Bào chữa cho thân chủ của mình là Nguyễn Đức Kiên, các luật sư (LS) đã đưa ra rất nhiều luận điểm, viện dẫn nhiều luận cứ để chứng minh thân chủ mình vô tội.
LS Bùi Quang Nghiêm cho rằng bị cáo Kiên không phạm tội trốn thuế bởi pháp luật không cấm các cá nhân ký hợp đồng ủy thác kinh doanh vàng với các ngân hàng hay các tổ chức kinh doanh vàng. Về tội lừa đảo, bị cáo Kiên đã trình bày rất cụ thể trong đơn, bên cạnh đó, trong phần trả lời của tập đoàn Hoà Phát, LS cho rằng phía Hoà Phát chưa khi nào thừa nhận là mình có thiệt hại vì bị cáo Kiên chiếm đoạt…
Còn LS Nguyễn Huy Thiệp thì cho rằng bản án sơ thẩm cho rằng bà Hương (em gái "bầu" Kiên) không có giấy phép kinh doanh vàng nên hợp đồng ủy thác đầu tư là không hợp pháp, là hợp đồng khống, tuy nhiên, LS Thiệp cho rằng trốn thuế là hành vi cố ý không thực hiện nộp thuế theo quy định của pháp luật, vậy bị cáo Kiên có hành vi gian dối không nộp thuế không? "Thực tế việc làm của bị cáo Kiên với Cty B&B là hoàn toàn công khai và được xuất trình đầy đủ cho đoàn thanh tra Cục thuế" - LS khẳng định.
Về tội kinh doanh trái phép, LS Thiệp cho rằng việc góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp thông qua 5 Cty, tuy nhiên, việc góp vốn mua cổ phần, cổ phiếu là ngành nghề kinh doanh hay hợp đồng đầu tư bởi cơ quan điều tra gọi là kinh doanh tài chính, sơ thẩm gọi là đầu tư tài chính, coi đây là 1 ngành nghề. "Nhưng nếu là ngành nghề kinh doanh thì phải có trong ngành nghề của hệ thống kinh tế quốc dân, nhưng trên thực tế lại không có" - luật sư Thiệp phân tích.
Về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, LS Nguyễn Huy Thiệp cho rằng dưới góc độ pháp luật, kết tội như bản án sơ thẩm là không thỏa mãn dấu hiệu đặc trưng của tội lừa đảo, mà đang hình sự hóa một quan hệ kinh tế. Đối với hành vi cố ý làm trái, LS cho rằng trước hết cần xác định vai trò của Kiên, Kiên chỉ thuộc hội đồng sáng lập với vai trò tư vấn, không được tham gia biểu quyết, quyết định về các hợp đồng của ACB như quy kết của bản án.
Ngày 9/12, phiên toà sẽ tiếp tục với phần tranh luận.