Luật sư cho rằng Huyền Như không phải là người quản lý tài sản của VietinBank
Thứ sáu, 26/12/2014 08:40

Phiên tòa chiều 25/12 diễn ra “nóng” hơn khi các luật sư tham gia phần tranh luận của mình, nhằm bảo vệ, bào chữa cho thân chủ.

Luật sư cho rằng Huyền Như không phải là người quản lý tài sản của VietinBank

Luật sư cho rằng Huyền Như không phải là người quản lý tài sản của VietinBank

Chiều 25/12, luật sư Nguyễn Thị Bắc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của VietinBank đã tranh luận về nội dung kháng cáo của Cty cổ phần chứng khoán Saigonbank-Berjaya (SBBS) yêu cầu VietinBank bồi thường 210 tỉ đồng cho SBBS. Luật sư Bắc cho rằng, Huyền Như đã có ý định chiếm đoạt tiền ngay từ đầu, khi thoả thuận với Vũ Thị Mỹ Linh- Kế toán trưởng SBBS về việc huy động tiền của SBBS với lãi suất cao. Do cần tiền để trả nợ (vay lãi nặng) Huyền Như đã nảy ý định huy động tiền của các tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt trả nợ. Do có ý định này nên Như đã đồng ý ngay, khi Vũ Thị Mỹ Linh- Kế toán trưởng SBBS trao đổi trực tiếp với Như về việc gửi tiền vào VietinBank với lãi suất cao và khoản chi riêng cho Vũ Thị Mỹ Linh và Vũ Minh Hải – nhân viên SBBS, là người giới thiệu Như với Linh.
 
Theo luật sư Bắc, Huyền Như đã đồng ý lãi suất được ghi trong hợp đồng là 14%, lãi suất chênh ngoài hợp đồng được trả ngay sau khi tiền chuyển vào tài khoản thanh toán là 16% đến 18%/năm, trong đó có chi riêng cho Linh, Hải. Linh khai nhận đã thỏa thuận với Huyền Như từ trước với lãi suất dao động từ 17% đến 23%/năm tùy từng thời điểm và Linh đã báo cáo với lãnh đạo SBBS mức lãi suất từ 16% đến 21% tùy theo từng hợp đồng, còn phần chênh lệch lãi suất còn lại Vũ Minh Hải là người nhận tiền và chia lại cho Linh. 
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho VietinBank cũng tranh luận, đây là thỏa thuận ngầm bất hợp pháp giữa cá nhân Như với Linh và cũng là thủ đoạn của Như để thực hiện mục đích chiếm đoạt tiền của SBBS. Sau khi biết SBBS đã sập bẫy lãi suất, bị cáo Như đã thuê khắc dấu giả đứng tên Công ty này và thực hiện tiếp các thủ đoạn gian dối dẫn dụ SBBS làm theo sự sắp đặt của Như để chiếm đoạt tiền của. Luật sư Bắc cũng tranh luận, vấn đề không bình thường ở đây là toàn bộ 14 hợp đồng ủy thác đầu tư vốn đều quy định lãi suất 14%/năm, SBBS đã nhận khoản lãi suất 14% này đều đặn hàng tháng có tổng số tiền là 7,126 tỉ đồng, nhưng lại nhận thêm khoản lãi suất chênh là 4,2 tỉ đồng nhưng SBBS không thông báo cho VietinBank biết.

Luật sư Bắc cho rằng, bị cáo Như đã giả danh VietinBank để giao dịch bất hợp pháp với SBBS, thực hiện các thủ đoạn gian dối chiếm đoạt toàn bộ 210 tỉ đồng của SBBS. Vì vậy, bản án sơ thẩm với nội dung tuyên Huyền Như phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và buộc Như phải bồi thường 210 tỉ đồng cho SBBS là hoàn toàn có căn cứ và đúng pháp luật.

Về phần bào chữa cho bị cáo Huyền Như, luật sư Nguyễn Văn Ngoan tham gia phần tranh luận của mình, cho rằngHuyền Như không phạm tội “tham ô tài sản” như kết luận và đề nghị của vị đại diện VKSND Tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm, mà chỉ phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

 Luật sư Ngoan tranh luận, tại tòa phúc thẩm, đại diện VKS cho rằng, Huyền Như có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, đồng thời VKS cũng đề nghị HĐXX hủy một phần bản án liên quan đến tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Huyền Như tại 5 Cty: Hưng Yên, SBBS, Toàn Cầu, An Lộc và Phương Đông để điều tra hành vi “tham ô tài sản” đối với Huyền Như, trong khi đó, bị cáo Huyền Như đã chấp nhận mức án được phán quyết tại tòa sơ thẩm là tù chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo không có kháng cáo, đồng thời cũng không có kháng nghị liên quan đến tội danh của bị cáo. Vị đại diện VKSND Tối cao tại phiên tòa phúc thẩm, đề nghị điều tra tội danh “tham ô tài sản” đối với Huyền Như là sẽ bất lợi cho bị cáo, điều này không đúng với quy định.

Luật sư Ngoan cho rằng, với hành vi được VKS cho rằng có dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn là không đúng, bởi vìHuyền Như không có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, tài sản Huyền Như chiếm đoạt không thuộc quyền quản lý, nên không phạm tội “tham ô tài sản”. Luật sư Ngoan cũng lập luận rằng: “VietinBank chưa có văn bản nào quy định, trưởng phòng giao dịch phải quản lý tài sản của khách hàng”.

Luật sư Ngoan đặt câu hỏi: “Vì sao Huyền Như không chiếm đoạt tài sản của khách hàng khác mà chỉ chiếm đoạt tài sản của các Cty…?”, luật này tranh tụng, việc chiếm đoạt tài sản của Huyền Như đã có ý thức từ trước, bắt đầu từ việc Huyền Như đứng ra thành lập Công ty Hoàng Khải và từ đó dùng những phương thức thủ đoạn chiếm đoạt là những hành vi gian dối, giả tên, dẫn dụ, câu nhử bằng lãi suất vượt trần quy định, các khoản chi lót tay… Đấy là dấu hiệu đặc trưng của tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Huyền Như đã liên hệ với đại diện các Công ty quản lý tiền vốn, bằng thủ đoạn gian dối cùng với sự tiếp sức từ sai phạm của những người đại diện quản lý nguồn vốn, Huyền Như đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản…

Luật sư Nguyễn Thị Bắc đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét bác kháng cáo của ACB, Navibank và 5 Công ty: SBBS, Bảo hiểm Toàn Cầu, Hưng Yên, Công ty chứng khoán Phương Đông và Công ty An Lộc. Luật sư này cũng đề nghị bác kháng cáo của bà Lê Thị Ngọc Nga, đồng thời không chấp nhận đề nghị của vị đại diện VKS hủy một phần bản án sơ thẩm đối bị cáo Huyền Như và đồng phạm về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của 5 Công ty trên nêu trên để điều tra lại.

Laodong.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: huyen nhu , huynh thi huyen nhu , lam gia con dau , tai san cua vietinbank , luat su cua huyen nhu , tin , bao