Ngay đầu tuyến đường ĐT 609B, thuộc thôn Nghĩa Tây (Đại Nghĩa) cách hai nhà máy này hơn 2km đường chim bay nhưng mùi hôi đã khiến người đi đường có cảm giác khó thở. Bà Trần Thị Gánh (49 tuổi), một người dân địa phương, cho hay người dân quanh khu vực Nghĩa Tây này mất ăn mất ngủ cũng vì hai nhà máy thay nhau bốc mùi hôi thối.
“Buổi tối là mùi cao su của Công ty TNHH Cao su Đà Nẵng bốc lên nồng nặc. Buổi sáng đến khuya, đặc biệt là lúc đứng trưa, đến lượt Công ty TNHH Đại Hòa xả mùi hôi của cá, tôm thối một góc trời” - bà Gánh than thở. Ông Đoàn Thanh, người dân xã Đại Quang, nói rằng nhà ông chỉ cách nhà máy chế biến thức ăn gia súc một bức tường nên ông “ngủ phải dùng khẩu trang, thoa dầu để bớt mùi hôi”.
Thế nhưng phó giám đốc Công ty TNHH Đại Hòa Nguyễn Thị Lành cho rằng: “Tôi chưa nghe người dân phản ảnh việc hôi thối lên công ty. Muốn biết hôi thối hay không phải quan sát kỹ, đừng nghe phản ảnh”.
Trong khi đó, phó trưởng Phòng tài nguyên - môi trường huyện Đại Lộc Trương Văn Huấn thừa nhận việc hôi thối của hai nhà máy trong Cụm công nghiệp Mỹ An là có, bởi chính ông là người đi giải thích và tổng hợp bức xúc của người dân về ô nhiễm môi trường của hai nhà máy này trong lần tiếp xúc cử tri của HĐND tỉnh Quảng Nam vừa qua. Ông Huấn cho biết: “Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường lúc xin giấy phép xây dựng nhà máy ở đây mọi thứ rất chuẩn. Rồi lần nào chúng tôi cùng cảnh sát môi trường ở huyện đến kiểm tra thì các tiêu chuẩn đều đạt... trừ mùi hôi, nên không xử lý được. Chúng tôi sẽ đưa vấn đề này ra trước kỳ họp HĐND huyện sắp đến”.
Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Nguyễn Văn Trúc cho biết: “Sắp tới UBND huyện sẽ yêu cầu nhà máy chuyển đổi công nghệ từ phơi cá sang sấy nên hi vọng không còn hôi thối. Chúng tôi đã đề nghị chính quyền tỉnh, các cơ quan chuyên ngành đo quan trắc mùi hôi, nếu sai phạm quá mức quy định thì buộc dừng sản xuất”.