nhưng không có vốn. Nhân có đứa con nhỏ mới sinh bế đi cùng nên cũng dễ xin", chị Hoan thổ lộ.
Chị này cũng cho biết, chị chỉ xin từ nay đến ngày Ông Táo là về quê để lo tết. Số tiền xin được hàng ngày chị dành dụm để lo Tết cho cả gia đình.
Theo kinh nghiệm của những "cái bang" hành nghề lâu năm, đối tượng dễ “câu” được lòng thương từ thiên hạ là người già, trẻ em và người tàn tật. Những người này thường xin được nhiều tiền hơn những người trung niên có nhiều sức khoẻ. Do đó, không ít người lớn đã dựa vào trẻ em, dựa vào người già để mưu sinh cho thuận lợi. Thậm chí, có đứa trẻ đi xin cùng cả “đại gia đình” nhưng luôn than khóc là bố mẹ chết, bố mẹ bỏ nhau…để được rủ lòng thương hại.
Một cụ bà chừng ngoài 70 tuổi đã "đóng đô" ở cổng đền Ngọc Sơn để ăn xin dịp Tết 4 năm nay. Bà thu mình trong chiếc áo mưa giấy ngồi đợi lòng bố thí của mọi người. Khách du lịch nước ngoài qua lại đông nên số tiền bà xin được cũng khá nhiều. Có khách cho bà cả tờ 10 đô la. Theo vài người làm nghề chụp ảnh dạo ở đây kể thì bà cũng có nhà, có con cái đàng hoàng, nhưng vì muốn giúp con cái có cái tết khá giả, tươm tất nên năm nào bà cũng đi kiếm tiền…