Hơn 90 tuổi, đã cùng nắm tay nhau đi qua hai thế kỷ, nhưng trong câu chuyện với tôi vào một buổi chiều đông tại căn nhà của vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ trên phố Mai Hắc Đế, Hà Nội, tôi không khỏi xúc động khi chứng kiến ánh mắt âu yếm hạnh phúc và cách xưng hô rất đỗi ngọt ngào "anh, em" của vợ chồng nhạc sĩ.
Ông cho biết, người bạn đời của ông là duyên cớ để ông viết nên ca khúc "Giáo đường im bóng" năm 1938...
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ bên người bạn đời.
Nguồn cảm hứng bất tận
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ, dáng người cao, gầy cho biết, khoảng một vài tháng nay, sức khoẻ yếu nhiều, ông không đi được xe máy nữa. Nhưng ông vẫn "thèm" cái cảm giác đi chu du bằng xe máy.
Trước đây, ông từng đi xe máy đến tận các tỉnh Yên Bái, Lạng Sơn, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa...
Lúc ấy, gia đình, bạn bè đều lo lắng cho ông nhưng ai cũng hiểu tính nghệ sĩ trong con người của ông nên chỉ bóng gió xa xôi nhắc ông giữ gìn sức khoẻ chứ không ai dám ngăn ông nửa lời.
Ông cứ đi thong dong như thế, thấy ở đâu cảnh đẹp, người xinh thì dừng lại thăm thú.
Giờ không có điều kiện đi đây đó, ông và người bạn đời là bà Vũ Hà Tiên lại ngồi trò chuyện rủ rỉ với nhau.
Những câu chuyện ôn nghèo kể khổ, những kỷ niệm yêu thương thủa nào và chuyện con cái, cháu chắt luôn là đề tài thường trực trong những câu chuyện của ông bà.
Tôi cũng may mắn khi được nghe ông kể lại mối duyên kỳ ngộ đã đưa hai người đến với nhau, để hiểu rõ hơn vì sao đã đi qua gần hai thế kỷ đầy sóng gió, biến động nhưng họ vẫn giữ được ngọn lửa yêu thương trong trái tim mỗi người.
Mùa hè năm 1938, chàng trai Nguyễn Thiện Tơ mới 17 tuổi, gặp cô gái Vũ Hà Tiên vừa tròn 16, trong một buổi biểu diễn ca nhạc ở Nam Định bán vé lấy tiền mua gạo cứu tế cho đồng bào đang bị nạn đói hoành hành.
Tơ chơi đàn ghita, còn Tiên hát rất hay và chơi đàn măngđôlin.
Mến mộ tài sắc của nhau trong đêm diễn ấy, đôi bạn trẻ đã đến với nhau hết sức tự nhiên. Tình yêu ngây ngất khiến chàng trai viết nên những dòng ca từ đẹp như một bài thơ:
"Nhớ tới đêm đầy ánh sáng/Hương trong gió ngàn mênh mang/Giây phút như ngừng thôi trôi/Tiếng kinh muôn lời/Dáng xinh xinh bao tiên kiều/Quỳ ngân Thánh kinh ban chiều/Trong giáo đường đêm Noel ấy ngàn đời tôi mến yêu...".
Bản tình ca ghi dấu mối tình sâu đậm của hai người suốt từ khi ra đời cho đến nay, trở thành một trong những bản tình ca có sức sống mãnh liệt nhất, đặc biệt là trong mỗi mùa Noel.
Gần 70 năm chung sống, chưa một lần nặng lời
Ngày ấy, sự khác biệt về tôn giáo đã khiến đôi bạn trẻ tưởng không thể đến được với nhau. Nhưng cuối cùng tình cảm chân thành đã thuyết phục được gia đình.
6 năm sau ngày gặp gỡ, họ mới tổ chức đám cưới. Gần 70 năm chung sống, ông bà cho biết mọi sự đều tâm đầu ý hợp, thuận vợ thuận chồng, chưa bao giờ nói nặng lời với nhau, cũng chưa bao giờ làm nhau buồn lòng.
Trải qua bao thăng trầm cuộc sống, chiến tranh loạn lạc, ông bà có với nhau tất cả 8 người con. Bà Tiên không quản ngại vất vả, đặt gánh nặng kinh tế lên đôi vai bé nhỏ của mình, lo toan mọi việc chu toàn trong gia đình.
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ tâm sự, ông sáng tác bài hát "Giáo đường im bóng" với ý nghĩ tình yêu của mình sẽ không đến được bến bờ vì có quá nhiều rào cản, nhưng cuối cùng, chính ông cũng không khỏi bàng hoàng, xúc động khi nhận thấy rằng cuộc đời mình lại có quá nhiều may mắn như vậy.
Ông nói: "Tôi sinh ra, lớn lên, già đi và có lẽ chết đi cũng trong căn nhà này thôi...". Điều ông nói nghe thật giản dị nhưng không hề dễ dàng, đơn giản để sống cho nhau một cuộc đời đẹp như thơ, như mộng ấy.
Và cũng thật không hề dễ dàng để cùng nhau đi đến cuối con đường mà vẫn ngập chìm trong ánh mắt hạnh phúc, trìu mến như lời bài hát: "Đắm đuối trên làn sóng mắt nàng huyền mơ... ".