Một trong những minh chứng cho thấy rõ nhất điều này là nằm rải rác khắp đại ngàn, đang có vô số nghĩa địa phu vàng mọc lên. Nghĩa địa hoang sơ, không người hương khói chính là “nơi yên nghỉ cuối cùng” của những phu vàng “hết thời”.
Những ngày cuối tháng 12-2011, thời tiết ở huyện miền núi tỉnh Quảng Nam thật khắc nghiệt. Từng cơn gió mang hơi nước của mùa đông cộng với nhiệt độ thấp ở vùng cao khiến cho người ta cảm thấy rùng mình, ớn lạnh đến thấu xương. Thế nhưng, ở nhiều nơi trong những cánh rừng già các huyện Tây Giang, Nam Giang, Trà My, Phú Ninh, Thăng Bình, Phước Sơn, phu vàng vẫn miệt mài làm việc, chui rúc dưới những hầm sâu hoắm. Họ không chỉ là người địa phương mà ở khắp các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi... kéo về. Đã bao vụ sập hầm xảy ra, bao mạng người vĩnh viễn nằm sâu dưới hàng ngàn khối đất đá, nhưng vì cuộc mưu sinh và khát vọng đổi đời, họ liều mình đánh đổi tất cả. Vì vàng, biết bao người đã phải vùi xác vĩnh viễn dưới lòng đất, để lại nỗi đau vô tận cho thân nhân, gia đình. Đây chính là “nguồn gốc” xuất hiện nhiều nghĩa địa phu vàng giữa đại ngàn Trường Sơn.
Ngày 29-12-2011, sau một tuần “nằm vùng” ở TT Khâm Đức (H. Phước Sơn), chúng tôi cũng tìm được người dẫn đường vào các bãi vàng trong hun hút núi thẳm với giá 1,8 triệu đồng tiền công. Người đi cùng tôi lần này là Quý “đá đỏ” - một "đại ca" vùng vàng hết thời “dạt” về hành nghề xe ôm gần chục năm nay ở TT Khâm Đức.
Tác giả bên ngôi mộ của một phu vàng.
Sau 2 ngày lội bộ băng rừng, ban đêm dựng lán nằm lại dọc đường đi, cuối cùng chúng tôi cũng vào được lãnh địa “vàng tặc” ở các xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc (H. Phước Sơn). Cách trung tâm UBND xã Phước Thành khoảng 3km về phía đông bắc, nằm bên tuyến độc đạo ra vào rừng Phước Thành có một nghĩa địa phu vàng với hàng chục ngôi mộ hoang nằm gối đầu vào nhau như minh chứng cho sự chết chóc kinh hoàng một thời.
Đốt xong nén hương, đi thắp hết lần lượt từng ngôi mộ lạnh lẽo, Quý “đá đỏ” kể cho tôi nghe những ngày tháng “máu trộn bùn non” trên các bãi vàng. Quý sinh ra và lớn lên ở H. Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Năm 1992, sau khi bán trót lọt 2 viên “đá đỏ” giả cho một băng cướp khét tiếng tại TP Vinh, Quý cầm gần 1 tỷ đồng “dạt” vào các bãi vàng Phước Thành “định cư” để tránh sự truy sát. Nhờ vào đồng tiền và sẵn máu giang hồ, chẳng bao lâu, Quý “đá đỏ” trở thành một "đại ca" cai quản hàng trăm đệ tử ở hầm vàng Khe Cọp. Nhưng rồi cuộc đời ba chìm bảy nổi đã đưa Quý “dính” vào ma túy và bị nhấn chìm sau đó.
“Thời gian đầu, tôi chỉ đạo đàn em dùng mìn và vũ khí nóng đi cướp vàng và gái mại dâm từ các băng, nhóm khác đưa về tiêu khiển. Nhưng từ khi bị nghiện, “chiến lợi phẩm” mà chúng tôi chú ý hơn trong mỗi “trận đánh” là ma túy. Thời đó, vàng, ma túy và gái mại dâm là nguyên nhân gây nên những cuộc chém giết đẫm máu giữa các băng, nhóm giang hồ có máu mặt trên các bãi vàng” - Quý “đá đỏ” hồi ức lại quá khứ của mình.
Chinh phạt được một thời gian, sang năm 1994, một biến cố lớn đã xảy ra đối với Quý “đá đỏ” khi nhiều “đệ tử” ruột cứ bỏ “đại ca” mà ra đi. 29 đứa bị chết vì ma túy, HIV và bệnh tật, sốt rét, phần còn lại trở về quê hoặc “đầu quân” vào băng, nhóm khác rồi quay lại “phản chủ”. Năm 1995, từ một “đại ca” máu lạnh thao túng cả một vùng vàng rộng lớn, Quý “đá đỏ” trở thành kẻ trắng tay và bị các băng, nhóm giang hồ khác truy sát ngược trở lại. Không chốn nương thân, cuối cùng Quý đành lang bạt vào TPHCM “lánh nạn” một thời gian rồi quay trở lại Quảng Nam lập nghiệp, hành nghề xe ôm từ đó đến nay.
Nhổ những bụi cỏ dại mọc trên nấm mồ mang tên Lê T. Đạo (48 tuổi, quê Nam Định, mất... giờ ngày 3-3-2003), Quý “đá đỏ” nói trong nước mắt: “Đây là thằng đệ tử ruột trung thành nhưng cũng là thằng bạn thân nhất thời ở bãi vàng cùng tôi. Sau khi tôi đi, không biết nó phiêu dạt về đâu mà cuối cùng nằm lại nơi này”.
Ngoài quá khứ của riêng mình, những ngày giữa rừng sâu, Quý “đá đỏ” còn kể cho tôi nghe câu chuyện về sự hình thành nên nghĩa địa phu vàng, những nấm mồ hoang nằm rải rác khắp núi rừng Phước Sơn. “Hồi đó, người chết nhiều vô kể. Thường thì mỗi ngày có 5-6 người phải bỏ mạng vì sập hầm, ma túy, HIV và sốt rét. Ngày “đen tối” nhất, số phu vàng phải bỏ mạng lên tới vài chục người. Những người sống sót còn lại dùng dây rừng bó chân tay “đồng nghiệp” đã chết thành hình chữ “I” hoặc chữ “e” rồi tấp chiếu, vác ra một khu đất trống nằm cạnh đường đi “chôn suông”. Hy vọng sau này người nhà của họ đến sẽ tìm kiếm được” - Quý tâm sự.
Quý “đá đỏ” thắp nhang cho đệ tử trung thành của mình.
Tôi chỉ tay về hướng hàng trăm nấm mồ nằm lại lạnh lẽo giữa rừng hoang và buột miệng hỏi: “Anh Quý này! Đa phần những nấm mồ ở đây đều không có bia mộ, không có tên tuổi thì làm răng mà người nhà của họ sau này tìm ra?”. Quý “đá đỏ” trả lời mà như thở dài: “Thì vậy đó. Nhưng biết làm răng được chú! Phận phu vàng thời đó bạc và rẻ hơn rau muống. Lúc sống như con chuột, chui nhủi dưới hầm sâu suốt ngày này sang ngày khác, còn lúc chết thì không quan tài, không hương khói, không người thân bên cạnh”.
Nửa tháng dầm dề trong cái lạnh tê tái của núi rừng xứ Quảng, tôi đã được Quý “đá đỏ” dẫn đi nhiều nghĩa địa phu vàng, đó là nghĩa địa phu vàng ở cuối đường băng sân bay dã chiến thời Mỹ-ngụy tại TT Khâm Đức, là nghĩa địa phu vàng lọt thỏm trong cánh rừng già giáp ranh các xã Phước Chánh, Phước Kim, Phước Công, Phước Lộc. Phần lớn nấm mồ phu vàng đang bị lau lách, cỏ dại mọc um tùm, che kín và bị người đời quên lãng theo thời gian...
(Còn nữa)