Mộ bà trùm Dung 'Hà' sau 14 năm vẫn thường có người thăm viếng (Kỳ 2)

Sau 14 năm ngày mất, mộ cô Dung "Hà" vẫn thường có người thăm viếng. Điều này khiến mọi người nhớ tới lời của 1 cán bộ công an nói về Dung là 1 người phụ nữ bản lĩnh...

Đám tang có một không hai

Tháng 8/2000, do hết cửa làm ăn ở miền Bắc, Dung “Hà” đành phải dẫn đàn em dạt vào TP.HCM. Lúc này đứng đằng sau Dung là Minh “sứt”, một trùm buôn lậu ma tuý. “Chân ướt chân ráo” vào Sài Gòn nhưng Dung “Hà” đã bộc lộ rõ bản chất của kẻ giang hồ, muốn “chia phần” lãnh địa với “ông trùm” Năm Cam. Sau những đòn quậy phá Năm Cam như rải phân người cho đến tổ chức chém nhau, ném mắm tôm, thả rắn tại sòng bạc…, Dung đã được ông trùm nhượng bộ cho mở sòng bạc tại 17 Bùi Thị Xuân.

Theo lời khai của Hải “Bánh”, tuy đã được Năm Cam giúp đỡ nhiều nhưng Dung vẫn liên tục ra yêu sách, quậy phá việc “làm ăn” của ông trùm. Ngay cả Hải “Bánh” ngày trước từng đi theo Dung, vậy mà nay cũng bị Dung quậy vì Hải đã trở thành “đệ cứng” của Năm Cam. Không thể nhẫn nhin với Dung nữa, Năm Cam tìm gặp Hải “Bánh” và ra lệnh: “Chú ở gần Dung “Hà” thì biết tánh nó rồi, nó muốn làm gì là làm chứ có nể ai đâu. Điều đình không được thì chú tự tính… Anh không muốn thấy mặt nó nữa”.

Ngày 29/9/2000, Hải gọi điện thoại triệu tập Nguyễn Việt Hưng và Nguyễn Xuân Trường đến kể chuyện bị Dung quậy phá và bàn cách trả thù. Khoảng 0h20 ngày 2/10, Hưng bắn chết Dung ngay tại trước số 17 Bùi Thị Xuân. Cái chết của Dung “Hà” khiến giới giang hồ khắp trong Nam ngoài Bắc choáng váng. Trong lúc nhiều đệ tử thân tín của bà trùm hạ quyết tâm trả thù, một trong những chuyện án truy quét tội phạm xã hội đen lớn nhất trong lịch sử hình sự nước nhà cũng được cơ quan công an tiến hành.

Dân giang hồ khắp cả nước, đặc biệt là Hải Phòng coi đêm Dung “Hà” bị bắn chết là một đêm “lịch  sử”. Sau khi “cô em” chết, Minh “sứt” đã chỉ đạo đàn em tắm gội sạch sẽ, sức nước hoa, mặc quần áo mới tinh tương rồi mời thầy cúng đến khâm liệm cho Dung “Hà”. Đến nay, người dân ở thành phố cảng vẫn cho rằng đám tang của bà trùm này là đám tang có một không hai về cả mức độ hoàng tráng lẫn số người tham dự. Gần như không một đàn anh, đàn chị giang hồ có máu mặt nào ở miền Bắc vắng mặt trong đám tang đó.

Minh “sứt” chứng tỏ mình là một đàn anh đích thực khi vung tiền không tiếc tay thuê hẳn một chiếc máy bay chở xác Dung “Hà” về Hải Phòng. Tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng), tất cả đàn em của bà trùm đều có mặt để đón linh cữu bọc quan tài kẽm của “chị cả”. Đám tang của Dung làm người ta liên tưởng đến đám tang trong tiểu thuyết của các bố già mafia trên thế giới. Rất nhiều nhà sư, thầy cúng được mời đến đám tang để cầu siêu cho Dung “Hà”. Quan tài của Dung được đắp hoa rực rỡ. Dọc con phố Trạng Trình vào nơi tổ chức đám tang tại nhà Dung, cánh đàn em đứng thành hai hàng dọc, mặc đồng phục đen.

Đệ tử, người quen đến đưa tang cứ nối hàng kéo dài từ phố Trạng Trình tới tận Nhà hát Lớn (khoảng 2 km). Người đến đưa tang, ai nấy đều trong trang phục veston đen, cài hoa hồng trắng ở ngực áo, mắt đeo kính đen, đi trên xe ô tô cũng màu đen, chỉ vòng hoa là trắng.

Trước giờ đưa bà trùm về nơi an nghỉ cuối cùng, Minh “sứt” đã chỉ đạo đàn em đứng dọc các tuyến phố có xe tang đi qua. Quãng đường từ Cầu Rào tới nghĩa trang Ninh Hải cũng bị phong toả. Một đoàn xe hơi màu đen láng coong xếp dài cả cây số trên phố chầm chậm đi sau xe quan. Phía sau là đoàn người dài kín phố.

Oanh "Hà" chị gái của Dung.

Chưa biết ngày cải táng

Một ngày đầu tháng 11/2014 này, chúng tôi đã đến thăm mộ Dung “Hà” ở nghĩa trang Ninh Hải. Do nấm mồ của bà trùm nằm mãi cuối nghĩa trang nên người quản trang đã “đặc cách” cho khách đi xe vào tận nơi vì “đi bộ biết khi nào mới tới”.

Khu vực có mộ của Dung “Hà” hiện là một bãi đất trống. “Trước đây, khu đó là nơi chôn cất trước khi cải táng. Người ta cải táng hết rồi, chỉ còn lại đúng 2 ngôi mộ. Một chôn năm 2005 và mộ cô Dung chôn từ năm 2000”, người quản trang cho biết.

Đặc điểm nổi bật và dễ nhận biết nhất của ngôi mộ này chính là hai cây cau vua (còn được gọi là câu sâm – banh) trồng hai bên . Theo lời người quản trang thì hai cây cau được trồng chỉ vài ngày sau đám tang của bà trùm. Sau 14 năm, chúng đã lớn và hiện đang  trổ hoa. Ngoài ra, còn có 1 cây mai vàng được đệ tử của Dung mang đến trồng vào khoảng 6 năm trước.

Trên tấm bia mộ có mái che, ghi tên Vũ Hoàng Dung và ngày mất. Bát hương cắm đầy chân hương và những loại thuốc lá đắt tiền như ba số, Marlboro… Hai bình hoa trước mộ, hoa vẫn tươi, chứng tỏ có người mới đến.

Càng bất ngờ hơn khi người quản trang cho biết: “Mộ cô Dung vẫn thường xuyên có nhiều người thăm viếng. Đặc biệt, ngày rằm mùng một thì không khi nào thiếu”. Hỏi ra mới biết, sau ngày Dung được chôn cất, hàng ngày vẫn có rất đông đệ tử của chị cả tới thăm nom. “Về sau, số người tới viếng mộ có ít hơn nhưng thỉnh thoảng vẫn có tốp khi thì hai người, lúc thì ba người tìm đến. Toàn là những người xăm trổ, dáng vẻ hầm hố nên nhìn qua đã biết là dân giang hồ. Họ bao giờ cũng mang hoa tươi, hoa quả ngon và thường để lại luôn chứ không mang về”, một nhân viên nghĩa trang cho biết.

Ngoài những bạn hữu và đàn em năm xưa của Dung “Hà” thì người trong gia đình thường xuyên đến thăm mộ Dung chính là Vũ Hoàng Oanh (tức Oanh “Hà”, chị ruột của Dung). Oanh cũng là một “chị cả” sừng sỏ trong giới bài bạc. Tháng 3 – Lễ Thanh Minh năm vừa rồi, Oanh “Hà” có dẫn hai người con đến trước mộ em gái nói lời từ biệt để “đi xa”. Không ngờ tháng 7/2014 vừa qua, Oanh đã bị Công an tỉnh Lâm Đồng bắt khi đang tham gia đánh bạc (sóc đĩa) tại TP. Đà Lạt.

Có một câu chuyện rằng khi bị công an bắt giữ, Oanh vẫn tỏ ra rất bình tĩnh và “cứng đầu”. Lúc bị trinh sát dẫn giải Oanh Hà luôn ngó nghiêng tìm cách trốn thoát nhưng bất thành. Khám xét người Oanh, công an tìm thấy giấy CMND đã cũ mang tên Vũ Hoàng Dung (tức Dung “Hà”).

Oanh kể từ khi em gái bị bắn chết, Oanh giữ lại giấy CMND này và luôn mang trong  người. Thấy cán bộ chưa trả lại, Oanh còn “hù”: “Cán bộ mà giữ lại, đêm đến Dung nó về đứng trước đầu giường nó làm thế này… thế này… (Oanh giơ tay làm “ma” hù doạ), khỏi ngủ nổi đó”.

Oanh là người chăm nom tích cực nhất cho mộ phần của em. Ngoài việc thường xuyên đến thắp hương, Oanh cũng chi tiền hậu hĩnh cho lực lượng quản trang để “lưu tâm” luôn giữ cho cỏ trên mộ Dung được xanh tốt. Oanh từng tiết lộ, việc làm này là theo ý nguyện của Dung dặn lại trước ngày chết.

Theo đó, bà trùm có trăng trối là phải giữ cho mộ của mình luôn được “xanh mồ tốt cỏ”. Ngoài ra, còn phải trồng hai cây cau ở hai bên. Đó là hai cây câu sâm – banh (hình dáng phình to giống như chai champagne) vừa sang trọng vừa lấy bóng râm. Phần mộ cũng không được xây mà trồng cỏ lên trên để cho âm dương điều hoà.

Thông thường, với các phần mộ khác thì chỉ từ 3 – 5 năm sẽ được gia đình cải táng. Thế nhưng mộ của Dung vẫn nằm nguyên sau 14 năm. Lý giải về điều này, ông Trưởng ban quản lý nghĩa trang cho biêt: “Lúc chôn cất, chúng tôi đã tháo quan tài kẽm ra, tuy nhiên cho thi thể được tiêm phóc – môn để bảo đảm nên thời gian chờ cải táng phải kéo dài hơn. Một lý do nữa là do không có người thân đến lo liệu làm thủ tục. Năm 2013, cô Oanh có đăng ký nhưng rồi lại lùi lại tới tháng 11 năm nay”.

Dự kiến khi được cải táng, phần mộ của Dung “Hà” sẽ được gia đình đưa về quê hương huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng). Thế nhưng với việc Oanh “Hà” mới bị bắt giữ gần đây thì e rằng kế hoạch kia vẫn chưa biết đến khi nào mới được thực hiện.

Trong quá trình “hành tẩu giang hồ” Dung “Hà” đã gây thù chuốc oán với rất nhiều người. Lúc còn sống, Dung rất được đàn em nể phục vì bà trùm này sống rết “có tình nghĩa”, chỉ thích “xé vé” kẻ mạnh mà không bao giờ hiếp đáp kẻ yếu. Có lẽ vì thế mà đến nay tên tuổi của Dung “Hà” vẫn được đặt trang trọng trong lòng của dân giang hồ đất Cảng. Xin được mượn lời của một cán bộ công an để kết thúc bài viết này: “Đó là người phụ nữ bản lĩnh, biết sống và chăm sóc, yêu thương người yếu (thế) hơn mình. Giá như đi đúng hướng, cuộc đời người phụ nữ này sẽ làm được nhiều việc có ích cho xã hội chứ không phải là “bà trùm” tai tiếng”.