Sáng tinh mơ mỗi ngày, người đàn bà tay chân tật nguyền lại lê từng bước đi 5km, đến nơi đổ xỉ than để nhặt nhạnh từng mẩu thừa đem bán.
Người đàn bà tật nguyền nhặt xỉ than nuôi con (Ảnh minh họa) |
Người ta nhặt được 5kg, chị mới được 2kg, nhưng cuộc sống của hai mẹ con đều trông chờ vào những mẩu xỉ vụn như vậy.
Mẹ tàn tật một mình nuôi con
Chị Hồ Thị Lĩnh (38 tuổi, ngụ xóm Bòng, thôn Tranh Đấu, xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) là con út trong gia đình có bốn người con, bố là bộ đội, mẹ là nông dân, lọt lòng hai cánh tay đã teo lại, đôi chân co quắp, sần sùi. “Khi sinh ra nó chỉ được 2kg, người yếu ớt, chân tay cong vẹo, khóc không lên tiếng, đến 5 tuổi vẫn nằm không thể đứng lên được. Nhìn thấy đứa con chính mình sinh ra bị như vậy có cha mẹ nào không thương, không muốn chữa chạy. Nhưng ngặt nỗi gia đình rất nghèo, cơm không có mà ăn lấy tiền đâu chữa trị cho con. Phải chi thời đó có tiền thì giờ đây con chúng tôi không phải sống với nỗi đau như bây giờ…”, ông Hồ Văn Bưởi (bố của chị Lĩnh) nghẹn ngào nói.
Ông Bưởi kể đã từng tham gia chiến đấu “vào sinh ra tử” trong nhiều chiến dịch Quảng Nam và đường 9 Nam Lào… Đến năm 1970, do sức khỏe suy giảm nên ông trở về quê hương và lập gia đình. Hạnh phúc không tròn vẹn vì vợ chồng sinh được bốn người con (một trai, 3 gái) nhưng người con cả và con út (chị Lĩnh) mắc bệnh kì dị, trong đó chị Lĩnh bị nặng nhất. Có thể do ông bị ảnh hưởng chất độc da cam thời đi bộ đội nên con cái mới bị vậy.
Khi trưởng thành, 3 người con lớn đều tìm được hạnh phúc riêng. Người con cả dù tàn tật nhưng cũng lấy được người vợ cùng xóm và ra ở riêng, hai con gái tiếp theo cũng lấy chồng vào Nam sinh sống. Riêng chị Lĩnh lại không được suôn sẻ. Năm 28 tuổi, chị vào Nam sống cùng người chị thứ hai, nhờ sự mai mối của người chị này đã được một người đàn ông ở Tứ Kì (Hải Dương) cùng vào Nam lập nghiệp yêu thương và xin cưới. Thời điểm đó hai người đều rất nghèo, chị Lĩnh lại bị tàn tật, nhưng anh kia vẫn quyết tâm kết hôn, bỏ ngoài tai sự phản đối của gia đình Người phụ nữ đã nhiều lần bật khóc hạnh phúc vì tình thương của người chồng. Nhưng chỉ sau một năm chung sống, người chồng bất ngờ rời bỏ chị và đứa con trai chưa đầy một tuổi đi theo người đàn bà khác. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, căn bệnh của chị đang có dấu hiệu hồi phục nay trở nặng thêm, nhiều lần chị có ý định tự vẫn nhưng nghĩ đến con nhỏ lại không đành lòng.
Trở về quê hương, chị Lĩnh chỉ còn hai bàn tay trắng, sức khỏe giảm sút, bị mất 81% sức lao động, đã thế còn bị dân làng dị nghị, phải nuốt nước mắt quyết tâm nộp hồ sơ xin vào các công ty gần nhà để nuôi con khôn lớn. Nhưng thấy chị tàn tật, chẳng cơ quan nào dám nhận vì sợ gánh “nợ” vào thân. “Nhiều lúc tôi chán nản đến tột cùng, nhưng khi nhìn con, lòng tôi lại được an ủi và quyết phải kiếm được một công việc để nuôi con khôn lớn”, chị Lĩnh vừa khóc vừa tâm sự.
Bò lê đi nhặt xỉ than
Một công ty cách nhà chị Lĩnh khoảng 5km chuyên sản xuất các loại thạch và rau câu. Một lần đi qua vô tình thấy họ đổ xỉ than ra ngoài sau khi đốt xong lò, chị chợt nảy ý định nhặt xỉ than để bán. Người bình thường làm việc này đã khó, người tàn tật lại càng khó hơn. Nhưng nghĩ đến đứa con đang đói nằm nhà, chị quyết tâm “dù có bò lê cũng phải đi”.
Ngày nào cũng vậy, chị Lĩnh dậy từ 5h để bắt đầu công việc. Không đi được xe đạp, nhiều lúc bệnh tật tái phát, chân đứng không vững, tay không cầm nổi chiếc bao đựng xỉ than, chị phải lê, bò từng bước. Càng đau, càng cực nhọc bao nhiêu, chị càng nghĩ đến con bấy nhiêu để có thêm sức mạnh, chỉ mong kiếm được chút đỉnh về nuôi con. Người bố nhìn con gái vất vả lúc đầu ngăn cản nhưng đành chịu vì “nhà chúng tôi cũng nghèo không thể nuôi nổi, đau xót lắm”.
Thấy chị Lĩnh hoàn cảnh khó khăn, cơ thể thì tàn tật, hạnh phúc không trọn vẹn, nhưng sống tất cả vì con nên dân làng không điều qua tiếng lại nữa, thay vào đó lại thương chị hơn, người đến cho quần áo, người cho ít gạo, người thì giúp chở đến viện khi bệnh tật tái phát…
Năm 2013, chị Lĩnh vội đi nhặt xỉ than nên va phải siêu nước đang đun sôi, ngã sấp trên vũng nước nóng. Do người bị tàn tật, chân tay run không thể đứng lên được nên vết bỏng càng loang nặng thêm. May sao có người hàng xóm sang chơi nhìn thấy đã gọi người cùng chở đi cấp cứu.
Ông cụ Nhịch (75 tuổi, hàng xóm của chị Lĩnh) bàng hoàng nhớ lại: “Lúc đó khoảng 14h, tôi đang ở nhà, nghe tiếng gọi gấp báo chị Lĩnh bị bỏng nặng đang nằm hôn mê bất tỉnh, tôi liền lấy xe chạy sang ngay đưa đi trạm xá cấp cứu. Hôm ấy vào chủ nhật, trạm xá không làm việc, tôi phóng xe thật nhanh chở chị lên viện huyện Gia Lộc, sau đó gọi báo cho bố chị Lĩnh biết. May sao đến kịp bệnh viện, nếu không không biết hậu quả như thế nào”.
Người hàng xóm cũng chia sẻ: “Nhà chị Lĩnh nghèo lắm, cơm không có mà ăn, người bị tàn phế nhưng cô ấy vẫn đi nhặt chút xỉ than để nuôi con. Ngày nắng cũng như ngày mưa, chúng tôi còn chưa thức dậy đã thấy chị ấy đi làm rồi, xóm chúng tôi ai cũng yêu quý và khâm phục mẹ con họ”.
Con theo mẹ nhặt xỉ kiếm sống
Sau lần suýt chết đó, chị Lĩnh vẫn tiếp tục công việc. “Có hôm trời mưa rất to, chỉ có mình tôi đi làm. Trời chưa hửng sáng, mưa ướt hết cả quần áo, đường trơn trượt khiến nhiều lần tôi ngã nhào xuống ruộng không thể đứng lên được. May sao gặp được người tốt bụng định đưa đến bệnh viện nhưng tôi phải từ chối vì công việc chưa hoàn thành, không thể ngồi yên nhìn con ốm, đói nằm ở nhà. Hôm đó tôi rất vui vì nhặt được gần 50kg và bán được hơn trăm ngàn”.
Tuy nhiên, càng về sau việc nhặt than càng khó bởi có thêm nhiều người làm việc này, trong khi lượng than đổ ra ít dần. Nhiều lúc phải cạnh tranh khốc liệt mới được viên than còn sót lại. Chị Lĩnh tàn tật không nhặt nhanh được, người khác nhặt được 5kg, chị chỉ nhặt được 2kg, chưa kể còn bị tranh giành, xô đẩy đến ngã nhào.
“Tôi chỉ mong ước ông trời cho khỏe mạnh để có thêm thời gian chăm sóc đứa con của mình”. (ảnh minh họa)
Hỏi “tiền nhặt xỉ than được ít vậy, làm sao nuôi con ăn học”, chị nói: “Do tôi bị tàn tật lại thuộc hộ nghèo nên mỗi tháng tôi được hưởng trợ cấp 180 ngàn, cộng thêm cháu mỗi năm đi học được hỗ trợ tiền học và được bảo hiểm, lúc bệnh tật ốm đau đi viện mua thuốc không mất tiền”.
Nhắc đến cậu con trai duy nhất, chị Lĩnh ngậm ngùi cho biết: “Cũng chỉ vì tôi mà cháu nó phải khổ, hạnh phúc thì đổ vỡ, con sinh ra không có cha, nhà thì nghèo không có tiền nuôi cháu như những đứa trẻ khác. Nhìn thấy những đứa trẻ khác có cha đưa đón đi học, về nhà nó khóc hỏi cha đâu rồi, tôi đành nén nước mắt nói là cha đi công tác xa chưa về”.
Chị tâm sự thêm: “Cháu nó là Hồ Văn Sơn, năm nay 10 tuổi, đang học lớp bốn. Nhà nghèo không có gì ăn nhưng cháu không bao giờ đòi hỏi gì cả, rất thương mẹ, cố gắng học hành. Năm nào cháu cũng được giấy khen xuất sắc, có cả bằng khen, được thầy cô giáo yêu quý lắm. Thầy cô, họ hàng biết hoàn cảnh khó khăn đều rất quan tâm, hôm thì cho cháu tiền, hôm thì cho cháu quà động viên”.
Cậu con trai còn đòi theo giúp mẹ nhặt xỉ than. Cứ học xong Sơn lại cầm chiếc móc sắt theo mẹ ra bới từng viên than còn sót lại. Người ông xót cháu vất vả, cấm không cho đi nhặt than nữa vì thu nhập chẳng đáng bao nhiêu, nhưng cậu bé không chịu, vẫn đi giúp mẹ. Chị Lĩnh chia sẻ ước muốn: “Tôi chỉ mong ước ông trời cho khỏe mạnh để có thêm thời gian chăm sóc đứa con của mình”.
Mọi sự đóng góp về tinh thần, vật chất cho mẹ con chị Lĩnh vượt qua khó khăn, mời bạn đọc hảo tâm liên hệ theo địa chỉ: Chị Hồ Thị Lĩnh, xóm Bòng, thôn Tranh Đấu, xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. |
Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%