'Luật ngầm' của ông chủ Tân Hiệp Phát và thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt chiếm đoạt 767 tỷ đồng
Chủ nhật, 26/11/2023 15:40

Ông chủ tập đoàn Tân Hiệp Phát - Trần Quí Thanh bị cáo buộc chiếm đoạt 767 tỷ đồng của nhiều nạn nhân với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

"Cuộc chơi của Thanh, phải chơi theo luật của Thanh"

Như đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã hoàn tất kết luận đề nghị truy tố bị can Trần Quí Thanh (SN 1953), chủ tịch Công ty TNHH thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát , và 2 con gái là Trần Uyên Phương (SN 1981, Phó Giám đốc ty Tân Hiệp Phát), Trần Ngọc Bích (1984, giám đốc Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Ông Thanh bị cáo buộc chiếm đoạt 767 tỷ đồng, Trần Uyên Phương 350 tỷ đồng và Trần Ngọc Bích 600 tỷ đồng của nhiều nạn nhân.

Trong đó, riêng bà Đặng Thị Kim Oanh (được biết đến là một nữ đại gia , chủ tịch của hai công ty lớn), bị 3 cha con ông chủ Tân Hiệp Phát chiếm đoạt hai dự án có giá trị hơn 600 tỷ đồng.

Theo kết luận điều tra, lợi dụng quy định về cho vay, hợp đồng chuyển nhượng, Chủ tịch Tân Hiệp Phát cùng 2 con gái đã "lách luật" cho một số người vay với lãi suất dưới mức cấu thành tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (cho vay với mức lãi suất gấp 5 lần 100%/năm sẽ phạm vào tội Cho vay lãi nặng).

Luật ngầm của ông chủ Tân Hiệp Phát và thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt chiếm đoạt 767 tỷ đồng - Ảnh 1.

Trần Ngọc Bích (trái) và Trần Uyên Phương - 2 con gái của ông chủ Tân Hiệp Phát - Ảnh: THP

Thông tin trên VnExpress cho biết, khi cho vay, ông Thanh không làm hợp đồng vay tiền có cầm cố tài sản mà buộc các doanh nghiệp, cá nhân phải làm hợp đồng chuyển nhượng dự án, cổ phần trong dự án. Giá trị của các dự án, bất động sản ghi trong hợp đồng có giá trị thấp hơn nhiều lần thực tế.

Khi bên vay làm thủ tục chuyển nhượng tài sản cho bên Tân Hiệp Phát, ông Thanh chỉ đạo hai con gái làm thủ tục sang tên cho mình để nắm quyền kiểm soát, định đoạt tài sản. Dù bên vay trả đủ gốc và nợ lãi theo thỏa thuận, ông Thanh đã "dùng thủ đoạn gian dối hoặc các lý do để không trả lại tài sản".

Trường hợp bà Đặng Thị Kim Oanh, để được vay 500 tỷ đồng (lãi suất 3%/tháng) thì phải đồng ý với điều kiện chuyển nhượng 50% cổ phần dự án Minh Thành cho Trần Uyên Phương giá 235 tỷ đồng, chủ cũ của dự án chuyển 50% còn lại cho Trần Ngọc Bích và Công ty TCS (công ty của gia đình ông Thanh quản lý) giá 265 tỷ đồng.

Thêm vào đó, bà Oanh phải chuyển 100% cổ phần đang sở hữu của dự án Nhơn Thành cho Trần Ngọc Bích giá 150 tỷ đồng. Phía bà Oanh nói thỏa thuận như vậy "rất rủi ro" khi bản chất chỉ vay 500 tỷ đồng mà phải làm hợp đồng chuyển nhượng cả hai dự án trị giá hơn 1.200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Thanh nói: "Tôi vẫn làm việc với những người khác như thế, đây là cuộc chơi của Thanh, phải tuân theo luật của Thanh".

Do không tìm được nguồn tài chính khác, bà Oanh chấp nhận "luật ngầm" ông chủ Tân Hiệp Phát, giao toàn bộ con dấu, hồ sơ tài liệu liên quan dự án cho con gái của ông Thanh.

Luật ngầm của ông chủ Tân Hiệp Phát và thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt chiếm đoạt 767 tỷ đồng - Ảnh 2.

Ông chủ Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh. Ảnh: THP

Tuổi Trẻ Online nêu, sau khi trả lãi lần 1, bà Oanh hỏi về việc trả nợ gốc, nợ lãi và nhận lại dự án thì ông Thanh lại đưa ra "luật chơi" nếu mua lại 100% Công ty Minh Thành trước ngày 13/2/2020 thì giá bán là 350 tỷ còn nếu trước ngày 13/8/2020 thì giá là 444,5 tỷ đồng (gần gấp đôi giá thế chấp vay ban đầu).

Đến lần trả lãi thứ 3, do quên nên nhóm bà Oanh mang tiền lãi (31,5 tỷ đồng) đến trụ sở Tân Hiệp Phát chậm một ngày nhưng bị từ chối. Sau nhiều lần năn nỉ thì ông Thanh gặp và yêu cầu phía bà Oanh phải nộp tiền phạt thêm 35 tỷ.

Đầu tháng 7/2020, nhiều nhà đầu tư muốn mua lại dự án Minh Thành Đồng Nai với giá 1.200 tỷ nên bà Oanh nhiều lần liên hệ phía Tân Hiệp Phát để xin trả nợ gốc và nhận lại dự án nhưng đều không được phản hồi. Theo cơ quan điều tra cáo buộc, do thời điểm đó, giá trị dự án tăng lên gấp nhiều lần số tiền 350 tỷ cho vay, nên ông chủ tập đoàn này đã dùng nhiều thủ đoạn gây khó dễ để chiếm đoạt.

Hành vi phạm tội nhiều lần, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt

Ngoài vụ án lừa đảo của bà Oanh, ông Thanh cùng hai con gái còn bị cáo buộc gây ra 3 vụ chiếm đoạt tài sản khác với cùng một thủ đoạn.

C01 kết luận, từ tháng 1/2019 đến tháng 3/2019, ông Thanh và "cò" - người chuyên giúp ông Thanh cho vay lãi, đã cho ông Nguyễn Văn Chung (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH Đo đạc, tư vấn, thiết kế, xây dựng DCB - Công ty DCB) vay 35 tỷ đồng với lãi suất 3%/tháng. Theo thỏa thuận, ông Chung phải làm thủ tục chuyển nhượng cho phía ông Thanh 29 thửa đất có giá trị 48 tỷ đồng tại 230 Hồ Học Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM.

Tháng 3/2019, khi ông Chung đề nghị trả 35 tỷ đồng tiền gốc trước thời hạn 16 ngày thì ông Trần Quí Thanh yêu cầu phải nộp thêm 14 tỷ đồng mà không có lý do. Do không nộp thêm tiền nên Chung bị nhóm ông Thanh chiếm đoạt 29 thửa đất có giá trị 83 tỷ đồng. Trừ đi 35 tỷ đồng đã giải ngân, ông Thanh bị cáo buộc đã chiếm đoạt 48 tỷ đồng của ông Chung.

Đến ngày 5/11/2020, ông Chung tố cáo việc ông có vay tiền của bà Trần Uyên Phương (con gái ông Thanh) và ký "hợp đồng giả cách" chuyển nhượng lô đất hàng ngàn mét vuông tại quận Bình Tân nhưng sau đó ông bị mất luôn lô đất này.

Luật ngầm của ông chủ Tân Hiệp Phát và thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt chiếm đoạt 767 tỷ đồng - Ảnh 3.

Ông Trần Quí Thanh - Ảnh: Sài Gòn giải phóng

Tương tự, ông Thanh cùng hai con gái bị cáo buộc đã chiếm đoạt 4 thửa đất tại xã Hiệp Phụng, huyện Bình Chánh, TP Thủ Đức của ông Lâm Sơn Hoàng có giá trị 195 tỷ đồng. Trừ đi 115 tỷ đồng tiền gốc đã giải ngân, ông Thanh bị cáo buộc đã chiếm đoạt 80 tỷ đồng.

Trong vụ thứ 4, ông chiếm đoạt 2 thửa đất tại 643 và 643A Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, TP HCM có giá trị 118 tỷ đồng của anh Nguyễn Huy Đông. Trừ đi 80 tỷ đồng đã giải ngân, ông Thanh bị cáo buộc đã chiếm đoạt của anh Đông 38 tỷ đồng.

Báo Người lao động dẫn theo kết luận của C01, tại cơ quan điều tra, mặc dù đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội song bị can Trần Quí Thanh vẫn ngoan cố, chưa thành khẩn khai báo, không nhận thức rõ hành vi vi phạm pháp luật của bản thân. Dù bị can phạm tội lần đầu, là chủ doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội, tạo việc làm cho hàng ngàn người lao động song đã lợi dụng những quy định về cho vay, hợp đồng chuyển nhượng trong Bộ luật Dân sự để thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

Bên cạnh đó, các bị can Trần Uyên Phương, và Trần Ngọc Bích, là những người có trình độ, có hiểu biết về pháp luật song đã cùng bố đẻ là Trần Quí Thanh thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của các bị hại. Hành vi của 2 bị can đủ yếu tố cấu thành tội với vai trò giúp sức.

"Qua đó, bị can Thanh cùng các đồng phạm chiếm đoạt tài sản có giá trị đặc biệt lớn, gây bức xúc trong xã hội. Cần phải xử lý bằng một bản án nghiêm khắc trước pháp luật để giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung"- báo này dẫn kết luận nêu.

Doisongphapluat.nguoiduatin.vn

Nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/luat-ngam-cua-ong-chu-tan-hiep-phat-va-thu-oan-tinh-vi-xao-qu.. Nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/luat-ngam-cua-ong-chu-tan-hiep-phat-va-thu-oan-tinh-vi-xao-quyet-chiem-oat-767-ty-ong-a394367.html

Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác

Tag: Tân Hiệp Phát , Trần Quí Thanh , lừa đảo chiếm đoạt tài sản